Hé lộ bức tranh lãi lỗ doanh nghiệp trên sàn trong quý 3
Những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh lãi lỗ quý 3/2024 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần lộ diện. Điều đáng chú ý là tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các đơn vị đã công bố BCTC quý 3 cho thấy kết quả khả quan.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tính đến hết ngày 27/10/2024, 605 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (chưa bao gồm nhóm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) công bố BCTC quý 3/2024, với hơn 243 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và gần 18 ngàn tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng 3% và 23% so với cùng kỳ. Trong đó, có 493 doanh nghiệp báo lãi và 112 doanh nghiệp báo lỗ.
Ở nhóm doanh nghiệp báo lãi, có 232 doanh nghiệp tăng lãi, 206 doanh nghiệp giảm lãi và 53 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi. Chỉ có 2 doanh nghiệp có lãi ròng đi ngang.
Phía báo lỗ có 47 doanh nghiệp giảm lỗ, 32 doanh nghiệp lỗ chồng lỗ và 33 trường hợp lãi hóa lỗ.
2 “ông lớn” thu lãi ròng hơn 2 ngàn tỷ đồng chỉ trong 1 quý
Nguồn: VietstockFinance
|
Những “gương mặt thân quen” xuất hiện trong top lãi khủng quý 3 năm nay vẫn là những ông lớn trong ngành sản xuất và bán lẻ.
Riêng vị trí quán quân lãi khủng quý 3/2024 thuộc về ông lớn ngành công nghệ là CTCP FPT (HOSE: FPT). Xu hướng phát triển của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã góp phần thúc đẩy doanh thu từ mảng công nghệ tăng trưởng.
Cụ thể, FPT ghi nhận doanh thu thuần gần 16 ngàn tỷ đồng và lãi ròng gần 2.1 ngàn tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Doanh nghiệp tính theo quý.
Cũng có lãi ròng hơn 2 ngàn tỷ đồng trong quý 3, tăng 14% so với cùng kỳ, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) giữ ngôi á quân trên bảng thành tích lãi khủng nhờ diễn biến tích cực của ngành hàng đồ uống, thực phẩm tiện lợi và gia vị, cộng hưởng với việc kiểm soát hiệu quả chi phí sản xuất giúp gia tăng lãi gộp.
Doanh nghiệp tăng lãi phi mã nhờ doanh thu kinh doanh bất động sản
Nguồn: VietstockFinance
|
3 doanh nghiệp dẫn đầu trong top lãi ròng tăng bằng lần đều có chung xuất phát điểm từ doanh thu kinh doanh bất động sản bật tăng mạnh mẽ. Trong đó, lãi ròng BTH (CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội) gấp hơn 200 lần, NHA (Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội) gấp 197 lần và HU4 (CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4) gấp hơn 100 lần cùng kỳ.
Theo giải trình của BTH, trong quý 3/2024, Công ty đã bàn giao và ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN của 32 căn chung cư và 2 căn liền kề; cùng kỳ, dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa ghi nhận doanh thu.
Tương tự, NHA và HU4 đều ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản tăng đột biến, giúp lợi nhuận trong kỳ tăng cao.
Thoát lỗ nhờ trợ lực từ hoạt động tài chính
Nguồn: VietstockFinance
|
2 doanh nghiệp đứng đầu nhóm “trở mình” ngoạn mục trong quý 3 cho thấy hoạt động tài chính đóng vai trò không hề nhỏ.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) giảm 10% so với cùng kỳ, giữa bối cảnh giá tôm xuất khẩu năm qua chịu nhiều áp lực cạnh tranh bởi các cường quốc tôm như Ecuador và Ấn Độ.
Dù vậy, MPC vẫn thu về lãi ròng 198 tỷ đồng - mức cao nhất trong vòng 7 quý qua, trong khi cùng kỳ thua lỗ. Cuộc trở mình ngoạn mục của MPC chủ yếu nhờ nhận được cổ tức dồi dào từ các công ty con. Trong đó, đáng chú ý là 270 tỷ đồng cổ tức ghi nhận từ CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.
Tương tự, dù doanh thu thuần chỉ ở mức thấp với hơn 18 tỷ đồng, CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng chuyển lỗ thành lãi 183 tỷ đồng trong quý 3 năm nay, nhờ có được khoản lãi 348 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty con là CTCP Bất động sản Nhà Bè cho đối tác.
Lãi ròng rơi tự do vì gánh nặng lãi vay
Nguồn: VietstockFinance
|
Bên cạnh gam màu tươi sáng, bức tranh lợi nhuận quý 3 không thể thiếu vắng những gam màu tối. Trong đó, nhiều doanh nghiệp phải chịu cảnh lãi ròng tuột dốc không phanh khi áp lực chi phí lãi vay đè nặng.
Điển hình là CTCP Than Hà Tu - Vinacomin (THT) báo lãi quý 3 bốc hơi 97% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 277 triệu đồng - mức thấp nhất 8 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, cộng thêm chi phí lãi vay cao gấp 4.3 lần cùng kỳ.
Công ty cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), gây bất lợi cho hoạt động sản xuất của Công ty, sản lượng tiêu thụ quý 3 chỉ đạt gần 260 ngàn tấn - giảm tới 67% so với cùng kỳ, khiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận giảm.
Hay như lãi ròng của CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khi (PVY) cũng thu nhỏ 94%, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, do doanh thu thuần giảm 47% khiến lãi gộp còn hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay đã ngốn gần 15 tỷ đồng, “ăn mòn” gần hết lãi gộp.
Quý buồn của ngành than và thép
Nguồn: VietstockFinance
|
Đa phần doanh nghiệp ôm lỗ khủng trong quý 3 thuộc ngành than và thép. Đứng đầu là TIS (CTCP Gang thép Thái Nguyên) với mức lỗ ròng hơn 84 tỷ đồng. Giải trình nguyên nhân, TIS cho biết, trong quý 3/2024, thị trường thép vẫn gặp nhiều khó khăn, giá bán thép tiếp tục giảm sâu (thép cây giảm 5 lần với tổng giảm 650,000 đồng/tấn, thép cuộn giảm 4 lần với tổng giảm 450,000 đồng/tấn) trong khi giá thị trường nguyên vật liệu đầu vào có giảm nhưng giảm thấp, dẫn đến lỗ gộp 18,253 đồng/tấn, chưa bao gồm chi phí tiêu thụ (bán hàng, quản lý, tài chính).
Nguồn: VietstockFinance
|
Dưới sức tàn phá của bão Yagi, quý 3 năm nay đánh dấu quý đầu tiên CTCP Than Vàng Danh - Vinacomin (HNX: TVD) cùng CTCP Than Cao Sơn - TKV (UPCoM: CST) báo lỗ nặng nhất kể từ khi hoạt động.
Ở một góc tối khác, nhóm doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 3/2024 có sự hiện diện của 2 doanh nghiệp nhiệt điện. Đơn cử là CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) lỗ ròng hơn 9 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi hơn trăm tỷ đồng.
HND cho biết, do sản lượng Qc giao thấp, dẫn đến doanh thu cố định của Công ty không đủ bù đắp chi phí cố định. Bên cạnh đó, giá thị trường quý 3 năm nay không cao, dẫn đến lợi nhuận từ thị trường không đủ bù đắp phần lỗ do thiếu hụt sản lượng Qc.
Một doanh nghiệp khác cùng ngành với HND là Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng có quý buồn khi lần đầu báo lỗ sau 12 quý, do giá vốn cao hơn doanh thu cùng khoản thu nhập cổ tức từ các đơn vị thành viên giảm mạnh.
Khang Di
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (30/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (30/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (30/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (30/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (30/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (30/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (30/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (30/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (30/10/2024)