Trump - Harris: Ai sẽ là lựa chọn tốt hơn cho thị trường chứng khoán?
Thị trường tài chính toàn cầu đang nín thở chờ đợi kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Giới đầu tư phân tích kỹ lưỡng tác động tiềm tàng từ chính sách của hai ứng viên hàng đầu - Donald Trump và Kamala Harris - để chuẩn bị cho những biến động sắp tới.
Chiến thắng của Donald Trump được đánh giá là tích cực cho cổ phiếu nhưng rất tiêu cực cho trái phiếu. Thắng lợi của Trump cũng được dự báo sẽ giúp đồng USD mạnh lên.
Về mặt vĩ mô, chính sách của cả Donald Trump và Kamala Harris có thể làm tăng thâm hụt ngân sách Mỹ, nhưng mức độ thâm hụt dưới thời Trump sẽ lớn hơn. Chính sách của Trump được cho là sẽ đẩy lạm phát tăng cao, trong khi chính sách của Harris có thể kéo giảm lạm phát.
Điều này có nghĩa lãi suất dưới thời Trump sẽ cao hơn để kìm hãm lạm phát và thúc đẩy đồng USD, và ngược lại dưới thời bà Harris. Do đó, tăng trưởng có thể thấp hơn dưới thời Trump và tốt hơn dưới thời Harris.
Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB), một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận, dự báo chính sách của Harris sẽ làm thâm hụt ngân sách Mỹ tăng thêm 3,950 tỷ USD đến năm 2035, nhưng Trump sẽ còn tệ hơn - ông có thể làm thâm hụt tăng 7,750 tỷ USD đến năm 2035.
Harris đặt trọng tâm vào các chương trình xã hội: Gia hạn giảm thuế cho hộ thu nhập dưới 400,000 USD, mở rộng tín dụng thuế cho gia đình có con, tăng trợ cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở giá rẻ và tăng lương tối thiểu. Để bù đắp chi tiêu, bà dự kiến tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế thu nhập từ vốn và thuế medicare.
Trump, ngược lại, theo đuổi chính sách cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn: Tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp, miễn thuế tiền boa và làm thêm giờ, chấm dứt đánh thuế trợ cấp an sinh xã hội. Ông dự định bù đắp bằng cách tăng thuế quan, thay đổi chính sách năng lượng và cắt giảm chi tiêu cho giáo dục.
Về vấn đề nhập cư, Harris sẽ ủng hộ tăng nhập cư hợp pháp trong khi Trump sẽ giảm mọi hình thức nhập cư. Do đó, Trump có thể thắt chặt thị trường lao động và đặc biệt gây tổn thương cho các công ty công nghệ thông tin.
Đối với các thị trường mới nổi, chiến thắng của Harris có thể giúp duy trì xu hướng hiện tại. Ngược lại, nếu Trump đắc cử và đồng USD mạnh lên, các đồng tiền thị trường mới nổi sẽ chịu áp lực giảm giá.
Đặc biệt, việc Trung Quốc có thể phá giá tiền tệ để đối phó với thuế quan của Trump sẽ tạo hiệu ứng domino, buộc các nước châu Á khác phải làm yếu đồng tiền của mình. Điều này không chỉ hạn chế khả năng giảm lãi suất của các nước mới nổi mà còn có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với những tác động sâu rộng đến thị trường tài chính toàn cầu, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 không chỉ quan trọng đối với cử tri Mỹ mà còn với nhà đầu tư trên toàn thế giới. Dù ai thắng, thị trường chắc chắn sẽ chứng kiến những biến động đáng kể trong thời gian tới.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
- Giảm 7 phiên liền, Dow Jones chứng kiến chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2020 (05/11/2024)
- Phố Wall giảm điểm sau báo cáo PPI (05/11/2024)
- Nasdaq Composite lần đầy vượt ngưỡng 20,000 điểm (05/11/2024)
- Trụ sở của Adidas bị khám xét (05/11/2024)
- Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp (05/11/2024)
- Chuyên gia cảnh báo chứng khoán Mỹ có thể giảm 35% trong nửa đầu năm 2025 (05/11/2024)
- Phố Wall nhuốm sắc đỏ vì cổ phiếu công nghệ (05/11/2024)
- "Vua trái phiếu" cảnh báo về cơn sốt đầu cơ trên Phố Wall (05/11/2024)
- S&P 500 tăng 3 tuần liên tiếp (05/11/2024)