IR trong kỷ nguyên xanh: Chiến lược "xanh hóa" và thu hút vốn của doanh nghiệp Việt
Tại hội thảo IR View về chủ đề “xanh hóa” diễn ra trong khuôn khổ Lễ Vinh danh IR Awards 2024 vào sáng ngày 24/09, lãnh đạo VietinBank, PAN Group, Vinamilk và ACB đã hé lộ bí quyết thu hút vốn quốc tế, cách thức thực hiện Quan hệ Nhà đầu tư (IR) và chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên xanh của nền kinh tế.
Hành trình ESG của ACB bắt đầu từ trăn trở: “Ta để lại gì cho mai sau”
Mở đầu hội thảo, ông Trần Vũ Hiền - Giám đốc khối Tài chính Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đề cập tới hành trình “xanh hóa” của công ty trong 10 năm qua.
Theo ông Huy, hành trình này khởi đầu từ trăn trở “Ta để lại gì cho mai sau” của Chủ tịch Trần Hùng Huy. Từ đó, ACB trong vai trò định chế tài chính nhưng xác định tiền không phải là quan trọng nhất, mà làm sao để lại một trái đất nguyên vẹn cho thế hệ mai sau và ACB muốn chung tay trên hành trình đó.
Ông Trần Vũ Hiền - Giám đốc khối Tài chính ACB phát biểu tại Hội thảo IR View
|
Ông Hiền chia sẻ tại thời điểm ông Trần Hùng Huy bắt đầu nhận vai trò Chủ tịch, ACB đã thực hiện khảo sát về mức độ quan tâm của các nhân viên vê môi tường, nhưng 90% câu trả lời nhận về là không quan tâm. Nhưng gần 10 năm qua, ACB đã dần thành công trong việc thay đổi quan điểm này.
“Trong các chuyến đi chơi, teambuilidng,… nhân viên ACB luôn hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường như dọn sạch bãi biển, trồng thêm cây xanh,… hay trong hoạt động hàng ngày, ACB từng bước xanh hóa thông qua việc không sử dụng chai nước nhựa, không xả rác thải nhựa, thảm trải trong văn phòng đều làm từ lưới đánh cá tái chế, cửa kính tiết kiệm năng lượng. Có thể thấy, xanh hóa bắt đầu từ những hành động rất nhỏ”, ông Huy cho biết.
Hành trình 10 năm qua là bước đi đầu tiên để ACB thay đổi bản thân hướng đến xanh hơn. Trong tương lai, ACB muốn được cùng tất cả cổ đông, đối tác, ngân hàng bạn cùng làm ESG.
“ACB không tham vọng là ngân hàng dẫn đầu về ESG, hi vọng sẽ trở thành niềm cảm hứng để tất cả cùng làm”, ông Hiền chia sẻ.
ACB có gói tín dụng xanh triển khai đầu năm nay hơn 2,000 tỷ đồng và đã giải ngân hết và sẽ gia hạn thêm để giúp các khách hàng của ACB tiếp tục chuyển đổi xanh.
Gói tín dụng này không chỉ dành cho các doanh nghiệp xanh, mà còn hướng đến các doanh nghiệp, lĩnh vực chưa xanh để hướng đến xanh hơn, như cải thiện hệ thống xử lý nước thải, không khí, đưa vào dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn. Các doanh nghiệp thỏa mãn các tiêu chí xanh của ACB có thể được vay vốn rất ưu đãi.
VietinBank dùng 42.3 ngàn tỷ tài trợ cho dự án xanh, khuyến khích đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia chuỗi cung ứng xanh
Kế đó, ông Vương Huy Đông – Phó Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) kể về cách thực hành IR của VietinBank trong thời đại số hóa, xanh hóa.
Theo chia sẻ của ông Đông, từ năm 2009, Ngân hàng đã thành lập bộ phận IR và từ năm 2014, bộ phận IR được tổ chức trực thuộc Thư ký HĐQT thuộc văn phòng HĐQT. Bộ phận IR trực tiếp tham mưu cho HĐQT, trực tiếp phản ánh các thông tin từ cổ đông và nhận chỉ đạo của HĐQT nên các hoạt động liên tục được cập nhật và phản ánh tới nhà đầu tư nhanh nhất.
Ông Vương Huy Đông – Phó Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG)
|
Hoạt động IR của VietinBank là tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích cổ đông và tích hợp truyền thông vào hoạt động tài chính. Đối với VietinBank, Ngân hàng không phân biệt cổ đông lớn hay nhỏ, các cổ đông điều có thể tiếp cận thông tin bằng tiếng Việt và Tiếng Anh.
Ngân hàng cũng liên tục phân tích cơ cấu cổ đông để có thể đưa ra chiến lược phù hợp. Hiện Ngân hàng có 2 cổ đông lớn là cổ đông Nhà nước (64.46%), MUFG Bank (19.73%).
Xét theo yếu tố trong, ngoài nước, cổ đông trong nước chiếm gần 74% với khoảng 53. ngàn cổ đông. Cổ đông ngoại chiếm 26.15% với số lượng gần 1 ngàn cổ đông. Như vậy, bình quân 1 cổ đông trong nước sở hữu khoảng 9,500 cp CTG, 1 cổ đông ngoại sở hữu 400,000 cp CTG. Có thể thấy, giá trị đầu tư của cổ đông ngoại cao hơn rất nhiều. Do đó, Ngân hàng cần định hướng được nhà đầu tư tổ chức cần thông tin gì, định hướng gì. Bộ phận IR của VietinBank đang quan hệ với 170 CTCK, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều quỹ lớn đến từ 20 quốc gia trên thế giới.
Các quỹ đầu tư là cầu nối để kết nối với các nhóm cổ đông. VietinBank có mức độ quan tâm cao với các quỹ đầu tư. Mỗi năm Ngân hàng đều tham gia trên dưới 100 hội nghị chủ động và hội nghị các nhà đầu tư. Năm 2024, con số đã vượt ngưỡng thực hiện 2023. Hết 2024 sẽ là 120 - 130 hội nghị. Bình quân 1 tháng, Ngân hàng có 10 lần trao đổi với các nhà đầu tư quỹ.
VietinBank không quan niệm phân biệt giữa các nhà đầu tư với nhau. Do đó, 100% yêu cầu, thắc mắc của cổ đông đều được hỗ trợ. Ngân hàng cũng tinh gọn quy trình để rút ngắn thời gian phản hồi tới cổ đông.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông trong công tác quan hệ cổ đông luôn được quan tâm, mỗi năm Ngân hàng có 1,500 lượt tin bài trên các thông tin truyền thông đại chúng. Điều này, giúp cập nhật nhanh nhất thông tin của VietinBank tới nhà đầu tư, giải đáp các điểm nghẽn truyền thông, các thắc mắc liên quan tới cổ phiếu CTG và hạn chế rủi ro truyền thông.
Nói về chuyển đổi số, VietinBank là ngân hàng tiên phong chuyển đổi số của Chính phủ và ngành ngân hàng. Ngân hàng có 108 sáng kiến đổi mới. IR là hoạt động tiên phong để nhà đầu tư thấy sự chuyển đổi số của VietinBank đang tới giai đoạn nào.
Cụ thể hơn, Ngân hàng áp dụng hội thảo trực tuyến, livestream sự kiện, xây dựng và cải tiến website để nhà đầu tư tiếp cận thông tin nhanh và thuận tiện nhất.
Nếu truy cập website IR của VietinBank thì nhà đầu tư có thể gộp các báo cáo lại với nhau để lấy thông tin nhanh nhất. Hoặc nhà đầu tư đăng ký để chủ động nhanh thộng tin về ngành ngân hàng, thông tin cổ phiếu CTG nhanh và cập nhật nhất. Hàng tuần đều có báo cáo phân tích về cổ phiếu CTG để thể hiện các dữ liệu, thông tin, cập nhật giải đáp các khúc mắc liên quan tới CTG nhanh và cập nhật nhất.
Ngân hàng cũng có các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube với tiêu đề ngắn gọn để tiếp cận thông tin với nhà đầu tư. Ngân hàng có nhiều hoạt động phát triển bền vững. Ký hợp tác với bộ tài nguyên môi trường, tham gia diễn đàn kinh tế toàn cầu.
VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững.
Ngân hàng cam kết gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5,000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững.
Tổng dự nợ tín dụng xanh của VietinBank đạt 42.3 ngàn tỷ đồng, chiếm 2.7% tổng dư nợ tín dụng, với gần 1,000 khách hàng. Không chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh mà còn khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia vào chuỗi cung ứng xanh.
IR cùng tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững để cổ đông hiểu hơn về phát triển bền vững tại VietinBank. Ngân hàng nắm rõ quan điểm một doanh nghiệp có trách nghiệp với công đồng, môi trường là doanh nghiệp thu hút với các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ có yếu tố thu hút ESG. VietinBank kết hợp báo cáo phát triển bền vững vào báo cáo thường niên, cập nhật thông tin nhất để truyền tải với NĐT.
Bên cạnh, VietinBank thường tham dự các hội nghị và diễn đàn. Các hoạt động truyền thông cũng thông tin về phát triển bền vững tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PAN Group xây dựng quy trình đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các tiêu chí phát triển bền vững
Một doanh nghiệp khác cũng rất chú trọng tới các tiêu chí xanh hóa là PAN Group. Theo ông ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN (HOSE: PAN), hành trình “xanh hóa” đã bắt đầu từ khi Công ty chuyển hướng sang mảng nông nghiệp và thực phẩm vào năm 2012. Tầm nhìn của công ty khi đó là nâng tầm lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam trên thương trường thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN phát biểu tại Hội thảo IR View
|
Theo ông Hiệp, mặc dù Việt Nam đứng thứ hạng khá cao trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhưng lại đứng vị trí khá thấp nếu xét về vị trí trong chuỗi giá trị, chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt là hàng có thương hiệu. Vì vậy ban điều hành của PAN Group đề ra mục tiêu rõ ràng trong việc đầu tư vào doanh nghiệp cùng tầm nhìn và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Hiện nay PAN Group ghi nhận phần lớn doanh thu từ xuất khẩu, với đóng góp 50%, chủ yếu tới các thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Canada, Úc, Hàn quốc.
"Để làm được điều đó chúng tôi phải xây dựng quy trình sản xuất rất khắt khe đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các tiêu chí phát triển bền vững (PTBV)", ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các hệ thống quản trị ESG của doanh nghiệp bao giờ cũng được nêu rất nhiều ở các diễn đàn và cũng được quan tâm đặc biệt sau khi Chính phủ cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại sự kiện COP26. Điều đó dẫn tới nhiều sự thay đổi liên quan tới chính sách, đòi hỏi sự thay đổi của doanh nghiệp. “Rất may, nhờ tầm nhìn luôn chú trọng tới phát triển bền vững, PAN Group đã có sự chuẩn bị”, ông Hiệp cho biết.
Năm 2015 là cột mốc Liên hợp quốc chính thức đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Trong đó, các doanh nghiệp căn cứ vào đó để đưa ra các mục tiêu gắn với hoạt động kinh doanh của mình.
Với PAN Group, họ đề ra 9 mục tiêu, trong đó có liên quan tới tiêu dùng, sản xuất và chuỗi cung ứng bền vững.
“Các tiêu chí đó xác định dựa trên cấu trúc quản trị của Tập đoàn. Để làm được điều đó, PAN Group phải xác lập hệ thống quản trị bền vững, chuẩn chỉnh ngay từ đầu”, ông Hiệp cho biết.
Từ năm 2015, PAN Group bắt đầu đưa ra phát triển bền vững tách biệt và chỉ là một trong số ít doanh nghiệp làm điều đó. “Việc đó giúp chúng tôi tiếp cận rất tốt tới nhà đầu tư quốc tế”, ông cho biết.
Với các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn, PAN Group cũng thúc đẩy họ phải ra báo cáo phát triển. Tuy nhiên, họ không gấp rút mà phụ thuộc vào trình độ của mỗi doanh nghiệp và việc liệu doanh nghiệp đó đã niêm yết hay chưa.
“Với các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi đề nghị họ phát hành các báo cáo phát triển bền vững. Với các doanh nghiệp chưa niêm yết thì cũng phải có giải trình, báo cáo nội bộ. Nếu khách hàng hỏi thì phải có số liệu minh bạch để trả lời”, ông nói.
Liên quan tới các hoạt động phát triển bền vững, hoạt động phát triển bền vững của PAN Group được quản trị theo mô hình 3 cấp: (i) Tiểu ban PTBV trực thuộc HĐQT, chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban giám đốc và HĐQT những chiến lược và kế hoạch phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Đứng đầu Tiểu ban PTBV là Tổng Giám đốc; (ii) Ban chỉ đạo PTBV có vai trò chủ trì và đảm bảo quản lý hiệu quả về phát triển bền vững trong Tập đoàn. Thành viên Ban chỉ đạo có Tổng giám đốc và 3 thành viên đại diện cho các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn, bao gồm Nông nghiệp, Thuỷ sản, và Chế biến thực phẩm; (iii) Bộ phận PTBV chuyên trách phối hợp cùng các điều phối viên PTBV tại mỗi công ty thành viên, thực thi hoạt động PTBV trong quản trị, sản xuất và kinh doanh.
"Có thể tự hào Tập đoàn PAN tương đối thành công trong việc "xanh hoá" chuỗi cung ứng của mình. Chúng tôi đã có quá trình tương đối bài bản, đối mặt với những khó khăn và thách thức và dần dần được ghi nhận nhiều hơn", ông Hiệp cho biết..
Hoạt động IR của VNM được xây dựng trên 4 trụ cột chính
Kế đó là câu chuyện “Quản lý hoạt động IR trong doanh nghiệp” do ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) chia sẻ. Vinamilk là doanh nghiệp niêm yết có đến 8 năm được vinh danh IR Awards trong giai đoạn 2011 - 2023 vừa qua.
Theo chia sẻ từ Trưởng ban Quan hệ IR VNM, mô hình IR tại VNM được xây dựng trên 4 trụ chính là minh bạch, khả năng tiếp cận, sự tham gia và xử lý khủng hoảng.
Ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư VNM phát biểu tại Hội thảo IR View
|
Với trụ thứ nhất, VNM thấu hiểu minh bạch là nền tảng của sự tin tưởng. Cung cấp thông tin thông qua nhiều dạng khác nhau như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, thông cáo báo chí và các thông tin đều được cung cấp dưới dạng song ngữ để đảm bảo quyền lợi cổ đông trong và ngoài nước. Báo cáo thường niên của VNM luôn nằm trong top bình chọn của cuộc bình chọn do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM tổ chức.
VNM luôn tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Việc công bố thông tin trên website ngoài việc giúp nhà đầu tư hiểu còn giúp các bộ phận nội bộ của Công ty hiểu về việc công bố thông tin. Trong hoạt động công bố thông tin, nhiều thông tin do các bộ phân chuyên môn khác thực hiện, nếu các bộ phận chuyên môn không nắm thì sẽ không đáp ứng quy định công bố thông tin.
Trụ tiếp theo là khả năng tiếp cận. VNM hiểu được thời gian là quý giá, do đó, Công ty xây dựng hệ thống để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin của VNM và tải về. Hướng tới vượt trên công bố thông tin, Công ty còn công bố nhiều loại tài liệu đa dạng cho nhà đầu tư. Các tài liệu được cập nhật thường xuyên hàng quý để đảm bảo nhà đầu tư nắm rõ nhất thông tin về doanh nghiệp.
Xác định IR là một quá trình hai chiều, do đó VNM rất quan tâm tới trụ thứ 3 là sự tham gia. VNM luôn có ứng dụng các cuộc họp trực tuyến để nhà đầu tư có thể tham gia các cuộc họp của Công ty. Trước đây, ĐHĐCĐ tổ chức trực tiếp của Công ty có khoảng 400 - 500 nhà đầu tư tham dự. Con số này tăng lên 1,300 nhà đầu tư do tổ chức trực tuyến. Viêc tổ chức trực tuyến giúp cổ đông dễ dàng tham gia. Con số 1,300 vẫn còn khiêm tốn và VNM sẽ cố làm tốt hơn.
VNM thực hiện khảo sát với cổ đông thông qua danh sách email Công ty quản lý. VNM cũng mời nhà đầu tư tham gia vào các cuộc họp hàng quý với Ban điều hành.
Xử lý khủng hoảng là trụ cột để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. VNM dùng các hệ thống quản lý khủng hoảng truyền thông. Hàng ngày hệ thống sẽ gửi về các email để quản lý các thông tin trên mạng xã hội, internet. Nếu có sai lệch thì sẽ cùng bộ phận truyền thông, quan hệ công chúng để đính chính thông tin qua các kênh truyền thông.
Ông Trung cũng nói thêm về cách VNM tiếp cận nhà đầu tư tổ chức.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới VNM, hiện danh sách cổ đông của Công ty có 500 nhà đầu tư ngoại, 300 trong đó là các quỹ. Hàng năm, VNM vẫn dành nguồn lực để tham gia 10 sự kiện đầu tư thu hút vốn ở các thị trường trọng điểm là Singapore, Anh, Mỹ, Hồng Kong.
Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới ESG. Một thực hành quan trọng là VNM được nhận lời mời tham gia các bảng xếp hạng ESG. Việc tham gia sẽ giúp nhà đầu tư dễ đánh giá hơn. VNM đã tham gia bảng xếp hạng CDP và được đánh giá tích cực. Trong thời gian tới, VNM sẽ cố gắng tham gia nhiều bảng xếp hạng hơn.
Ngoài ra, VNM cũng cung cấp nhiều thông tin chuyên sau về vĩ mô, ngành cho các nhà đầu tư tổ chức. Các nhà đầu tư rất quan tâm tới các thông tin này và thường hỏi thăm VNM.
Chí Kiên - Huy Khải - Vũ Hạo
- Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (24/09/2024)
- Lộ diện loạt nhân sự mới tại Tập đoàn 911 sau biến cố (24/09/2024)
- HSV muốn thâu tóm một công ty vận tải với giá chưa đến 80% vốn điều lệ (24/09/2024)
- VKS giữ quan điểm đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan (24/09/2024)
- “Của để dành” doanh nghiệp bất động sản phình to trong 9 tháng đầu năm (24/09/2024)
- Lộc Trời chốt 20/12 họp bất thường về nhân sự (24/09/2024)
- Một công ty may thu hơn 3,400 tỷ sau 10 tháng (24/09/2024)
- BSH sắp chi 18 tỷ trả cổ tức, Sabeco nhận về hơn nửa (24/09/2024)
- Cổ phiếu dầu khí chưa giúp nhà đầu tư “tránh bão” khi thị trường bất lợi (24/09/2024)