Công ty chứng khoán của Momo nối dài mạch thua lỗ, lũy kế đã gần 118 tỷ đồng
Quý 3/2024, CTCP Chứng khoán CV (CVS) - thành viên trong hệ sinh thái M-Service (chủ sở hữu ví điện tử Momo) - tiếp tục lỗ ròng hơn 9.7 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 118 tỷ đồng.
Theo số liệu được công bố, doanh thu hoạt động CVS tăng mạnh 446% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 4.5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) gần 4.1 tỷ đồng, tăng 392%; doanh thu hoạt động môi giới và ứng trước tiền bán chiếm tỷ trọng không cao, lần lượt ở mức 288 triệu đồng và 164 triệu đồng.
Công ty phát sinh mới hơn 8 tỷ đồng chi phí hoạt động, phần lớn là chi phí cho mảng môi giới, qua đó chịu lỗ gộp hơn 7.7 tỷ đồng mảng này.
Quan sát cơ cấu doanh thu của CVS thời gian qua có thể thấy, Công ty chỉ mới phát sinh trở lại doanh thu môi giới và lưu ký chứng khoán từ quý 1/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép bổ sung nghiệp vụ môi giới và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký vào tháng 5/2023, sau vài năm ngừng cung cấp.
Một khoản chi phí trọng yếu khác của Công ty là chi phí quản lý gần 6.3 tỷ đồng, giảm 10%.
Sau cùng, CVS lỗ ròng hơn 9.7 tỷ đồng, cao hơn số lỗ khoảng 6.1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Việc tiếp tục lỗ cũng nới rộng mức lỗ ròng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 lên hơn 23.6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng năm 2024 của CVS
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Thực tế, mức lỗ này vẫn thuộc phạm vi lỗ kế hoạch gần 44 tỷ đồng của CVS trong năm nay. Những năm qua, Công ty vẫn đang lỗ đều đặn, nâng mức lũy kế lên gần 118 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2024.
CVS vẫn lỗ trong kế hoạch đề ra năm 2024
Đvt: Tỷ đồng
* CVS đặt mức lỗ kế hoạch gần 44 tỷ đồng trong năm 2024. Nguồn: VietstockFinance
|
Trên bảng cân đối, tổng tài sản CVS tăng mạnh từ mức gần 69 tỷ đồng đầu năm 2024 lên lên gần 345 tỷ đồng cuối quý 3, tức gấp 5 lần. Tài sản chủ yếu là các khoản tương đương tiền 229 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều lần so với mức 5.5 tỷ đồng ở đầu năm.
Cơ cấu tài sản này có sự khác biệt so với cuối quý 2 liền trước, thời điểm các giá trị đầu tư HTM mới là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất (toàn bộ là 269 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng, lãi suất từ 5.3 - 5.5%).
Nguồn vốn của CVS phần lớn là vốn góp của chủ sở hữu gần 457 tỷ đồng. So với đầu năm, vốn chủ tăng rất mạnh sau khi Công ty thực hiện đợt chào bán gần 30 triệu cp cho cổ đông hiện hữu trong quý 2 liền trước.
CVS có tiền thân là Chứng khoán Hồng Bàng, thành lập từ năm 2009. Đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015 và Chứng khoán CV vào năm 2018. Ngày 09/06/2022, chủ sở hữu ví điện tử MoMo là CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) đã mua hơn 4.4 triệu cổ phần CVS, tương đương 49% vốn, từ hai cổ đông là Phó Chủ tịch Jiang Wen và Tổng Giám đốc Nguyễn Kim Hậu. Cuối năm 2022, CVS thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn từ 90 tỷ đồng lên 157.5 tỷ đồng. Trong đó, M_Service sở hữu 49% vốn, ba cá nhân khác đồng thời sở hữu 17% vốn là ông Lê Hùng Cường, ông Lê Công Trường và bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa. Sau đợt tăng vốn lên gần 457 tỷ đồng trong quý 2/2024, cơ cấu sở hữu không có sự thay đổi. |
Huy Khải
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (17/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (17/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (17/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (17/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (17/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (17/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (17/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (17/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (17/10/2024)