Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành bán lẻ dược phẩm tăng trưởng bất chấp suy thoái kinh tế
Trong khi nhiều ngành đang “gồng mình” trong giai đoạn nền kinh tế không có nhiều tín hiệu tích cực thì ngành bán lẻ dược phẩm vẫn được xem là ngành tăng trưởng tốt. CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) là cổ phiếu phù hợp nhất để xem xét đầu tư khi công ty này có nhiều khả năng thống lĩnh trị trường bán lẻ dược phẩm nội địa.
Triển vọng thị trường bán lẻ dược phẩm trong nước
Dân số già ngày càng tăng, ý thức sức khỏe ngày càng cao của người dân toàn cầu bên cạnh số trường hợp mắc bệnh ở người cao tuổi được dự đoán cũng sẽ tăng lên giúp các nhà thuốc có lượng khách hàng ngày càng lớn.
Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được Business Wire (công ty con của Berkshire Hathaway) dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn 2022 - 2027. Sự tăng trưởng của thị trường có thể do sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng sang mua sắm dược phẩm trực tuyến và gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về lối sống như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì...
Biến động dân số và độ tuổi trung bình từ năm 2000 - 2050
Nguồn: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Liên hiệp quốc
Theo dự báo dân số gần nhất của Tổng cục Thống kê, sau giai đoạn “già hóa”, dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “già” vào khoảng cuối năm 2037 đầu năm 2038. Như vậy, thời gian để dân số Việt Nam quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” là khoảng 23 năm.
Số lượng và tỷ lệ dân số 60 tuổi trở lên từ năm 1979 - 2069
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ kế hoạch và Đầu tư
Theo báo cáo của Fitch Solutions, doanh thu từ dược phẩm tại Việt Nam đạt 142.9 ngàn tỷ đồng vào năm 2021. Con số này sẽ tăng lên 155.8 ngàn tỷ đồng cho năm 2022 và sẽ đạt 216.4 ngàn tỷ đồng vào năm 2026.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm được đánh giá cao vì thu nhập người dân tăng cao hơn. Thêm vào đó, việc nới lỏng các tiêu chí nhập khẩu và dự kiến có sự gia tăng hiện diện của các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu sẽ thúc đẩy thị trường dược phẩm phát triển hơn.
Dự báo doanh thu dược phẩm tại Việt Nam
(Đvt: Nghìn tỷ VNĐ)
Nguồn: WHO và Fitch Solutions
Mức chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm sẽ tăng mạnh từ 1.5 triệu đồng năm 2021 lên 2.1 triệu đồng vào năm 2026. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của thế giới. Với dân số lớn và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Chi tiêu dược phẩm bình quân đầu người Việt Nam
(Đvt: Đồng)
Nguồn: WHO và Fitch Solutions
Cuộc đua mở rộng thị phần bán lẻ chưa từng hết nóng
Cấu trúc thị trường có tổ chức dự kiến sẽ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam trong giai đoạn tới do sự quan tâm của các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp cá nhân đối với phân khúc này cũng như sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng để chuyển sang các cửa hàng bán lẻ dược phẩm hiện đại, mua thuốc theo toa thông thường và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.
Nhà Thuốc FPT Long Châu với tốc độ mở rộng ấn tượng đã vượt hơn 1,000 cửa hàng vào cuối năm 2022, bám sát đối thủ Pharmacity (hiện đang là 1,019 nhà thuốc) và giữ cách biệt xa so với chuỗi nhà thuốc An Khang (khoảng 500 nhà thuốc). Chuỗi nhà thuốc Phano, được sự hậu thuẫn từ Masan, trong thời gian tới hứa hẹn sẽ vào cuộc đua giành thị phần cam go.
Khi xảy ra đại dịch, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Các nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, hầu hết các chuỗi bán lẻ hiện đại đều áp dụng hình thức kinh doanh online và dự kiến doanh thu từ trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Thị phần doanh thu online giai đoạn 2017 - 2025
Nguồn: Statista
Các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành
Với tốc độ mở rộng nhà thuốc nhanh chóng, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) đã gần bắt kịp số lượng nhà thuốc của Pharmacity và thể hiện rõ tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm. Đóng góp doanh thu mảng dược phẩm của FRT chiếm khoảng 20% và dự kiến tỷ lệ này sẽ còn mở rộng hơn nữa khi triển vọng về mảng ICT đang bão hòa.
Giá nằm ở góc phần tư tích lũy khi VS-RS dưới 100, nhưng giá trị VS-Mom tăng vượt mức 100. Chỉ số VS-RS < 100 cho biết sức mạnh giá vẫn còn yếu nhưng VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng giảm đang yếu đi và có khả năng đảo ngược. Đây là nhóm cần đưa vào danh mục quan sát vì rất dễ chuyển sang trạng thái tăng giá (leading).
Biểu đồ Sức mạnh giá RRG tuần của FRT
Nguồn: VietstockFinance
Giá cổ phiếu FRT duy trì dưới đường trendline dài hạn (bắt đầu từ tháng 04/2022) và xu hướng tăng chưa có dấu hiệu quay trở lại. Trong thời gian tới, nếu giá breakout khỏi đường trendline này thì nhà đầu tư có thể xem xét mua vào cổ phiếu này.
Nguồn: VietstockUpdater và MetaStock
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
- Chứng khoán phái sinh tuần 06-10/01/2025: Khối ngoại liên tục bán ròng mạnh (07/02/2023)
- Thị trường chứng quyền 02/01/2025: Triển vọng ngắn hạn chưa thể lạc quan (07/02/2023)
- Chứng khoán phái sinh ngày 02/01/2025: Khối ngoại liên tục bán ròng mạnh (07/02/2023)
- Vietstock Daily 02/01/2025: Tâm lý thận trọng gia tăng (07/02/2023)
- Nhịp đập Thị trường 31/12: Kết năm 2024 ở mức 1,266.78 (07/02/2023)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 31/12: Yếu tố phân hóa đang chi phối thị trường (07/02/2023)
- Ngày 31/12/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (07/02/2023)
- Thị trường chứng quyền 31/12/2024: Tâm lý bi quan xuất hiện trở lại (07/02/2023)
- Chứng khoán phái sinh ngày 31/12/2024: Xuất hiện trạng thái giằng co (07/02/2023)