Ưu tiên phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất
"Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật", Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề cập đến khả năng xem xét đến phương án chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu tìm được nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện phương án.
Tại một báo cáo trước đó được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý DQS, bộ này từng kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu thực hiện phương án chuyển giao nguyên trạng DQS từ PVN về SBIC theo hình thức tăng giảm vốn giữa 2 doanh nghiệp Nhà nước. Giao PVN phối hợp với SBIC đề xuất phương án cụ thể, bao gồm phương thức chuyển giao, giải pháp xử lý tài chính, cơ chế chính sách đặc thù…
Về phương án cho phá sản nhà máy, Bộ Công Thương cho rằng, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.
“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.
DQS đã “bê bết” như nào khi chuyển từ Vinashin sang PVN?
Từ ngày 1/7/2010, Vinashin bàn giao DQS sang PVN, báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 30/6/2010 đã được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh của DQS là 3.758 tỷ đồng, vốn điều lệ thực góp chỉ 75 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -974 tỷ đồng, lỗ luỹ kế lên đến gần 1.236 tỷ đồng.
Tổng các khoản nợ phải trả theo báo cáo của kiểm toán Deloitte là 7.440 tỷ đồng trong đó vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng là 4.803 tỷ đồng, có đến 70% vốn vay bằng ngoại tệ.
Hệ số về khả năng thanh toán ở mức 0,66 - mức này theo đánh giá không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, dài hạn. Tại thời điểm ngày 30/6/2010, DQS mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.
Sau khi được bàn giao sang PVN, DQS đã thực hiện hoàn thành 1 số dự án đóng mới và sửa chữa tàu, lợi nhuận trong 2 năm 2014-2015 đã lần đầu tiên “thoát âm”.
Thời điểm cuối năm 2016, đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, nhiều trang thiết bị tại DQS không phù hợp, lạc hậu hoặc không đạt chất lượng để tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm của công ty rất lớn.
NGUYỄN THẢO
- “Thay tướng giữa đàng”, chuyện gì đang xảy ra ở REE? (22/05/2017)
- Red Capital chính thức đón chào quỹ thành viên quy mô 300 tỷ (22/05/2017)
- PNJ thu hơn 3,100 tỷ đồng trong tháng 10 (22/05/2017)
- CII dùng 3.7 triệu cp LGC đảm bảo cho lô trái phiếu 108 tỷ đồng (22/05/2017)
- Kế toán trưởng SP2 nộp đơn từ nhiệm sau khi Công ty nhận quyết định xử phạt thuế (22/05/2017)
- Phố đi bộ nơi “tọa độ kim cương” của Phổ Yên chính thức lộ diện (22/05/2017)
- Công ty con của KBC tăng mạnh vốn để làm khu công nghiệp Lộc Giang gần 5.2 ngàn tỷ (22/05/2017)
- Soi mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sàn HOSE (22/05/2017)
- Ngành hàng không “cất cánh” trong quý 3 (22/05/2017)