Hãng pin con thỏ tăng hơn 8% mục tiêu lãi 2024, cổ phiếu lầm lũi lên đỉnh
CTCP Pin Hà Nội (HNX: PHN), chủ thương hiệu pin hình con thỏ, có tuổi thọ hơn 60 năm, vừa công bố Nghị quyết HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Giảm kế hoạch doanh thu do ảnh hưởng từ bão Yagi?
Pin Hà Nội quyết định điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ còn 370 triệu viên pin các loại, so với kế hoạch cũ 386.3 triệu viên. Do giảm sản lượng khiến tổng doanh thu dự kiến chỉ 469.4 tỷ đồng, giảm 14.1 tỷ đồng so với kế hoạch cũ (giảm gần 3%).
Tuy nhiên, lãi trước thuế dự kiến tăng hơn 8% lên 76.5 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 7 tỷ đồng so với kế hoạch cũ.
Pin Hà Nội điều chỉnh kế hoạch 2024 sau quý 3 kinh doanh kém tươi sáng, với lãi ròng chỉ hơn 15 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết do doanh thu bán hàng nội địa sụt giảm vì ảnh hưởng tiêu cực của bão Yagi trong tháng 9; cùng với việc tăng 8% đơn giá tiền lương so với cùng kỳ, góp phần làm giảm lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PHN gần 342 tỷ đồng và lãi trước thuế khoảng 62 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 28% so với cùng kỳ. Lãi ròng hơn 49 tỷ đồng, tăng 26%, hỗ trợ từ kết quả khả quan nửa đầu năm.
So với kế hoạch mới, Pin Hà Nội thực hiện được gần 81% mục tiêu lợi nhuận năm; còn so với kế hoạch cũ, con số thực hiện hơn 89%.
Theo Nghị quyết HĐQT ngày 31/10, Pin Hà Nội cũng phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2025, với tổng doanh thu gần 506.6 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch điều chỉnh 2024, do tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ lên 392.5 triệu viên pin các loại. Tuy nhiên, lãi trước thuế dự kiến 56.1 tỷ đồng, giảm 27%.
Giá cổ phiếu vượt đỉnh, hơn 2.4 lần đầu năm
Pin Hà Nội tiền thân là Nhà máy pin Văn Điển được thành lập từ đầu năm 1960, nổi tiếng với sản phẩm pin mang nhãn hiệu con thỏ đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình miền Bắc khi từng có thời điểm chiếm 100% thị phần.
Từ năm 2010, GP Batteries International Limited - nhà sản xuất pin tiêu dùng và pin sạc hàng đầu châu Á - trở thành cổ đông chiến lược của PHN với 30% vốn. Đến năm 2020, tổ chức này nắm 49% sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ đến nay.
Được hỗ trợ bởi GP Batteries, Pin Hà Nội xuất khẩu sang Ấn Độ, Đông Âu, Trung Á, châu Phi, Nam Mỹ. Công ty cũng có thị phần tốt ở thị trường Lào và Campuchia. Habaco đang tiến vào thị trường Mỹ thông qua việc bán pin cho hãng thiết bị nhiếp ảnh Kodak.
Ngoài GP Batteries, PHN còn 1 cổ đông lớn khác là ông Phạm Văn Nghĩa - Chủ tịch HĐQT nắm giữ 5% vốn; ngoài ra, Vinachem cũng đang nắm 2% vốn PHN.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, Pin Hà Nội được biết tới là doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức cho cổ đông, với tỷ lệ dao động từ 20-50% bằng tiền. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PHN neo đỉnh 96,000 đồng/cp suốt 1 tuần qua - mức cao nhất từ khi niêm yết và tăng hơn 137% so với đầu năm. Dẫu vậy, mã này gần như ở tình trạng "trắng thanh khoản".
Diễn biến giá cổ phiếu PHN từ đầu năm 2024 đến nay | ||
Thế Mạnh
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (08/11/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (08/11/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (08/11/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (08/11/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (08/11/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (08/11/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (08/11/2024)
- Doanh nghiệp nhựa cấp linh kiện cho Honda, Samsung muốn mở rộng quy mô sản xuất lên chục lần? (08/11/2024)
- “Thay tướng giữa đàng”, chuyện gì đang xảy ra ở REE? (08/11/2024)