Chứng khoán Vietcap báo lãi quý 3 tăng 20%, tự doanh bán MSN, MBB, STB, PNJ
Chứng khoán Vietcap (HOSE: VCI) đã bán các khoản đầu tư vào MSN, MBB, PNJ, STB. Ngược lại, mua thêm TDM, FPT và đầu tư thêm vào trái phiếu.
Trong quý 3, doanh thu hoạt động của VCI đạt mức 974 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), lãi từ hoạt động cho vay và doanh thu môi giới là động lực chính cho kết quả kinh doanh tích cực của quý 3.
Song song với đà tăng doanh thu, chi phí hoạt động của Công ty cũng tăng 74% lên 468 tỷ đồng do các khoản chi phí như chi phí môi giới, chi phí tư vấn, chi phí tự doanh và lỗ tài sản tài chính FVTPL đồng loạt tăng mạnh.
Tổng kết quý 3, VCI báo lãi sau thuế 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Giải trình về kết quả lợi nhuận này, Công ty cho biết đã thực hiện hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên doanh thu từ các tài sản FVTPL tăng mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay ký quỹ cũng tăng trưởng mạnh.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024 của VCI
Nguồn: VietstockFinance
|
Cụ thể, lãi tài sản tài chính FVTPL trong quý đạt gần 536 tỷ đồng, gấp 2.1 lần cùng kỳ. Trừ đi phần lỗ tài sản tài chính FVTPL gấp 2 lần cùng kỳ, 252 tỷ đồng và chi phí tự doanh hơn 14 tỷ đồng. Mảng tự doanh của Công ty thu lãi gần 270 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Nguồn thu từ hoạt động cho vay và phải thu quý này đạt hơn 206 tỷ đồng, tăng 17%. Dư nợ cho vay của VCI tính tới 30/09 vượt trên 10 ngàn tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động môi giới quý 3 của VCI cũng tăng 145 so với cùng kỳ, đạt hơn 183 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh hoạt động của VCI đạt gần 2.7 ngàn tỷ đồng, tăng 62%. Lãi trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng gần 100%. Lãi sau thuế hơn 692 tỷ đồng, tăng 88%. VCI đã vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm với kết quả này (mục tiêu lãi trước thuế 700 tỷ đồng).
Cuối quý 3, giá trị tài sản FVTPL VCI nắm giữ tăng lên mức 476 tỷ đồng do Công ty mua thêm hơn 450 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.
Hầu hết chứng khoán Công ty nắm giữ vẫn nằm ở khoản mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Danh mục này có giá trị tính theo giá mua là 3.6 ngàn tỷ đồng, tăng giá 80%.
So với đầu năm, VCI đã bán một số khoản đầu tư nổi bật như MSN, MBB, PNJ, STB và bán một phần khoản đầu tư KDH. Ngược lại, Công ty tăng tỷ trọng vào TDM, FPT. Công ty cũng tăng tỷ trọng trái phiếu trong danh mục AFS lên gần 540 tỷ đồng.
Hoạt động chốt lời đã thu hẹp quy mô tài sản AFS hơn 20% so với đầu năm (tính theo giá mua).
Danh mục tài sản AFS của VCI
Nguồn: VCI
|
Tổng tài sản của Công ty tới cuối quý 3 vượt mức 20 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay chiếm phân nửa, phần còn lại tập trung ở danh mục tài sản AFS và khoản tiền có giá trị hơn 2.5 ngàn tỷ đồng.
Nợ phải trả ở thời điểm này tương đương gần 60% nguồn vốn của VCI, ở mức 11.7 ngàn tỷ đồng.
Yến Chi
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (18/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (18/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (18/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (18/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (18/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (18/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (18/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (18/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (18/10/2024)