Độc lạ CTP: Dàn lãnh đạo “đi rồi trở về”, cổ phiếu tăng giá dựng đứng
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá cổ phiếu của CTCP Minh Khang Capital Trading Public (HNX: CTP) xuất hiện đà tăng dựng đứng, vọt lên gấp 5 lần khi chạm ngưỡng 42,400 đồng/cp tại cuối phiên 12/09. Thậm chí, nếu so với đầu năm là gấp hơn 9 lần.
Nhìn vào biểu đồ giá của CTP lúc này, không ít người có cảm giác ngỡ ngàng. Giá cổ phiếu lình xình đi ngang đến giữa quý 2, tăng khá mạnh đến hết tháng 7, rồi bước vào đà tăng dựng đứng kể từ đầu tháng 8/2024. Kết phiên 13/09, giá CTP vẫn tiếp mạch tăng, đóng cửa ở ngưỡng 42,700 đồng/cp.
CTP xuất hiện đà tăng dựng đứng từ đầu tháng 8/2024 | ||
Mức này so với giá 8,200 đồng/cp thời điểm đầu tháng 8 là gấp hơn 5 lần, còn so với giá 4,500 đồng/cp hồi đầu năm thì gấp tới 9.5 lần.
Vậy, chuyện gì là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu CTP tăng sốc đến thế?
Kinh doanh lẹt đẹt
Đằng sau chuỗi tăng sốc của một cổ phiếu thường đi kèm với thông tin tốt, có thể là kết quả kinh doanh, kế hoạch tăng trưởng ấn tượng, biến động cơ cấu cổ đông tích cực…
Trường hợp của CTP, nhiều khả năng không phải câu chuyện kết quả kinh doanh. Giai đoạn từ 2019 trở về trước, Doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 6-19 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2020 đến 2023, dù vẫn duy trì doanh thu vài chục tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại đi xuống thảm hại, lẹt đẹt vài trăm triệu đồng.
Đáng chú ý, tại BCTC soát xét bán niên 2024, CTP lỗ 178 triệu đồng. Nếu so với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2024 thông qua là 300 tỷ đồng doanh thu cùng 16 tỷ đồng lãi trước thuế, CTP vẫn chưa làm được điều gì đáng kể để thực hiện các mục tiêu này.
Các chỉ tiêu kinh doanh của CTP trong 6 tháng đầu năm 2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Được biết, CTP có tiền thân là CTCP Cà phê Thương Phú, thành lập với vốn điều lệ 3 tỷ đồng vào năm 2010. Dù khởi đầu là doanh nghiệp trong ngành trồng trọt, sản xuất cà phê, nhưng CTP hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản (theo báo cáo thường niên 2023).
CTP giải trình, tình hình thị trường bất động sản tại 2 quý đầu năm có nhiều khó khăn, không thuận lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến mảng hoạt động chính của Doanh nghiệp. Đối với khoản lỗ tăng thêm, nguyên nhân do trích bổ sung chi phí thuê văn phòng 6 tháng đầu năm (49 triệu đồng) và một phần lãi phạt chậm nộp Ngân sách (hơn 456 ngàn đồng).
Thời điểm 31/06/2024, tổng tài sản của CTP đạt 153 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Lượng tiền mặt nắm giữ gần là gần 3.5 tỷ đồng (đầu năm gần 290 triệu đồng). Đặc biệt, Doanh nghiệp gần như không có bất kỳ tài sản dài hạn nào, kể cả tài sản cố định.
Tình hình kinh doanh của CTP từ 2015 tới nay | ||
Dàn lãnh đạo tưởng đi mà lại về?
Kinh doanh ảm đạm, chuyện quản trị của CTP cũng nhiều vấn đề. Ngày 30/05/2024, toàn bộ 8 thành viên ban lãnh đạo CTP đồng loạt nộp đơn từ nhiệm. Trong đó, HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Lê Minh Tuấn, Thành viên độc lập Nguyễn Thị Thảo Nhi, và 2 Thành viên HĐQT là Phan Mai Anh Tài cùng Khấu Minh Quân xin từ nhiệm vì “lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận”.
Với lý do tương tự, các thành viên Ban kiểm soát (BKS) CTP cũng nộp đơn từ nhiệm, gồm Trưởng BKS Lê Thị Bích Ngọc, cùng 2 thành viên là Nguyễn Thị Thanh Phương và Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Bà Ngọc nộp đơn ngày 29/05, 2 người còn lại vào ngày 30/05.
Cùng với đó, Chủ tịch và Phó Chủ tịch CTP đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu trong giai đoạn từ 16/05-10/06, gồm 1.54 triệu cp của ông Thành và 231,300 cp của ông Tuấn. Giao dịch này bất thành, lập tức hai lãnh đạo tiếp tục đăng ký bán hết cổ phiếu. Lần này, ông Thành bán thành công 741,600 cp, còn ông Tuấn bán được 31,000 cp từ 21/06 - 19/07. Ngay sau đó cả hai đăng ký thoái nốt số còn lại, nhưng hiện vẫn chưa thành công.
CTCP Mingcha khi mới mở gồm 3 cổ đông góp vốn, trong đó CTCP Đầu tư Landmarks (góp 24%), bà Khấu Thị Minh Phương (vợ Chủ tịch HĐQT CTP Nguyễn Tuấn Thành) góp 25%. Bà Phương cũng là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty. Đến năm 2022, ông Nguyễn Lê Việt Hùng làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Lúc này, bà Phương nắm giữ tới 99% vốn. |
Đơn từ nhiệm của dàn lãnh đạo đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, tổ chức ngày 29/06. Tuy nhiên cũng ngay tại đại hội, gần như toàn bộ được bầu trở lại vị trí. Chỉ có 3 người thực sự rời đi là ông Phạm Mai Anh Tài và Khấu Minh Quân – Thành viên HĐQT, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Thành viên BKS. Thay cho họ là ông Trần Công Thành – sau đó nắm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT thay ông Tuấn; ông Dương Văn Tịnh vào HĐQT; và ông Trần Mạnh Linh đảm nhận vị trí Thành viên BKS.
Trước đó vào tháng 11/2023, cơ cấu cổ đông của CTP từng biến động mạnh. Loạt cổ đông lớn như CTCP Mingcha, CTCP Đầu tư Landmarks, sau đó là ông Nguyễn Lê Việt Hùng - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Mingcha... thay nhau thoái vốn. Đáng chú ý, các cổ đông lớn của CTP đều có liên quan đến dàn lãnh đạo.
Kế hoạch mới
Kinh doanh ảm đạm, nội bộ xôn xao, nhưng CTP không hẳn thiếu thông tin tích cực.
Thời gian gần đây, CTP công bố đã ký hợp đồng nhận thầu xây dựng công trình tại dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (Takara Hoà Bình Resort, thuộc địa bàn xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Hiền Lương làm chủ đầu tư. Ngoài ra, CTP cũng dự kiến sẽ mua cổ phần và cùng phát triển dự án này. Dự án này có diện tích khoảng 60ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp ước tính, dự án sẽ mang lại hàng ngàn tỷ đồng doanh thu.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Hiền Lương thành lập năm 2018, trụ sở tại Hà Nội, ngành nghề chính là kinh doanh khu du lịch sinh thái và khu vui chơi giải trí. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 300 tỷ đồng; trong đó bà Phạm Kim Oanh (giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc) nắm 99%, bà Trần Thị Thúy 1%. Còn CTCP Tập đoàn Dịch vụ và Thương mại Quốc tế O.C.D có tiền thân là CTCP Thương mại và Dịch vụ Quốc tế O.C.D thành lập năm 2009. Hiện Doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bà Lê Thị Kha làm Giám đốc. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là dịch vụ cầm đồ. Trên website, O.C.D giới thiệu công ty hoạt động hơn 15 năm trong 5 lĩnh vực gồm bất động sản – xây dựng – đầu tư tài chính – thương mại dịch vụ – giải trí. |
Bên cạnh đó, CTP cho biết sẽ hợp tác với CTCP Tập đoàn Dịch vụ và Thương mại Quốc tế O.C.D - chủ sở hữu của tòa nhà OCD chiếm vị trí “đất vàng” tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). O.C.D hiện cũng là chủ sở hữu dự án khu dịch vụ hỗn hợp, sân golf 18 lỗ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khu nhà ở thấp tầng tại Thung Nai (Hòa Bình, quy mô 290 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,300 tỷ đồng) và dự án khu du lịch sinh thái phim trường Lương Sơn (Hòa Bình, tổng mức đầu tư 500 tỷ), cùng một dự án trại heo tại tỉnh Sơn La.
Ở chiều ngược lại, O.C.D được cho sẽ trở thành cổ đông lớn của Minh Khang Capital trong tương lai gần.
CTP cho biết, kế hoạch trên là những dự án hứa hẹn, được kỳ vọng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ sau chuỗi kinh doanh ảm đạm những năm qua. Phải chăng, đây là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu CTP vút bay trong hơn 1 tháng trở lại đây?
Ngày 02/12/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố thông tin về việc xử phạt đối với ông Lê Văn Hoan về hành vi thao túng giá. Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an, kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN cho thấy ông Hoan đã sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Cà phê Thương Phú - nay là CTCP Minh Khang Capital Trading Public (HNX: CTP). UBCKNN cho biết “không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Lê Văn Hoan”. Với hành vi này, ông Hoan bị phạt 600 triệu đồng. |
Châu An
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (17/09/2024)
- DIG chính thức giải thể chi nhánh DIC Him Lam sau 2 năm ngưng hoạt động (17/09/2024)
- Doanh nghiệp liên quan Novaland bất ngờ chi 640 tỷ tất toán trái phiếu (17/09/2024)
- SSI nộp bổ sung thuế cho năm 2022 và 2023 (17/09/2024)
- Thị trường Việt mang về gần 68 ngàn tỷ đồng cho CP Food sau 9 tháng đầu năm (17/09/2024)
- Một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản huy động 1,700 tỷ đồng trái phiếu (17/09/2024)
- Nóng: Ông Lê Hồng Minh ngồi ghế Chủ tịch VNZ (17/09/2024)
- Nhiều doanh nghiệp may sắp tạm ứng cổ tức (17/09/2024)
- Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (17/09/2024)