BAF hợp tác với tập đoàn chăn nuôi lớn nhất thế giới, nâng mục tiêu tổng đàn lên 10 triệu con
Ngày 16/09/2024, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan (Muyuan Foods Co., Ltd), nhằm tiếp nhận chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi để đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
Một trong những quan trọng trong thỏa thuận hợp tác giữa BAF và Muyuan là hướng đến chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh. Doanh nghiệp cho biết, thời đại 4.0, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, máy móc tự động, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào chăn nuôi không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu nguồn lực, mà còn đảm bảo an toàn sinh học và môi trường theo những tiêu chuẩn toàn cầu.
Hợp tác cùng Muyuan, BAF kỳ vọng sẽ cải tiến toàn diện hệ thống chuỗi khép kín từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến mô hình chuồng trại. Với bề dày kinh nghiệm cùng các biện pháp quản lý an toàn sinh học đã được Muyuan triền khai thành công tại Trung Quốc, BAF sẽ học hỏi và áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của đàn heo, tăng hiệu quả kinh doanh và từ đó đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Lễ ký kết hợp tác giữa BAF cùng Tập đoàn Muyuan
|
Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển ngành chăn nuôi đang có tác động không nhỏ đến môi trường, từ việc sử dụng tài nguyên nước đến phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, theo BAF, các công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Muyuan sẽ giúp nâng cấp quy trình quản lý chất thải chăn nuôi, tái chế và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, phát triển chuỗi kinh tế tuần hoàn, đặt nền móng vững vàng cho mục tiêu phát triển bền vững - một mục tiêu đang được chú trọng bởi tất cả các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới.
"Muyuan tự tin có thể hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450,000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay này, hai bên có thể mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon và an toàn, đồng thời cùng nhau thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam, tạo nên một môi trường xanh hơn, lành mạnh hơn và một xã hội thịnh vượng hơn", ông Gao Tong (Cao Đồng), CFO Tập đoàn Muyuan phát biểu.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF cũng cho biết: "Hợp tác giữa BAF và Muyua là khởi đầu cho một hành trình khác trong tương lai. Chúng tôi mong muốn không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao công nghệ chuồng trại, an toàn sinh học, các giải pháp môi trường; hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực hơn nữa để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển ngày càng hiện đại, đổi mới của ngành chăn nuôi".
Công nghệ chuồng trại mới cho phép nâng mục tiêu lên 10 triệu heo thương phẩm vào 2030
Theo thông tin công bố, một trong những công nghệ quan trọng nhất mà Muyuan sẽ chuyển giao cho BAF trong tương lai là công nghệ chuồng trại nhiều tầng.
Ông Gao Tong chia sẻ, ở Trung Quốc đã áp dụng mô hình này từ lâu, và mỗi tầng có công dụng riêng. Một chuồng trại gồm 6 tầng, trong đó tầng 5 và 6 được dùng để nuôi heo nái; tầng 3 và 4 dành cho heo mới đẻ và heo cai sữa; 2 tầng dưới cùng là nuôi heo thịt. Quy mô này cho phép tiện quản lý, đặc biệt là quản lý an toàn sinh học.
Các chuồng của Muyuan còn áp dụng công nghệ xử lý khí thải. Theo đại diện Tập đoàn, hệ thống có 4 lớp lọc, để lọc khí đạt chuẩn ICU đưa vào chuồng. Luồng gió cũng được tính toán để đẩy đúng lượng cần vào trong. Sau đó, bên trong trại sẽ tích lũy lại khí để đưa qua hệ thống khác xử lý, được sát khuẩn đến chuẩn nhất định mới đưa ra ngoài.
Một tòa nhà để nuôi heo tại Trung Quốc
|
“Muyuan có rất nhiều trang trại rải rác, và công nghệ xử lý mùi luôn đạt tiêu chuẩn, dù là giữa khu dân cư hay xa hơn” – trích lời đại diện Tập đoàn.
Quan trọng hơn, việc xây chuồng theo tầng mang lại nhiều lợi thế, cho phép ông Trương Sỹ Bá nghĩ về những mục tiêu xa hơn. Tại sự kiện, ông Bá cho biết mục tiêu của BAF tại năm 2030 đã được nâng lên, từ 6 triệu lên 10 triệu heo thương phẩm, cùng 450,000 heo nái.
“Đây là mục tiêu rất khát vọng và vô cùng thách thức. Nhưng trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi hoành hành, nó tạo ra thách thức với an ninh thực phẩm. Nếu như không có doanh nghiệp như chúng tôi mở rộng và làm, đàn heo không kiểm soát được dịch bệnh, thì nguồn cung sẽ thiếu và giá heo hơi có thể lên tới 100,000 đồng/kg.
Chúng tôi xác định sẽ biến dịch tả châu Phi thành cơ hội. Thực tế, không ai muốn có dịch. Nhưng giờ đến rồi, nếu không làm thì không được”.
Ông Bá chia sẻ, mục tiêu này được nâng lên sau khi tiến hành hợp tác với Muyuan.
“Công nghệ của Muyuan mang đến nhiều lợi điểm. Đầu tiên là giảm được chi phí chăn nuôi rất lớn. Thứ 2 là quỹ đất. Nếu so với thông thường, công nghệ chuồng của Muyuan sẽ giảm 50-70% về chi phí đất so với thông thường nếu xây nhà trệt, thậm chí giảm nhiều lần với nhà tầng. Ngoài ra có các hệ thống lọc để đảm bảo an toàn sinh học. Đầu ra mùi hôi, như đại diện Muyuan chia sẻ, là được lọc để không còn mùi.
Trên cơ sở xác định như vậy, việc hợp tác là nước đi chiến lược, là bước ngoặt của BAF trong các bước phát triển tiếp theo. Đây là lợi thế, nếu tiên phong, đi trước,sức cạnh tranh sẽ rất tốt. Hiện tại, đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường thực tế không phải là các ông lớn, mà là chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhỏ lẻ giảm, chúng ta lấy thị phần họ để lại”.
Theo ông Bá, để thực hiện được mục tiêu, mỗi năm BAF sẽ cần xây dựng quy mô chuồng trại đáp ứng khoảng 1.5-1.8 triệu heo để đưa vào các năm kế tiếp. Con số ấy tương đương với 12 trại như cụm Hải Đăng (Tây Ninh, quy mô 5,000 nái và 60,000 heo thịt).
“Hiện tại, BAF có một số trại quy mô lớn như Hải Đăng (Tây Ninh, đã hoạt động), Hải Hà (Quảng Ninh, sắp hoạt động), hay trại Giai Xuân (xây dựng cuối 2024). Mỗi trại như vậy, 1 năm sẽ cung ứng 130-150 ngàn heo thương phẩm. Nghĩa là chúng tôi phải xây dựng 11-12 cái Hải Đăng”.
Một cụm trại như Hải Đăng được xây dựng trên diện tích khoảng 50ha. Nhưng khi xây chuồng tầng, diện tích sử dụng chỉ là 25ha. Nghĩa là, quỹ đất của Hải Đăng sẽ xây được 2 trại như vậy, và sản lượng sẽ là gấp đôi.
“Ban đầu còn “run tay” trong việc bảo vệ đàn, nhưng công nghệ chăn nuôi của Muyuan có quy trình bảo vệ nghiêm ngặt, cho sự tối ưu về giá thành, chi phí… nên BAF hoàn toàn tự tin mở rộng quy mô lên 10 triệu con. Ngoài ra, đất đai được tiết kiệm, cùng sự đồng hành của tổ chức tín dụng, ngân hàng quốc tế, cho phép chúng tôi có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đạt được tầm nhìn này”.
Tập đoàn Muyuan có trụ sở tại thành phố Nanyang, tỉnh Hà Nam, được thành lập từ năm 1992. Sau hơn 30 năm, đến nay đã hình thành chuỗi công nghiệp chăn nuôi tích hợp chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, giết mổ lợn và chế biến thịt. Sản phẩm chính của công ty bao gồm lợn thương phẩm, lợn giống, lợn con và thịt lợn. Tập đoàn Muyuan sở hữu tổng tài sản 210 tỷ nhân dân tệ (29.4 tỷ USD) và có 140 ngàn nhân viên cho đến nay. Muyuan Foods Co., Ltd là công ty con của Muyuan, sở hữu các trang trại chăn nuôi lợn được phân bổ tại 218 quận/huyện ở 104 thành phố của 24 tỉnh/khu tự trị trên khắp Trung Quốc. Năm 2023, Muyuan đã cung cấp gần 64 triệu heo ra thị trường, đứng đầu thế giới. |
Châu An
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (16/09/2024)
- DIG chính thức giải thể chi nhánh DIC Him Lam sau 2 năm ngưng hoạt động (16/09/2024)
- Doanh nghiệp liên quan Novaland bất ngờ chi 640 tỷ tất toán trái phiếu (16/09/2024)
- SSI nộp bổ sung thuế cho năm 2022 và 2023 (16/09/2024)
- Thị trường Việt mang về gần 68 ngàn tỷ đồng cho CP Food sau 9 tháng đầu năm (16/09/2024)
- Một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản huy động 1,700 tỷ đồng trái phiếu (16/09/2024)
- Nóng: Ông Lê Hồng Minh ngồi ghế Chủ tịch VNZ (16/09/2024)
- Nhiều doanh nghiệp may sắp tạm ứng cổ tức (16/09/2024)
- Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (16/09/2024)