Doanh nghiệp bất động sản tích lũy “của để dành” nửa đầu năm 2024
Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục rõ nét, các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán đang có xu hướng tích lũy nguồn lực trong 6 tháng đầu năm để chờ thời điểm thị trường trở lại mạnh mẽ.
Theo thống kê của VietstockFinance, tổng của để dành (Người mua trả tiền trước + Doanh thu chưa thực hiện) tại thời điểm 30/06/2024 của 115 doanh nghiệp bất động sản trên sàn (HOSE, HNX và UPCoM) ghi nhận hơn 133.6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm.
Mức tăng ấn tượng nhất là CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) khi giá trị của để dành vào cuối tháng 6 đạt 549 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ 18 tỷ đồng, tương đương gấp gần 30 lần. Sở dĩ NTL tăng đột biến là do khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn hơn 538 tỷ đồng phát sinh cuối quý 2, trong khi đầu năm không có.
6 tháng đầu năm, NTL đã phản ánh vào BCTC doanh thu bán sản phẩm đã thu đủ tiền của dự án Bãi Muối 23ha, tỉnh Quảng Ninh, qua đó có doanh thu thuần gấp 7.3 lần cùng kỳ với hơn 878 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng gấp 456 lần, đạt gần 12 tỷ đồng.
Tuy không bằng NTL nhưng CTCP COMA 18 (HOSE: CIG) cũng xem là đột biến khi của để dành gấp hơn 11 lần đầu năm, với 86 tỷ đồng, toàn bộ là Người mua trả tiền trước.
10 doanh nghiệp có của để dành tăng nhiều nhất sau 6 tháng đầu năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Xét theo giá trị tuyệt đối, CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) vẫn là hai doanh nghiệp có của để dành nhiều nhất ngành với lần lượt hơn 47.4 ngàn tỷ đồng và 19.7 ngàn tỷ đồng, tăng 30% và 3% so với đầu năm.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, VHM đã giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao các dự án hiện hữu.
“Ông lớn” bất động sản KCN là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) cũng có của để dành tăng đến 31%, giá trị xếp thứ 10 toàn ngành với gần 2.4 ngàn tỷ đồng. Khoản tăng thêm một phần đến từ việc lãi nội bộ đất chuyển nhượng chờ hoàn lại (Doanh thu chưa thực hiện dài hạn) tăng từ hơn 475 tỷ đồng đầu năm lên hơn 946 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tương ứng tăng 99%.
10 doanh nghiệp có của để dành lớn nhất tại 30/06/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở như CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG), CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) và CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) bất ngờ báo giảm của để dành ở mức hai chữ số sau 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý nhất là HDG khi lượng của để dành chỉ còn gần 10 tỷ đồng, giảm đến 97%. Trong khi đó, số dư tiền mặt và giá trị chứng khoán kinh doanh (gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi) của doanh nghiệp này lại tăng đột biến, lần lượt gấp 2.2 lần và tăng 58%, lên gần 546 tỷ đồng và hơn 609 tỷ đồng.
Còn tại VPI, của để dành giảm chủ yếu do không còn ghi nhận khoản tạm ứng 700 tỷ đồng để mua vốn góp của công ty con như hồi đầu năm. Mặt khác, số tiền người mua trả trước tại dự án Terra Bắc Giang giảm hơn 10%, còn hơn 236 tỷ đồng. Ngược lại, dự án Terra An Hưng tăng gần 79%, lên hơn 1 tỷ đồng.
AGG cho biết số tiền khách hàng cá nhân trả trước để mua căn hộ dự án đã giảm hơn 69%, từ hơn 1.5 ngàn tỷ đồng xuống còn hơn 469 tỷ đồng. Số tiền trả trước của bên liên quan cũng giảm 19%, về 297 tỷ đồng.
10 doanh nghiệp có của để dành giảm nhiều nhất sau 6 tháng đầu năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh nghiệp bất động sản nào có nhiều tiền mặt nhất?
Bên cạnh của để dành, lượng tiền đang nắm giữ ngắn hạn cũng là nguồn lực quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể đẩy mạnh công tác phát triển dự án khi thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ.
Dẫn đầu cả ngành vẫn là VHM với gần 20.9 ngàn tỷ đồng, tăng 16%. Doanh nghiệp đáng chú ý nhất chính là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) với khoản tiền mặt nắm giữ hơn 6,900 tỷ đồng, gấp 8.3 lần đầu năm, chiếm 17% tổng tài sản. Một doanh nghiệp bất động sản KCN khác là BCM cũng ghi nhận tiền gửi tăng 67%, lên gần 2.4 ngàn tỷ đồng.
10 doanh nghiệp có tiền mặt nhiều nhất tại thời điểm 30/06/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Hà Lễ
- Tập đoàn C.E.O muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 3 công ty con (30/08/2024)
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (30/08/2024)
- DIG chính thức giải thể chi nhánh DIC Him Lam sau 2 năm ngưng hoạt động (30/08/2024)
- Doanh nghiệp liên quan Novaland bất ngờ chi 640 tỷ tất toán trái phiếu (30/08/2024)
- SSI nộp bổ sung thuế cho năm 2022 và 2023 (30/08/2024)
- Thị trường Việt mang về gần 68 ngàn tỷ đồng cho CP Food sau 9 tháng đầu năm (30/08/2024)
- Một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản huy động 1,700 tỷ đồng trái phiếu (30/08/2024)
- Nóng: Ông Lê Hồng Minh ngồi ghế Chủ tịch VNZ (30/08/2024)
- Nhiều doanh nghiệp may sắp tạm ứng cổ tức (30/08/2024)