Doanh nghiệp sản xuất nước ép hiếm hoi trên sàn muốn huy động thêm tiền để trả nợ
CTCP Tập đoàn Tiến Thịnh (UPCoM: TT6) sẽ thu hơn 51 tỷ đồng, nếu chào bán thành công hơn 5.1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp, theo tờ trình gửi cổ đông trong đợt lấy ý kiến bằng văn bản đang diễn ra.
TT6 sẽ phát hành hơn 5.1 triệu cp theo tỷ lệ thực hiện quyền 100:25, cổ đông sở hữu 1cp được nhận 1 quyền mua, 100 quyền mua sẽ được mua 25cp mới. Vốn điều lệ sau khi thực hiện sẽ tăng 25% lên gần 260 tỷ đồng.
Mức giá bán 10,000 đồng/cp đang cao hơn khoảng 20% so với giá đóng cửa phiên 02/12 của cổ phiếu TT6. Công ty dự định dành hơn 20 tỷ đồng để thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ; 31 tỷ đồng còn lại dùng để thanh toán tiền mua hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho nhà cung cấp. Tất cả được dự chi từ quý 2 năm sau.
Đợt lấy ý kiến bằng văn bản lần này cũng bao gồm loạt nội dung liên quan đến các vấn đề khác như ban hành lại Điều lệ, thay đổi mô hình tổ chức quản lý và hoạt động, hủy bỏ quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát; đồng thời hủy bỏ phương án chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6 với kế hoạch khi đó là dùng toàn bộ 51.3 tỷ đồng để mua dịch chanh dây và xoài trái từ nhà cung cấp.
Cổ đông gửi phiếu lấy ý kiến về văn phòng Công ty ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; thời hạn đến hết 12 giờ ngày 12/12/2024.
Ông Phạm Tiến Hoài. Nguồn: TT6
|
Đáng chú ý, hơn 20 triệu cp TT6 mới được giao dịch trên UPCoM từ tháng 8 năm nay với 50.3% vốn thuộc về ông Phạm Tiến Hoài - cổ đông sáng lập.
TT6 trước đây là Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tiến Thịnh ra đời đúng 10 năm trước, ngày 03/12/2014, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng và đặt nhà máy đầu tiên ở tỉnh Hậu Giang để sản xuất nước trái cây. Lô hàng đầu tiên được xuất bán vào năm 2016 là sản phẩm nước ép tự nhiên từ trái tắc. Doanh nghiệp này lắp thêm 4 máy sấy dẻo trong năm 2019 để làm sản phẩm trái cây sấy.
Trong những năm đầu tiên xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, ngoài vay ngân hàng, TT6 chủ yếu hoạt động từ nguồn tiền của ông Phạm Tiến Hoài, vốn điều lệ của Doanh nghiệp dần tăng lên từ đó. Đến năm 2021, thời điểm chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Công ty đón thêm 2 cổ đông lớn khác là Đầu tư Agri Group và Dịch vụ Nông sản Agriservices. Mỗi đơn vị này góp 9.9 tỷ đồng để sở hữu 5.8% vốn nhưng nhanh chóng thoái toàn bộ sau đó.
Hoạt động kinh doanh của TT6 nhìn chung vẫn ghi nhận lãi đều đặn nhưng đang có dấu hiệu suy giảm. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 191 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp lại tăng, đạt 27 tỷ đồng. Công ty vẫn lãi ròng 4.7 tỷ đồng, không tăng so với cùng kỳ. Năm 2023, TT6 lãi ròng 8 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoảng 14 tỷ đồng các năm 2022 và 2021, lý do là thị trường xuất khẩu khó khăn.
Tử Kính
- Chủ KCN Bàu Xéo chốt tạm ứng cổ tức 20% bằng tiền, cổ phiếu biến động mạnh (03/12/2024)
- Chủ KCN lớn nhất Tây Ninh “sửa soạn” chi hơn 210 tỷ tạm ứng cổ tức 2024 (03/12/2024)
- Một công ty nước của Shark Liên hút hơn 875 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn đến 20 năm (03/12/2024)
- Sông Đà 6 tiếp tục dời lịch trả cổ tức sang năm thứ 10 (03/12/2024)
- Eximbank họp ĐHĐCĐ bất thường 2025 bầu bổ sung thành viên BKS và sửa điều lệ (03/12/2024)
- Bảo hiểm Agribank điều chỉnh giảm hơn 29% kế hoạch lợi nhuận 2024 sau quý 3 lỗ (03/12/2024)
- Loạt lãnh đạo Vàng Lào Cai từ nhiệm vì thay đổi nơi sinh sống (03/12/2024)
- Kon Tum chính thức chấm dứt khu đô thị 2,000 tỷ của FLC (03/12/2024)
- PC1 chi gần 48 tỷ lập công ty con tại Philippines (03/12/2024)