Song hành với diễn biến đi lên của thị trường, mức sử dụng tiền vay ký quỹ chứng khoán (margin) cũng có chiều hướng tăng. Tính toán sơ bộ của một số CTCK cho thấy, tỷ lệ margin hiện nay đã tăng hơn 10% so với thời điểm cuối quý I/2016.
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho biết, so với mức 21.000 tỷ đồng cuối quý I/2016, margin toàn thị trường hiện nay đang dao động ở khoảng trên dưới 23.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn chút so với mức đỉnh 27.000 tỷ đồng vào tháng 5/2014. Tại ACBS, dư nợ margin tính tới ngày 17/5 đã tăng khá mạnh so với cùng thời gian năm ngoái, hiện đang ở mức 1.700 tỷ đồng.
Theo ông Cần, không chỉ ACBS mà các CTCK lớn đều trong tình trạng tương tự. Trước những lo ngại về việc tỷ lệ margin đang ở mức cao có thể gây ra nhiều rủi ro cho thị trường, lãnh đạo ACBS cho biết, thị trường đang có sự hưng phấn nhất định và chỉ số VN-Index đã vượt quá ngưỡng 620 điểm, do vậy, trong trường hợp thị trường đột ngột điều chỉnh, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu sử dụng margin quá cao.
“Hiện nay, hệ thống kỹ thuật của các CTCK rất tốt nên nếu thị trường có tín hiệu điều chỉnh, các CTCK sẽ có những cảnh báo kịp thời cho khách hàng về tình hình margin. Nghĩa là nếu xuất hiện rủi ro, các CTCK vẫn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu”, ông Cần cho biết.
Cùng với ACBS, nhiều CTCK thường xuyên duy trì lượng tiền margin ở mức trên 1.000 tỷ đồng như CTCK TP. HCM (HCM), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK ACB (ACBS), CTCK VNDirect (VND)… Đặc biệt, tính tới cuối quý I/2016, lượng tiền margin tại CTCK SSI đã ở mức 3.770 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 140 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ margin tại HSC cũng đang ở mức trên 2.400 tỷ đồng.
Trong những phân tích mới đây, một số CTCK đã khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin, đặc biệt là những nhà đầu tư e ngại rủi ro có thể cân nhắc đến việc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, việc dùng margin thường phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro cũng như kỹ thuật giao dịch của từng nhà đầu tư, chính vì vậy, tự bản thân nhà đầu tư sẽ phải có cách “ứng xử” phù hợp.
Trong khi đó, tổng giám đốc một CTCK có quy mô vừa cho rằng, dư nợ margin tại công ty đã tăng so với thời điểm cuối quý I/2016, tuy nhiên vẫn chưa đến mức “báo động”, bởi ở thời điểm hiện tại, các CTCK đã không còn “vung tay” mở rộng cho vay margin, mặc dù ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn dư.
Bên cạnh đó, theo vị giám đốc này, ngay cả giới đầu tư cũng nhận ra rằng, thị trường có xu hướng lên, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ. Hay nói cách khác, thị trường đang ít nhiều có những diễn biến theo trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”, khi các chỉ số được kéo lên bởi các bluechips, mà không phải số đông nào cũng lựa chọn những cổ phiếu này.
Dù margin có tăng, nhưng các CTCK đều cho biết, hoạt động cho vay margin hiện tại đã “dễ thở” hơn so với năm ngoái, khi nguồn lực tài chính của họ đã phần nào được củng cố, bản thân các CTCK cũng đã chủ động hơn rất nhiều trong việc kiểm soát.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDIRECT (VND) cho biết, Công ty hiện kiểm soát được vấn đề cho vay margin và nguồn lực dành cho hoạt động này vẫn đang dồi dào. Hàng tháng, Công ty sẽ có những đánh giá tổng thể để loại bỏ hoặc thêm vào cổ phiếu trong rổ được phép sử dụng margin, nếu có sự thay đổi về tỷ lệ hay các mã cổ phiếu thêm bớt, Công ty sẽ có thông báo cho khách hàng để kịp thời xử lý.
Thị trường vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực và trước mắt, chưa có những đột biến để tạo áp lực margin tới thị trường. Tuy vậy, sự lo lắng của một bộ phận CTCK, nhà đầu tư là có cơ sở, khi những rủi ro có thể hiện hữu đối với một số mã cổ phiếu nếu thị trường đột ngột đảo chiều, đặc biệt đối với một số mã đầu cơ có thanh khoản cao đột biến thời gian gần đây.