SHS giảm 65% lãi ròng quý 3, đang ôm lỗ một mã ngân hàng
CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3, ghi nhận các mảng đều có sự sụt giảm về doanh thu. Riêng tự doanh quý này lỗ hơn 50 tỷ đồng.
Quý 3, SHS ghi nhận hơn 276 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm không tương xứng, đạt hơn 163 tỷ đồng, giảm 21%. Sau cùng, lãi ròng của SHS chỉ còn 69 tỷ đồng, lao dốc 65% so với cùng kỳ.
Bóc tác từng mảng, quý 3, SHS có lãi từ tài sản chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ 62 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Trừ đi phần lỗ FVTPL gần 107 tỷ đồng và chi phí 5.5 tỷ đồng khiến mảng tự doanh ghi lỗ hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 43 tỷ đồng.
Lãi cho vay và doanh thu môi giới cũng đồng loạt giảm 47% và 33%, đạt 110 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tính đến ngày 30/09/2024 gần 3,900 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin gần 3,700 tỷ đồng.
9 tháng thực hiện 92% mục tiêu lợi nhuận năm
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SHS đạt 1,440 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lãi trước thuế ở mức 953 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, thực hiện được 92% kế hoạch năm (1,035 tỷ đồng). Lãi ròng gần 780 tỷ đồng.
Tại cuối tháng 9/2024, SHS có quy mô tài sản FVTPL tăng thêm 1,850 tỷ đồng so với đầu năm, đạt gần 6,800 tỷ đồng do Công ty tăng tỷ trọng cổ phiếu niêm yết; trái phiếu niêm yết và công cụ thị trường tiền tệ.
Cụ thể, danh mục cổ phiếu niêm yết tính theo giá mua hơn 3,500 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng về quy mô so với đầu năm và tạm lãi 5%. Trong đó, 4 mã có tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu VPB giá gốc gần 350 tỷ đồng (tạm lỗ 11%); FRT (201 tỷ đồng, tạm lãi 111%); MWG (141 tỷ đồng, tạm lãi 28%) và FPT (78 tỷ đồng, tạm lãi 72%).
Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá mua 475 tỷ đồng, tương đương đầu năm, trong đó nắm giữ SHB hơn 275 tỷ đồng (tạm lãi 114%) và TCD (200 tỷ đồng, tạm lỗ 65%).
Danh mục tài sản tài chính của SHS. Nguồn: BCTC quý 3/2024 của SHS
|
Cuối quý 3, tổng tài sản của SHS hơn 12,900 tỷ đồng, tăng gần 1,500 tỷ đồng so với đầu năm, tập trung ở tài sản FVTPL và dư nợ cho vay.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả gần 1,900 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu vay ngắn hạn ngân hàng 1,585 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất là VPBank (500 tỷ đồng); Vietcombank (394 tỷ đồng) và BIDV (245 tỷ đồng).
Thế Mạnh
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (19/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (19/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (19/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (19/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (19/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (19/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (19/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (19/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (19/10/2024)