Nhựa Tân Đại Hưng giảm lỗ, kỳ vọng cổ phiếu sớm thoát án cảnh báo
Quý 3/2024, CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (HOSE: TPC) lỗ ít hơn cùng kỳ, từng bước khắc phục lỗ lũy kế nhằm gỡ án cảnh báo cho cổ phiếu.
Trọng tâm kinh doanh quý 3 của TPC vẫn từ sản xuất bao bì nhựa, góp phần mang về doanh thu hơn 114 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý 3 năm trước. Công ty cho biết giai đoạn thấp điểm thường rơi vào quý 3 do ảnh hưởng yếu tố mùa vụ làm sản lượng bán hàng thấp.
Thất thu nhưng doanh nghiệp nhựa vẫn giảm đáng kể lỗ ròng, chỉ khoảng 275 triệu đồng, nhờ các biện pháp tiết giảm chi phí liên quan đến bán hàng và chi phí cố định khác; trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Về nguyên nhân lỗ, theo TPC, tỷ giá giảm mạnh tác động đến giá nguyên vật liệu. Các lô hàng nhựa nhập khẩu từ quý 2 và đầu quý 3 giá cao, làm tăng chi phí theo quy định của kế toán về hạch toán tỷ giá gây lỗ.
Dù vậy, 2 quý đầu năm có lãi giúp lãi ròng lũy kế 9 tháng đạt gần 7 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gần 51 tỷ đồng cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 9 còn âm 8.4 tỷ đồng, đi được gần nửa chặng đường trong lộ trình xóa lỗ lũy kế.
Hướng tới gỡ án cảnh báo cho cổ phiếu TPC, lãnh đạo Công ty kỳ vọng sản lượng bán ra quý 4 sẽ sáng hơn do xu hướng đặt hàng nhiều hơn vào cuối năm để chuẩn bị cho mùa bán hàng. Quý 4 cũng thường là giai đoạn ghi nhận lãi cao của doanh nghiệp bao bì nhựa.
HĐQT và Ban Giám đốc cho biết đang tích cực tìm kiếm thêm khách hàng xuất khẩu, dự kiến tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới để đảm bảo công suất nhà máy đạt 100% bù đắp chi phí cố định, đồng thời sẽ làm việc với nhà cung cấp để giảm chi phí nguyên liệu và chi phí khác.
TPC sẽ thực hiện thủ tục liên quan bán các tài sản sinh lợi kém để bổ sung nguồn vốn bù lỗ, đầu tư thêm máy móc mới, bổ sung thêm vốn lưu động cho công ty con, trả một phần nợ vay để gia tăng hiệu quả hoạt động tài chính trong thời gian tới.
Nhằm khắc phục lỗ lũy kế và bổ sung vốn lưu động đầu tư máy móc, trước đó, lãnh đạo TPC đã chấp thuận chủ trương bán nhà xưởng diện tích hơn 33,000m2 tại Cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An với giá ít nhất 150 tỷ đồng nhưng kèm điều kiện cho TPC thuê lại tối thiểu 20 năm. Giá thuê cố định 500 triệu đồng/tháng để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty liên tục và ổn định.
Giữa tháng 8, cổ phiếu TPC nhận quyết định giữ nguyên diện cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC soát xét bán niên 2024 của Công ty còn âm 8.1 tỷ đồng.
Nhà máy của TPC ở Long An. Nguồn: TPC
|
Tử Kính
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (22/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (22/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (22/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (22/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (22/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (22/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (22/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (22/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (22/10/2024)