Cựu thành viên GVR lại tạm dừng hoạt động kinh doanh, có khả năng giải thể
Lãnh đạo CTCP Xây dựng - Địa ốc Cao su (UPCoM: RCD) vừa quyết định tạm dừng kinh doanh trong vòng 1 năm do hoạt động không hiệu quả.
Biên bản họp HĐQT ngày 30/08/2024 cho thấy cả 3 thành viên nhất trí về việc RCD sẽ tạm dừng kinh doanh kể từ ngày 10/09/2024 đến hết ngày 09/09/2025.
“Để giải quyết tồn đọng, và có thể đi đến giải thể Công ty để bảo toàn vốn cho cổ đông”, Công ty nêu trong công bố thông tin bất thường gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). HĐQT giao người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Trần Xuân Chương tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 06/09/2024, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng đã có giấy xác nhận Doanh nghiệp và tất cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của RCD đăng ký tạm dừng hoạt động theo thời gian trên.
Đây không phải lần đầu RCD đăng ký tạm dừng kinh doanh. Công ty từng cho tạm ngưng từ ngày 15/05/2023-30/04/2024 để hạn chế thua lỗ thêm và tái cấu trúc, sắp xếp lại công việc, ngành nghề kinh doanh phù hợp. Lãnh đạo cũng có chủ trương ngưng hoạt động từ các năm trước trong bối cảnh không có nguồn việc mới cũng như tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó lường nhằm tránh tối đa thua lỗ.
Cuối tháng 8, RCD thông báo dời địa chỉ văn phòng từ 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM sang địa chỉ mới là 235/46 cũng thuộc cung đường này.
Trước khi có quyết định tạm dừng kinh doanh, cổ đông lớn Nguyễn Duy Anh đã bán sạch hơn 1.6 triệu cp RCD (tương ứng tỷ lệ 33.75% vốn) trong ngày 16/08/2024. Giá trị giao dịch thỏa thuận phiên 16/08 ghi nhận gần 2.8 tỷ đồng, tương đương 1,700 đồng/cp, thấp hơn giá đóng cửa 2,100 đồng/cp. Cùng thời gian, 2 cá nhân gồm bà Trịnh Thị Hồng Hạnh và ông Trần Xuân Lực tăng tỷ lệ nắm giữ, lần lượt 22.44% và 22.38% sau khi mua 1 triệu cp và 436.7 ngàn cp.
RCD cũng vừa tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 vào ngày 17/08/2024. Ngoài việc thông qua các chủ trương đề cập ở trên, cổ đông RCD đồng thuận đề xuất của Tổng Giám đốc Trần Xuân Chương về việc giao HĐQT quyết định phương án kinh doanh (bao gồm giá, giá bán) căn nhà số 785 quốc lộ 13, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, TPHCM. Đây là bất động sản do Công ty sở hữu, có diện tích hơn 310m2. Số tiền góp vốn của RCD vào nhà và đất tại địa chỉ này khoảng 9.1 tỷ đồng.
Năm 2023, RCD ngừng hoạt động đối với một loạt mảng bao gồm nhận thầu xây lắp, tư vấn khảo sát thiết kế, đầu tư kinh doanh tài chính nên kết quả không đạt như kế hoạch đề ra. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo đó chỉ đạt 540 triệu đồng. Doanh thu tài chính hơn 142 triệu đồng, qua đó lãi sau thuế vỏn vẹn 4.6 triệu đồng.
“Công ty đã cố gắng giải quyết chế độ BHXH và mức lương tối thiểu, giảm thời gian làm việc, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm công việc phù hợp có thu nhập ổn định hơn”, RCD nêu trong nghị quyết. Kinh doanh khó khăn, các lãnh đạo Công ty cũng không nhận thu nhập năm 2022.
Nguồn: RCD
|
Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu RCD gần 56 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ 53 tỷ đồng, thặng dư vốn 7.3 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 2 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 8.7 tỷ đồng, cổ phiếu quỹ 15.4 tỷ đồng.
Tổng tài sản khoảng 95 tỷ đồng, riêng phải thu ngắn hạn khác hơn 83 tỷ đồng; nợ phải trả cuối kỳ 38 tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư vào các dự án dài hạn gần 16 tỷ đồng; đầu tư chứng khoán 629 triệu đồng, hoàn trả tiền góp vốn cho cổ đông dự án quận 9 khoảng 11.5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2023 không được kiểm toán do Công ty hoạt động không liên tục.
“Nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn không khả quan, hoàn toàn ngưng trệ và đã tạm ngừng từ ngày 01/05/2023”, theo báo cáo của BKS Công ty, đồng thời kiến nghị lãnh đạo RCD có chính sách thu hồi công nợ, các khoản tạm ứng với chính sách thanh toán, công nợ, thực hiện đúng quy định về hạch toán kế toán để bảo toàn vốn cho cổ đông.
Nguồn: RCD
|
Bước đi khôn ngoan của cổ đông lớn?
RCD từng là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR), được thành lập từ năm 1993 với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp Kỹ thuật Xây dựng Cơ bản Cao su, trước khi được cổ phần hóa năm 2004 và lên UPCoM từ năm 2015. Công ty nhận thầu thi công các công trình xây dựng như nhà máy, trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng, các công trình đường giao thông cho các công ty cao su thuộc GVR, các công trình hạ tầng khu công nghiệp… RCD còn từng là chủ đầu tư dự án khu dân cư 9.54ha tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Khoảng 10 năm trước, doanh thu RCD còn duy trì từ 100-200 tỷ đồng. Kỷ lục là mức 896 tỷ đồng năm 2016, chủ yếu từ kinh doanh bất động sản. Cổ tức sau đó cũng rất cao, 5,000 đồng/cp các năm 2017 và 2019.
Năm 2014, GVR sở hữu 25.5% vốn RCD, ông Nguyễn Mai Hoàng nắm 7.79%, ông Trần Xuân Lực giữ 11.74%. Hai năm sau, GVR thoái toàn bộ, thay vào đó là sự xuất hiện của ông Nguyễn Duy Anh và ông Phạm Văn Khương. Đến cuối năm 2022, hai cá nhân này nắm lần lượt 30.88% và 24.84%.
GVR bán gần hết số cổ phiếu RCD vào tháng 4/2016 với giá khoảng 10,500 đồng/cp, khá sớm so với mức đỉnh quanh 30,000 đồng/cp đầu năm 2017. Dù vậy, “nước đi” của ông lớn ngành cao su vẫn hợp lý trước khi thị giá RCD liên tục giảm do mất dần nguồn thu, đến nay chỉ còn 2,300 đồng/cp. Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc RCD - ông Nguyễn Mai Hoàng cũng đã thoái gần như toàn bộ vốn vào tháng 5/2017 khi giá cổ phiếu rơi về vùng 15,000 đồng/cp.
Doanh thu của RCD giai đoạn 2012-2022 | ||
Diễn biến giá cổ phiếu RCD từ năm 2017 đến nay | ||
Tử Kính
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (13/09/2024)
- DIG chính thức giải thể chi nhánh DIC Him Lam sau 2 năm ngưng hoạt động (13/09/2024)
- Doanh nghiệp liên quan Novaland bất ngờ chi 640 tỷ tất toán trái phiếu (13/09/2024)
- SSI nộp bổ sung thuế cho năm 2022 và 2023 (13/09/2024)
- Thị trường Việt mang về gần 68 ngàn tỷ đồng cho CP Food sau 9 tháng đầu năm (13/09/2024)
- Một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản huy động 1,700 tỷ đồng trái phiếu (13/09/2024)
- Nóng: Ông Lê Hồng Minh ngồi ghế Chủ tịch VNZ (13/09/2024)
- Nhiều doanh nghiệp may sắp tạm ứng cổ tức (13/09/2024)
- Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (13/09/2024)