Tài chính tiêu dùng cải thiện, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của VPBank
Báo lãi quý thứ 2 liên tiếp, xu thế tăng trưởng dần định hình rõ nét tại FE Credit, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của VPBank trong 9 tháng. Với dự báo tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt trung bình 20%/năm trong 5 năm tới, VPBank có thể kỳ vọng lớn hơn vào sự tham gia của cánh tay tài chính tiêu dùng trong cơ cấu doanh thu trung hạn.
Sự trở lại của FE Credit
Với lợi nhuận trước thuế (PBT) quý 3 tăng gần gấp đôi so với quý 2, đạt gần 300 tỷ đồng, cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài của VPBank đang dần tìm lại đà tăng trường trước đây, hứa hẹn sự trở lại mạnh mẽ hơn trước khi thị trường hồi phục.
Theo chia sẻ của ngân hàng mẹ, nỗ lực tái cấu trúc của VPBank và đối tác chiến lược SMBC tại FE Credit bước đầu đã mang tới những thành quả nhất định.
Doanh số giải ngân 9 tháng đầu năm của FE Credit, theo đó, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, đạt ngang mức của cả năm 2023, đến từ động lực thẻ tín dụng và sản phẩm cho vay tiêu dùng lâu bền. Dư nợ tín dụng trong quý 3 đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, với tín dụng lõi tăng hơn 2% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ được đẩy mạnh triệt để đã giúp công ty này ghi nhận hơn 755 tỷ đồng thu từ nợ đã xử lý rủi ro trong quý 3, tăng gần 63% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, FE Credit thu được 1.3 nghìn tỷ nợ đã xử lý, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí tín dụng, trong khi đó, có sự cải thiện rõ rệt theo thời gian, giảm từ mức gần 20% của cả năm 2023 xuống 17% trong quý 2 và 14% trong quý 3 vừa qua.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) của công ty con này trong 9 tháng duy trì ở mức 24.9%, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 (34.5%).
Đối với chi phí vốn, nhờ hỗ trợ thanh khoản từ ngân hàng mẹ và đối tác chiến lược, cùng môi trường lãi suất thấp, FE Credit đã tối ưu chi phí này ở mức 6.6% trong 9 tháng, giảm từ mức 9.1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự trở lại của không chỉ riêng FE Credit mà cả lĩnh vực tài chính tiêu dùng sau giai đoạn thị trường trầm lắng đã được dự báo từ trước. Các nghiên cứu phân tích thị trường của một số tổ chức tài chính đều đồng thuận với quan điểm tín dụng tiêu dùng đang hồi phục với tăng trưởng rõ nét hợn, đi đôi với chi phí tín dụng giảm xuống, trong môi trường kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực.
Báo cáo có tựa “Khu vực châu Á-TBD: Tương lai của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, phát hành bởi bộ phận nghiên cứu toàn cầu của UBS hồi tháng 6, dự báo tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam có thể đạt trung bình 20% mỗi năm trong 5 năm tới, cao hơn trung bình toàn ngành là 15%/năm.
Các động lực hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực tại Việt Nam, theo UBS, bao gồm mức tăng trưởng GDP cao so với khu vực, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP vẫn còn thấp, và sự hiện diện sâu rộng của tín dụng đen – tương đương gần 30% tín dụng chính thống – một khi chuyển hóa thành công sang các hình thức cho vay chính thống sẽ tạo dư địa phát triển cho tài chính tiêu dùng.
Cánh tay đắc lực
Nhờ đà tăng của FE Credit, cùng sự đóng góp của các công ty con trong hệ sinh thái, VPBank ghi nhận PBT hợp nhất tăng trưởng vượt trội, tăng hơn 66% so với cùng kỳ trong quý 3, lên gần 5.2 nghìn tỷ đồng, và hơn 67% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, đạt gần 13.9 nghìn tỷ đồng.
FE Credit đặt mục tiêu đóng góp lợi nhuận dương vào kết quả lợi nhuận hợp nhất trong năm 2024. Giai đoạn trước dịch Covid-19, đóng góp của cánh tay tài chính tiêu dùng này đạt 40% cơ cấu lợi nhuận của VPBank.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán như UBS và Yuanta Việt Nam, mục tiêu lợi nhuận mà FE Credit đặt ra từ đầu năm có thể khá tham vọng khi thị trường vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan trong các quý gần đây cho thấy FE Credit đang đi đúng hướng khi ưu tiên lựa chọn lọc phân khúc khách hàng chất lượng, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, đồng thời tinh chỉnh bộ máy hoạt động hiệu quả hơn trước. Một quỹ đạo tăng trưởng mới đang dần thành hình tại công ty tài chính tiêu dùng từng dẫn đầu về thị phần tại Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp.
Báo cáo tài chính quý 3 cho thấy dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng mẹ đạt hơn 581 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm và cao hơn trung bình ngành (8.5%).
Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất, trong khi đó, tăng gần 23% trong 9 tháng, đạt hơn 44.6 nghìn tỷ đồng. TOI của ngân hàng mẹ và FE Credit, trong đó, lần lượt đạt mức tăng trưởng hơn 26% và hơn 12%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt 15.7%, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, tạo nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong quý 3 vừa qua, VPBank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD, nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (04/11/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (04/11/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (04/11/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (04/11/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (04/11/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (04/11/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (04/11/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (04/11/2024)
- Doanh nghiệp nhựa cấp linh kiện cho Honda, Samsung muốn mở rộng quy mô sản xuất lên chục lần? (04/11/2024)