Ngành thép trước bộ ba áp lực: Trung Quốc, EU và ẩn số Trump
Sau giai đoạn khó khăn, ngành thép Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, bức tranh tươi sáng này đang bị che phủ bởi những đám mây đen mang tên "khủng hoảng ngành thép Trung Quốc" và "rào cản thương mại từ phương Tây".
Khởi sắc đầu năm
Nhìn lại, số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sự khởi sắc rõ rệt trong tiêu thụ thép nội địa 6 tháng đầu năm. Trong đó, thép xây dựng tăng 4%, thép ống tăng 3% và đặc biệt tôn mạ tăng mạnh 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo CTCK VCBS, đà hồi phục này cho thấy sự “ấm lên” của thị trường bất động sản, đặc biệt, ở khu vực miền Bắc và miền Nam, cùng với nhu cầu xây dựng nhà ở dân sinh tăng cao.
Xuất khẩu cũng là điểm sáng đáng chú ý. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thép 6 tháng đầu năm đạt gần 4.8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Các ông lớn thị uy sức mạnh
Bối cảnh hồi phục cũng tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp thép “gặt hái” lợi nhuận.
Trong quý 2/2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với doanh thu thuần đạt 39,556 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận ròng của HPG đạt 3,319 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ.
Kết quả tích cực đến từ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 44% so với cùng kỳ, (chủ yếu từ mảng thép xây dựng), biên lợi nhuận phục hồi và giảm lỗ tỷ giá.
Không kém cạnh, các ông lớn ngành tôn mạ cũng có lãi ròng tăng vọt so với cùng kỳ. Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận lãi tương ứng 273 tỷ đồng và 219 tỷ đồng.
Theo VCBS, HSG và NKG lãi đậm nhờ xuất khẩu sang EU, Mỹ hồi phục mạnh trong bối cảnh nguồn cung tại khu vực này có dấu hiệu thiếu hụt. Đồng thời giá HRC khá ổn định trong quý 1 giúp cho các công ty không cần ghi nhận trích lập tồn kho quá lớn trong quý 2 (các công ty tôn mạ thường nhập kho trước 3 tháng).
Kết quả kinh doanh của các công ty thép trong quý 2
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể. Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 49% và chuyển lỗ thành lãi 126 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có kết quả khả quan. Thép SMC (SMC) và Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng.
Bức tranh thị phần cũng có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho các ông lớn đầu ngành trong 6 tháng đầu năm.
Ở mảng thép xây dựng, Hòa Phát tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh các nhà sản xuất trong ngành gặp khó khăn việc duy trì hoạt động kinh doanh, phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản. Ở mảng tôn mạ, HSG, NKG gia tăng được thị phần tốt khi GDA mất thị phần.
Nguồn: VCBS
|
Theo báo cáo từ CTCK VCBS, các ông lớn ghi nhận mức hồi phục mạnh nhờ “lợi thế quy mô, thương hiệu và công nghệ đã giúp các công ty này gia tăng thị phần tại nội địa, tận dụng được nhịp hồi phục của thị trường xây dựng trong nước. Ngoài ra, nhóm dẫn đầu cũng khá nhạy bén trước cơ hội xuất khẩu, tạo ra lợi nhuận vượt dự báo, đặc biệt là trong phân khúc tôn mạ”.
“Mùa đông khắc nghiệt”
Mặc dù có những dấu hiệu tích cực, ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược". Đáng chú ý nhất là cảnh báo từ China Baowu Steel, hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới, về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành thép Trung Quốc và có thể lan rộng toàn cầu.
Tại cuộc họp bán niên, Chủ tịch Hu Wangming ví von, ngành thép Trung Quốc như đang trải qua một "mùa đông khắc nghiệt" - một thách thức còn tồi tệ hơn cả những cú sốc lớn trong các năm 2008 và 2015. "Mùa đông này sẽ kéo dài hơn, lạnh hơn và khó chịu đựng hơn chúng ta dự đoán," ông nói với nhân viên. Trong cuộc họp này, Chủ tịch Baowu nhấn mạnh nhiều tới rủi ro về nhu cầu và giá thép.
Nhìn rộng ra, Trung Quốc, đất nước sản xuất thép đứng đầu thế giới và chiếm hơn 54% nguồn cung thép toàn cầu, đang phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo. Sự suy giảm kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo nhu cầu yếu ớt và giá thép giảm mạnh. Trong tháng 8, giá thép thanh tương lai của Trung Quốc đã lao dốc xuống dưới 2,800 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất trong vòng 8 năm.Giá thép HRC tương lai cũng đang dao động gần đáy 4 năm.
Trước tình cảnh này, các nhà sản xuất Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các quốc gia khác, từ đó tạo ra áp lực lớn cho các đối thủ cạnh tranh trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Và Việt Nam cũng nằm trong những điểm đến phổ biến của thép Trung Quốc. Theo báo cáo từ Tổng cục Hải Quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép HRC, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, thép từ Trung Quốc chiếm tới 74%.
Với mức giá bán thấp, thép từ Trung Quốc chắc chắn đang khiến nhiều doanh nghiệp “vò đầu bứt tóc”. Áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc cũng thể hiện rõ qua sự sụt giảm trong tiêu thụ thép HRC của Hòa Phát. “Thép nhập khẩu giá rẻ đang gây sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép HRC của Hòa Phát tại thị trường nội địa”, Hòa Phát cho biết.
Mặt khác, theo VCBS, việc nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá thép trong nước “lình xình” quanh vùng giá thấp.
Tại Việt Nam, giá thép xây dựng nội địa đang quanh mức 14 triệu đồng/tấn - thấp nhất trong nhiều năm qua. Tương tự, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng đang trên đà giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, hiện đang dao động quanh vùng 460-480 USD/tấn.
Nguồn: VCBS
|
Theo các chuyên viên VCBS, giá thép có thể tiếp tục giảm dưới áp lực của Trung Quốc và quý 3 cũng là giai đoạn kinh doanh thấp điểm của ngành thép do bước vào mùa mưa.
Một nỗi lo khác là nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu. Điển hình là việc EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC của Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua. Nhìn xa hơn, EU dự kiến sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) từ năm 2026, đòi hỏi các nhà sản xuất thép phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sạch nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Ẩn số mang tên “Donald Trump”
Cũng đừng quên một rủi ro khác có thể xuất hiện vào cuối năm 2024 khi người dân nước Mỹ bầu chọn ra vị Tổng thống cho nhiệm kỳ 2025-2028.
Kịch bản ông Trump trúng cử được cho là sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thể hiện mình là một người khó lường ở khía cạnh thương mại với xu hướng dựng hàng rào thuế quan để giảm thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Và theo Chỉ số Rủi ro Trump của tạp chí The Economist, Việt Nam lọt top 4 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ nếu ông Trump đắc cử.
Nguồn: The Economist
|
Chỉ số Rủi ro Trump được tính dựa trên đánh giá về nguy cơ bị tổn thương về thương mại với các chỉ số được xem xét bao gồm cán cân thương mại song phương; xu hướng thương mại song phương; cán cân vãng lai; hoạt động xuất khẩu nhạy cảm với Mỹ; sự phụ thuộc vào Mỹ về hàng hóa và thương mại; và hiệp định thương mại tự do với Mỹ. |
Vũ Hạo
- THG sắp tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10%, vẫn còn 30% theo kế hoạch (20/08/2024)
- Lợi nhuận quý 3 ngành ô tô chưa thể tìm lại ánh hào quang? (20/08/2024)
- Tập đoàn C.E.O muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 3 công ty con (20/08/2024)
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (20/08/2024)
- DIG chính thức giải thể chi nhánh DIC Him Lam sau 2 năm ngưng hoạt động (20/08/2024)
- Doanh nghiệp liên quan Novaland bất ngờ chi 640 tỷ tất toán trái phiếu (20/08/2024)
- SSI nộp bổ sung thuế cho năm 2022 và 2023 (20/08/2024)
- Thị trường Việt mang về gần 68 ngàn tỷ đồng cho CP Food sau 9 tháng đầu năm (20/08/2024)
- Một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản huy động 1,700 tỷ đồng trái phiếu (20/08/2024)