Công ty cà phê có 3 nhân viên, dàn lãnh đạo nghỉ hết nhưng cổ phiếu tăng phi mã 700%
Sau 4 tháng, CTCP Minh Khang Capital Trading Public (HNX: CTP) lại nhận được loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo chủ chốt. Ông Nguyễn Tuấn Thành có đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT CTP từ tháng 5 nhưng chưa thành, đến ngày 30/09/2024 ông tiếp tục xin nghỉ lần 2.
HĐQT CTP vừa công bố thay đổi loạt vị trí lãnh đạo của Công ty. Cụ thể, ông Trần Công Thành - Phó Chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay ông Nguyễn Tuấn Thành - miễn nhiệm từ ngày 03/10/2024 với lý do phù hợp tình hình quản trị của Công ty.
Trong đơn từ nhiệm ngày 30/09, ông Tuấn Thành đề nghị HĐQT chấp thuận cho ông từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT vì kế hoạch công việc trong thời gian tới.
Ngoài ông Tuấn Thành, cùng ngày 30/09, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi và ông Lê Minh Tuấn cũng có đơn từ nhiệm chức Thành viên HĐQT CTP; bà Lê Thị Bích Ngọc xin từ nhiệm chức Trưởng Ban Kiểm soát; bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ từ nhiệm Thành viên BKS.
Đây không phải lần đầu, CTP nhận được loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo chủ chốt. Trước đó, ngày 30/05, toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát CTP với tổng cộng 8 người đều nộp đơn xin nghỉ, trong đó có ông Nguyễn Tuấn Thành và bà Nguyễn Thị Thảo Nhi.
Đơn từ nhiệm của dàn lãnh đạo CTP đã được thông qua tại ĐHĐCĐ ngày 29/06/2024. Tuy nhiên, cũng ngay tại Đại hội, gần như toàn bộ được bầu trở lại vị trí.
Trở lại thông báo ngày 03/10, HĐQT CTP cũng quyết định miễn nhiệm chức Trưởng BKS của bà Lê Thị Bích Ngọc vì có đơn từ nhiệm. Người sẽ thay thế vị trí này là ông Trần Mạnh Linh - Thành viên BKS.
CTP tiền thân là CTCP Thương Phú, được thành lập năm 2010 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, sau đó tăng đột biến lên 100 tỷ đồng vào năm 2015. Công ty chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê và vật liệu xây dựng, bất động sản… Tại ngày 30/06/2024, Công ty có đúng 3 nhân viên.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2015-2020, CTP đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Lãi ròng dao động từ 6-19 tỷ đồng/năm nhưng chỉ còn lẹt đẹt vài trăm triệu đồng/năm từ năm 2021-2023, thậm chí lỗ ròng 178 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Kết quả kinh doanh của CTP giai đoạn 2015-2024 | ||
Trên thị trường chứng khoán, CTP là mã tăng giá mạnh nhất trong tháng 8/2024 trên sàn HNX, theo thống kế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Chưa đầy 2 tháng, thị giá CTP tăng từ vùng 8,000 đồng/cp hồi đầu tháng 8 lên đỉnh lịch sử 42,700 đồng/cp (phiên 12/09), tức hơn 5.3 lần.
Ngay lúc tạo đỉnh, ông Nguyễn Tuấn Thành, cựu Chủ tịch, báo cáo đã bán toàn bộ hơn 800 ngàn cp CTP từ ngày 09-13/09, giảm sở hữu từ 6.61% về 0%. Đồng thời, Giám đốc Lê Tuấn Minh cũng bán hết 200.3 ngàn cp CTP (tỷ lệ 1.66%). Ước tính, ông Thành và ông Minh có thể thu được 31 tỷ đồng và 6.5 tỷ đồng từ các giao dịch này.
Phiên sáng 04/10, thị giá CTP giao dịch quanh mức 34,500 đồng/cp, giảm 19% từ đỉnh nói trên nhưng tăng tới 667% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu CTP từ đầu năm 2024 đến nay | ||
Thế Mạnh
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (04/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (04/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (04/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (04/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (04/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (04/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (04/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (04/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (04/10/2024)