[Longform] Kết nối dòng vốn ngoại nhờ thông tin xanh
Xu hướng ESG (Environmental – Social – Governance, Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang lan rộng và có thể thay đổi tích cực đến thị trường tài chính toàn cầu.
Tại hội thảo IR View “Xanh hóa” chuỗi cung ứng trong khuôn khổ Lễ Vinh danh IR Awards 2024 diễn ra ngày 24/9, ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ HD (HDCapital) đưa ra con số ấn tượng: "Hiện tổng tài sản (AUM) dưới quyền quản lý của ngành quỹ đầu tư toàn cầu vào khoảng 140 ngàn tỷ USD thì 35 ngàn tỷ USD trong đó đang chảy vào các quỹ ESG. Lượng vốn khổng lồ này có thể làm thay đổi bức tranh một ngành".
Trao đổi với người viết, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết, yếu tố ESG được các quỹ đầu tư quốc tế dành nhiều sự quan tâm mỗi khi đánh giá về một doanh nghiệp trước khi đầu tư. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp có nhu cầu IPO, tìm kiếm cổ đông chiến lược hoặc muốn đa dạng hóa cơ cấu cổ đông trước khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết phải chú trọng nhiều hơn về định hướng kinh doanh gắn với các tiêu chí ESG.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Giám đốc Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi thẩm định doanh nghiệp còn thuê đơn vị thứ ba để thẩm định và đánh giá độc lập về mức độ tuân thủ các yếu tố ESG của doanh nghiệp, ngoài các thẩm định về tài chính và luật như thông lệ.
Vì vậy, doanh nghiệp quản lý, thực hiện và tuân thủ tốt các tiêu chí ESG sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn và có thể có chi phí huy động vốn thấp hơn hoặc nhận được định giá cao hơn từ nhà đầu tư.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, quản trị ESG là lĩnh vực mới mẻ với hầu hết doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Theo Báo cáo đánh giá Quản trị Công ty của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2023, trong số 511 doanh nghiệp niêm yết được lựa chọn để đánh giá trong năm 2023, chỉ có 50 doanh nghiệp (10%) có lập và công bố Báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận và chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp đạt được các tiêu chí phát triển bền vững trong bộ câu hỏi VCGS 2023.
Dành nguồn lực đáng kể để tiếp cận nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nước ngoài, cũng là bài học mà các doanh nghiệp nhấn mạnh, trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm đến ESG.
Như Tập đoàn Pan (HOSE: PAN), hành trình phát triển bền vững bắt đầu từ năm 2012 khi Công ty chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN - cho biết: "Chúng tôi bắt đầu phát hành báo cáo phát triển bền vững tách biệt từ năm 2015, là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong. Điều này giúp PAN tiếp cận rất tốt với nhà đầu tư quốc tế".
Tại Ngân hàng Á Châu (HOSE: ACB), hành trình “xanh hóa” bắt đầu từ 10 năm trước và đến năm 2023 thì trở thành Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững. Các chỉ số phát triển bền vững được ACB lựa chọn và trình bày dựa trên cơ sở tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin được Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập cũng như tham chiếu theo các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.
Theo ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk (HOSE: VNM) - hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới ESG. Một thực hành quan trọng là VNM được nhận lời mời tham gia các bảng xếp hạng ESG. Việc tham gia sẽ giúp nhà đầu tư dễ đánh giá hơn. VNM đã tham gia bảng xếp hạng CDP và được đánh giá tích cực.
Ông Vương Huy Đông - Phó Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông của Ngân hàng VietinBank (HOSE: CTG) cho biết: "Ngân hàng nắm rõ quan điểm một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường là doanh nghiệp có sức hút với quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ có yếu tố ESG.
Thực hành ESG tốt không thôi vẫn chưa đủ. Một hoạt động không kém phần quan trọng là doanh nghiệp phải truyền tải điều đó với thị trường. Khi các quỹ đầu tư quốc tế coi ESG là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư, họ ngày càng đòi hỏi thông tin rõ ràng và minh bạch. Hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (IR, Investor Relations) trở thành cầu nối quan trọng để dẫn dòng vốn ESG về doanh nghiệp.
Ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Chứng khoán Maybank Việt Nam đánh giá, đối với bên mua (buy-side), minh bạch thông tin là một trong những yếu tố tiên quyết trong quá trình ra quyết định đầu tư. Sự minh bạch không chỉ liên quan đến việc cung cấp thông tin tài chính chính xác và đầy đủ mà còn bao gồm cả việc công bố các hoạt động quản trị, chiến lược phát triển lẫn các yếu tố ESG của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư ngày nay yêu cầu một cấp độ minh bạch cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng phức tạp và nhạy cảm. Họ đòi hỏi doanh nghiệp phải công khai rõ ràng về các rủi ro tiềm ẩn, chiến lược quản lý rủi ro và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính trong dài hạn. Việc thiếu minh bạch hoặc không công khai đầy đủ thông tin có thể dẫn đến sự mất lòng tin và giảm cơ hội huy động vốn từ các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Tại Hội thảo IR View, đại diện góc nhìn từ bên bán (sell-side), bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho biết, trong vài năm gần đây, có nhiều câu hỏi mới, yêu cầu phân tích mới từ nhà đầu tư, các nhóm nghiên cứu, các tổ chức xếp hạng… về mức độ cam kết và thực hành phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gặp khó khăn trong việc đánh giá, sàng lọc để chọn cổ phiếu tiềm năng của Việt Nam cho chủ đề đầu tư ESG trong bối cảnh xu hướng đầu tư “xanh”, đầu tư có trách nhiệm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Thống kê tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand) cho thấy, số lượng quỹ ESG tăng rất mạnh kể từ năm 2020, tập trung ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... với quy mô tổng tài sản lên đến 58 tỷ USD vào thời điểm cuối quý 2/2024, gấp hơn 10 lần so với thời điểm 10 năm trước.
Tuy nhiên, Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực, với chỉ một quỹ đầu tư ESG, thấp hơn các nước lân cận như Malaysia hay Thái Lan vốn đang bùng nổ rất mạnh trong những năm gần đây.
Thiếu dữ liệu ESG đang là rào cản lớn nhất, ảnh hưởng đến việc sàng lọc các cơ hội đầu tư. Số liệu thống kê từ Bloomberg cho thấy, chỉ có khoảng 3% số công ty niêm yết trên HOSE có dữ liệu để đánh giá. Tỷ lệ này gây ngạc nhiên, bởi theo khảo sát của PwC, có 44% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã thực hiện cam kết và kế hoạch ESG.
Mức độ công bố thông tin ESG cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 23% hệ thống các tiêu chí đánh giá với nhiều chỉ tiêu định lượng. Trong đó, mức độ công bố thông tin về môi trường chưa tới 10%, thông tin xã hội 14% và thông tin về quản trị cao hơn đáng kể, đạt gần 47%. Qua đó cho thấy, xếp hạng quản trị cũng là yếu tố quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.
Dù số lượng quỹ đầu tư ESG tại Việt Nam còn chưa nhiều, thực tế có những doanh nghiệp niêm yết đi đầu trong việc công bố thông tin phát triển bền vững đã thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Điển hình như VNM thu hút được 300 quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có đến 126 quỹ đầu tư ESG. Từ đó cho thấy việc chủ động thực hành báo cáo thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận đến quỹ ESG toàn cầu với quy mô lớn.
Không chỉ truyền tải thông điệp “xanh”, IR đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có hoạt động IR xuất sắc thường có khả năng thu hút vốn đầu tư tốt hơn, bởi IR giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ tin cậy, minh bạch với các nhà đầu tư.
Thông qua việc cung cấp thông tin tài chính đầy đủ, kịp thời và chính xác, IR giúp tạo ra sự tin tưởng từ phía nhà đầu tư, từ đó gia tăng khả năng huy động vốn trên thị trường.
Thứ nhất, khi tương tác với nhà đầu tư, những phản hồi của họ giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp có những điều chỉnh và thay đổi phù hợp trong chiến lược hoạt động doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thực hiện IR tốt sẽ gia tăng số lượng chuyên viên phân tích về doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp. Các thông tin về hoạt động, quản trị doanh nghiệp được công bố minh bạch, công bằng sẽ tạo niềm tin và danh tiếng tốt cho nhà đầu tư. Do đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn khi cần thiết.
Một lợi ích khác là giá cổ phiếu ổn định và giảm thiểu bất ngờ cho nhà đầu tư. Việc cung cấp thông tin định kỳ đúng chuẩn sẽ không tạo những tình huống bất ngờ cho nhà đầu tư và giúp cổ phiếu không bị mua/bán hàng loạt vì hoảng loạn.
Bên cạnh đó, nhờ có đầy đủ thông tin, chuyên viên phân tích và nhà đầu tư sẽ đánh giá và dự báo chính xác hơn về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới giảm chênh lệch giá trị hợp lý doanh nghiệp và giảm chi phí vốn.
Cuối cùng, áp dụng phương pháp IR hiệu quả và hoạt động IR tích cực sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận nhà đầu tư và sự quan tâm của các chuyên gia phân tích. Kết quả sẽ là gia tăng thanh khoản cổ phiếu.
Hoạt động IR không chỉ mang lại lợi ích tài chính trực tiếp mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, từ việc thu hút vốn đầu tư đến việc nâng cao vị thế trong ngành.
Theo khảo sát ở thị trường Thái Lan năm 2014, 29% nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn 15% với công ty có hoạt động IR tốt. Khảo sát khác chỉ ra rằng, 75% người tham gia đồng tình IR giúp tăng sự tin tưởng vào ban lãnh đạo, 63% tin IR sẽ cải thiện khả năng tiếp cận vốn, 60% tin hoạt động này giúp doanh nghiệp có thêm nhà đầu tư dài hạn, 57% tin cổ phiếu sẽ tăng giá và 54% doanh nghiệp có thêm nhiều báo cáo từ chuyên viên phân tích.
Lễ Vinh danh IR Awards 2024 được tổ chức ngày 24/9/2024 nhằm công bố kết quả Bình chọn IR Awards và tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất.
Những doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động IR (Investor Realations, Quan hệ Nhà đầu tư) trong tổng số 708 doanh nghiệp niêm yết đã chính thức được công bố tại Lễ vinh danh IR Awards 2024.
Hai hạng mục được vinh danh (chia theo quy mô vốn hóa Financial Large Cap, Non-Financial Large Cap, Mid Cap và Small Cap), bao gồm Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024 và Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2024. Đây là những doanh nghiệp tuân thủ hoạt động công bố thông tin, có quản trị chiến lược, truyền thông tài chính minh bạch, đạt được hiệu quả giao tiếp giữa doanh nghiệp, cộng đồng tài chính cùng các thành phần khác, góp phần đưa giá cổ phiếu công ty đạt được mức định giá hợp lý, giá trị doanh nghiệp được tối ưu.
Lễ vinh danh IR Awards 2024 là sự kiện nhằm ghi nhận những nỗ lực, thành tích và tôn vinh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024.
Trải qua 14 mùa vinh danh, chương trình đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, là thước đo khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược quản trị doanh nghiệp và hiệu quả vượt trội trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư.
Chí Kiên
Thiết kế: Tuấn Trần
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (15/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (15/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (15/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (15/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (15/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (15/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (15/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (15/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (15/10/2024)