Điện Quang: Cả một trời yêu bao giờ trở lại
Năm 1879, tại New Jersey (Mỹ), nhà bác học Thomas Edison đã phát minh ra bóng đèn dây tóc đầu tiên trong lịch sử. Gần 100 năm sau, phía bên kia địa cầu, một doanh nghiệp mà tên tuổi gắn liền với “bóng đèn” ra đời.
“Ở đâu có điện…”, đúng vậy! Không cần nghĩ ngợi nhiều, ngay lập tức ô chữ bật ra ngay “ở đó có Điện Quang” như một phản xạ không điều kiện.
Từ những năm 1973, cái tên Điện Quang được khai sinh, gắn liền với Nhà máy Bóng đèn Điện Quang, sau đó là Xí nghiệp Liên hiệp Bóng đèn Điện Quang rồi Công ty Bóng đèn Điện Quang (hoạt động dưới hình thức Doanh nghiệp Nhà nước). Đến năm 2005, Công ty được cổ phần hóa với số vốn điều lệ đăng ký là 23.5 tỷ đồng, đổi tên thành CTCP Bóng đèn Điện Quang. Trong vòng 17 năm, tính đến 2022, số vốn điều lệ của Công ty đã tăng gấp gần 15 lần so với năm 2005, tiến lên 343.6 tỷ đồng.
Ban đầu, hoạt động chủ yếu của Công ty là sản xuất bóng đèn tròn, đèn huỳnh quang rồi đèn compact tiết kiệm điện. Đến năm 2007, Điện Quang tham gia thị trường xuất khẩu, nghiên cứu và sản xuất đèn LED. Đây cũng là thời điểm vốn điều lệ của Điện Quang tăng vọt từ 23.5 tỷ đồng lên 157 tỷ đồng, để rồi một năm sau đó Điện Quang chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán, mã DQC. Tuy nhiên, cuộc lên sàn này được xem là “đúng cổ phiếu, nhưng sai thời điểm”.
Thời điểm Điện Quang niêm yết là giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước đó, kết quả kinh doanh (KQKD) của Điện Quang giai đoạn 2006 - 2007 tăng đột biến, chủ yếu từ khách hàng lớn ở Cuba là Consumimport. Sau một sự cố, Điện Quang chấm dứt làm ăn với đối tác này, khả năng thu hồi công nợ hàng ngàn tỷ đồng để ngỏ. Doanh thu của Công ty đã rơi thẳng đứng từ 1,120 tỷ đồng năm 2007 và dừng lại ở mức 380 tỷ đồng năm 2008.
Tuy vậy, trong nguy vẫn có cơ, Điện Quang quyết định chi đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất đèn LED, đồng thời vươn ra đầu tư ở thị trường quốc tế với nhà máy sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện ở Venezuela (tổng mức đầu tư 300 triệu USD, Điện Quang góp 30%), với liên doanh VietVen. Điều này thể hiện rõ nhất qua dòng tiền chi đầu tư tài sản cố định và đầu tư vào công ty liên doanh liên kết của Điện Quang với gần 20 tỷ đồng năm 2007 và 67 tỷ đồng năm 2008.
Giai đoạn sau đó, từ năm 2009 - 2012, doanh thu và lãi ròng Công ty vẫn tăng trưởng, chủ yếu từ thị trường nội địa và một phần từ khách hàng Cuba trả dần bằng đô la Mỹ. Giai đoạn này gần như Điện Quang không có hoạt động đầu tư nổi bật, tiền chi đầu tư trung bình chỉ 4 tỷ đồng/năm.
Công ty bắt đầu mạnh tay chi đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2015. Năm 2015, DQC thành lập công ty con - Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang với vốn điều lệ 176 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 100%).
Năm 2016, KQKD của DQC tuột dốc lần nữa, phần vì khoản trả của khách hàng Cuba không còn, phần vì sự cạnh tranh quá gay gắt trên thị trường, nhất là với các sản phẩm của Trung Quốc. Doanh thu thuần Công ty chỉ đạt 1,035 tỷ đồng, giảm hơn 15% từ đỉnh doanh thu 1,223 tỷ đồng năm 2014. Cùng thời điểm này, DQC tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và Nhà máy sản xuất các sản phẩm chiếu sáng LED và thiết bị điện từ tại Công nghệ cao TPHCM, được cấp phép từ tháng 10/2015.
Năm 2017 cũng là một cột mốc khác, Điện Quang bắt đầu triển khai các hoạt động chuyển đổi dựa trên định hướng phát triển thành tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên sâu trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện, ứng dụng công nghệ và cung cấp giải pháp thông minh cùng giải pháp chiếu sáng chuyên nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng sống của khách hàng.
Điều khó khăn nhất Điện Quang đối mặt trong việc chuyển đổi này là nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ, song song một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng. Từ những ngày đầu, Điện Quang đã đầu tư phát triển nhà máy, trang thiết bị ứng dụng sản xuất, cụ thể như dây chuyền sản xuất bo mạch điện tử; nhà máy ép nhựa kỹ thuật; dây chuyền sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM.
Đây có thể được xem là bước đi hợp lý khi giai đoạn sau đó, bối cảnh kinh doanh toàn cầu vô cùng bất lợi, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy với thương chiến Mỹ - Trung rồi đến đại dịch COVID-19, đến xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khiến cho phần hoạt động quốc tế của Công ty bị ảnh hưởng.
Doanh thu và lợi nhuận DQC sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2021, doanh thu và lãi ròng lần lượt còn 734 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. Đến năm 2022, doanh thu tăng trưởng trở lại gần 35%, tiến lên mức 990 tỷ đồng. Ngược lại, lãi ròng đi lùi 35% xuống còn 13.7 tỷ đồng.
Trở lại thời điểm “đúng cổ phiếu nhưng sai thời điểm”, tháng 02/2008, DQC niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) với mức giá 290,000 đồng/cp. Tuy nhiên, với những “biến cố” của khủng khoảng tài chính toàn cầu, giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm. Đến năm 2009, giá cổ phiếu có sự hồi phục, nhưng nhanh chóng tuột dốc bởi những biến động kinh tế vĩ mô.
Mãi đến khoảng cuối 2011 - đầu 2012, giá cổ phiếu DQC tạo đáy và bắt đầu cho một thời kỳ tăng giá kéo dài 5 năm, đạt đỉnh hơn 60,000 đồng/cp vào tháng 07/2016.
Đến giai đoạn giảm giá, cổ phiếu DQC còn tạo đỉnh trước cả chỉ số VN-Index, bởi các chỉ số về hoạt động kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, Công ty đã mua vào 659 ngàn cp quỹ, sau đó là 3.7 triệu cp với mức giá thực hiện bình quân là 27,000 đồng/cp. Đến nay, DQC vẫn còn nắm giữ hơn 6.8 triệu cp quỹ.
Đối với kế hoạch bán cổ phiếu quỹ (tính đến cuối năm 2022 là 167 tỷ đồng cho 6.8 triệu cp) để huy động vốn đầu tư trong tương lai, tại ĐHĐCĐ 2023, Chủ tịch HĐQT Hồ Quỳnh Hưng cho biết, có những giai đoạn cổ phiếu xuống, tài chính tốt Công ty đã mua vào hỗ trợ nhà đầu tư và khi điều kiện thuận lợi thì Công ty bán bớt ra.
Năm 2022, giá cổ phiếu của DQC lập đỉnh mới ở mức hơn 63,000 đồng/cp, nhưng việc tăng giá cổ phiếu hoàn toàn là do yếu tố dòng tiền của các nhà đầu tư chảy vào quá mạnh trên thị trường tức từ năm 2021 - giai đoạn dịch COVID-19 đang hoành hành. Do đó, khi “thủy triều” rút đi, giá cổ phiếu DQC nhanh chóng “trơ trọi”, hiện dao động quanh 18,000 - 19,000 đồng/cp.
Năm 2023, đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Điện Quang. Công ty phát đi những thông điệp mang tính đột phá.
Trước hết, Công ty đã đổi tên từ CTCP Bóng đèn Điện Quang thành CTCP Tập đoàn Điện Quang. Nếu nhìn lại quá trình phát triển, có thể thấy Điện Quang từ lâu đã không còn đơn thuần chỉ là sản xuất và bán các sản phẩm “bóng đèn” nữa. Cụm từ “Tập đoàn” đã được đưa vào tên Công ty, như một lời khẳng định về quy mô và tầm cỡ của một tập đoàn công nghệ với 5 lĩnh vực cốt lõi: chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời; và 3 mảng kinh doanh chính: B2C, B2B và B2O.
Điện Quang hiện có 5 công ty thành viên và mỗi công ty chuyên về một lĩnh vực riêng từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thi công, tư vấn…
Nguồn: BCTN DQC
Một điểm đáng chú ý khác, Điện Quang muốn tái định vị thương hiệu xoay quanh cụm từ “Chất lượng”. Điều này làm cho câu slogan nổi tiếng và quen thuộc của Công ty trở nên dài hơn. Từ nay, không chỉ “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” mà còn là “Ở đâu có Điện Quang, ở đó có chất lượng”.
Như vậy, quá trình 50 năm kể từ khi thành lập, Công ty đã có nhiều bước ngoặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều lần biến nguy thành cơ. Đến nay, DQC không còn đơn thuần là một công ty bán các sản phẩm chiếu sáng nữa, mà phát triển đa ngành bao gồm: chiếu sáng, thông minh, gia dụng, năng lượng mặt trời và thiết bị điện, đặc biệt tập trung vào các hệ thống giải pháp thông minh. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc đầu tư và xây dựng các thành phố ứng dụng công nghệ tự động hóa tiên tiến đã dần được coi trọng và là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới.
Cho tới hiện tại, Công ty trở thành đối tác với rất nhiều đơn vị như Qualcomm, Amazon Web Service, Schréder, Fundacion Metropoli, Alphanam, FPT, Viettel, Xelex, ACT…
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Điện Quang, đại diện VSCC chia sẻ về cơ hội cho đô thị thông minh tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc chú trọng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cũng là bước đột phá khác của DQC. Đối với mảng công nghiệp hỗ trợ, Điện Quang đang tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng tối đa năng lực sản xuất của nhà máy tại Khu công nghệ cao TPHCM.
Nhìn về định hướng này, ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết, Chính phủ và các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương hiện đang có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong các hoạt động sản xuất và đời sống; chính sách phát triển ngành Điện tử - Viễn thông - Công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành. Ngoài ra, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung của các tập đoàn toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra và là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu tiếp tục nắm bắt tốt thời cơ này.
Các sản phẩm chip LED của Điện Quang. Ảnh: Tiến Vũ
Rõ ràng, việc Công ty đầu tư mạnh tay giai đoạn 2018 - 2020 là để chuẩn bị cho tương lai với kỳ vọng xa hơn nữa, nhưng không may chịu sự tác động của dịch COVID-19 nên chưa phát huy được hiệu quả. Do đó, hiện tại vẫn là giai đoạn đầu tư, nên vẫn chưa thể kỳ vọng về sự đột phá trong kết quả kinh doanh. “Nếu muốn hái quả thì phải đến 2025” - người đứng đầu DQC khẳng định.
Chủ tịch Hưng cho biết, để đối tác nước ngoài đặt hàng thường mất 1 - 1.5 năm, đánh giá 4 - 5 lần về năng lực và con người, buộc Công ty phải tốn các chi phí đầu tư máy móc. Khi đạt tiêu chuẩn rồi lại đến câu chuyện giá cả của Công ty có lợi thế cạnh tranh không để đối tác lựa chọn. Khi tiếp cận Điện Quang, hầu hết đối tác nước ngoài điều đánh giá cao về năng lực đầu tư bài bản.
Chiến lược 2023 - 2027, DQC xác định tốc độ tăng trưởng doanh thu và thị phần, doanh thu dự kiến tăng bình quân từ 20 - 25% mỗi năm. Những năm dòng tiền tăng mạnh là những năm Công ty tăng đầu tư cả vào các nhà máy, nhà xưởng và cả các công ty con.
Điện Quang đang có những giải pháp cho bài toán tăng trưởng trong tương lai. Nhưng liệu những kế hoạch mà ban lãnh đạo Công ty đang theo đuổi có mang lại kết quả như kỳ vọng và đưa doanh nghiệp trở lại thời hoàng kim?
Cả một trời yêu bao giờ trở lại…
Duy Khánh - Ảnh: Tiến Vũ
- Tổng Giám đốc VIS Rating: Phần lớn cá nhân nắm TPDN không phải “dân chuyên” (09/06/2023)
- Nhà đầu tư cá nhân bị ‘đánh đố’ khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (09/06/2023)
- Chứng khoán Việt Tín sắp thay tên đổi họ, tăng vốn gấp gần 22 lần và “Nam tiến” (09/06/2023)
- VET giải trình về việc bò chết bệnh sau khi tiêm vaccine (09/06/2023)
- Lợi nhuận TNR Holdings Việt Nam giảm hơn 90% (09/06/2023)
- Hậu soát xét bán niên: Mất nhiều hơn được (09/06/2023)
- Lãi trước thuế 8 tháng của FPT đạt 7,077 tỷ, tăng 20% (09/06/2023)
- Độc lạ CTP: Dàn lãnh đạo “đi rồi trở về”, cổ phiếu tăng giá dựng đứng (09/06/2023)
- Vietravel Airlines thay Tổng Giám đốc (09/06/2023)