Chứng khoán VPS vơi bớt thị phần, lợi nhuận có còn tích cực?
CTCP Chứng khoán VPS vẫn dẫn đầu thị phần môi giới ở cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM nhưng hiệu quả kinh doanh không được tỷ lệ thuận. Quý 3, lợi nhuận từ môi giới chỉ 109 tỷ đồng, giảm gần nửa so với cùng kỳ, đứng sau mảng tự doanh và cho vay.
VPS cho biết quý 3/2024 do khối lượng giao dịch trên sàn giảm nên doanh thu hoạt động của Công ty giảm 12% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,644 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm tới 49% chi phí hoạt động về dưới 669 tỷ đồng, Công ty lãi ròng 656 tỷ đồng, gần gấp 2.5 lần cùng kỳ năm trước.
Đi vào từng mảng, quý 3, VPS ghi nhận hơn 308 tỷ đồng lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), giảm 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty giảm tối đa phần lỗ FVTPL từ 482 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 19 tỷ đồng, giảm 96%, cùng với chi phí chỉ chiếm 22 tỷ đồng. Kết quả, mảng tự doanh có lãi 267 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 115 tỷ đồng.
Doanh thu môi giới đạt gần 714 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ nhưng vẫn chiếm tỷ trong lớn nhất tổng doanh thu (43%). Song chi phí cho môi giới cũng không nhỏ, đạt 605 tỷ đồng. Như vậy, lãi thu được từ hoạt động này là 109 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp từ môi giới mỏng hơn giảm từ mức 22% cùng kỳ về 15%.
Trước đó, VPS nổi tiếng trên thị trường với việc hy sinh lợi nhuận để đổi lấy thị phần. Thực tế, VPS thu ít hơn từ mảng môi giới trong bối cảnh thị phần quý 3 của VPS trên sàn HOSE dù dẫn đầu nhưng chỉ còn nắm giữ 17.63%, giảm so với thị phần 18.16% của quý 2 và mức 20.29% của quý 1/2024.
Tương tự trên sàn HNX, thị phần VPS đứng đầu với tỷ lệ 21.18% song giảm 3.02 điểm phần trăm so với quý liền trước. Chỉ có thị trường UPCoM, thị phần VPS tăng thêm 2.61 điểm phần trăm, lên 30.77% và tiếp tục giữ ngôi đầu bảng.
Điểm tích cực đến từ lãi cho vay và phải thu quý 3 đạt 453.5 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay tính đến ngày 30/09/2024 của VPS hơn 12,100 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó dư nợ margin hơn 11,650 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tư vấn và lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng đồng loạt tăng trưởng mạnh, đạt 46.5 tỷ đồng và 80.5 tỷ đồng.
Lãi trước thuế 9 tháng vượt 2,100 tỷ
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của VPS ở mức hơn 4,900 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tiết giảm đáng kể chi phí giúp Công ty lãi trước thuế hơn 2,100 tỷ đồng, hơn 3.5 lần cùng kỳ và vượt 40% kế hoạch năm. Lãi ròng gần 1,700 tỷ đồng.
Cuối quý 3/2024, tài sản FVTPL của VPS tăng thêm 280 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 5,880 tỷ đồng, chiếm gần 82% tỷ trọng là công cụ thị trường tiền tệ gần 4,800 tỷ đồng, theo sau là trái phiếu niêm yết 895 tỷ đồng, trong khi cổ phiếu niêm yết chỉ 15 tỷ đồng.
Tổng kết, VPS có tổng tài sản tại ngày 30/09/2024 là 28,890 tỷ đồng, tăng hơn 6,400 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là các khoản cho vay; tài sản FVTPL và tiền gửi ngân hàng (hơn 3,200 tỷ đồng). Đối trọng lại, nợ phải trả ở thời điểm này gần 18,400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Riêng vay ngắn hạn gần 17,400 tỷ đồng, chiếm gần 95% tỷ trọng tổng nợ.
Thế Mạnh
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (21/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (21/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (21/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (21/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (21/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (21/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (21/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (21/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (21/10/2024)