Trái phiếu doanh nghiệp tháng 9 duy trì mạch tăng, dòng tiền lớn sắp đổ vào Novaworld Phan Thiết?
Tháng 9/2024, các doanh nghiệp chào bán 51 lô trái phiếu có giá trị tổng cộng hơn 56.7 ngàn tỷ đồng, tăng 6.6% so với tháng 8, nhưng tăng đến 148% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm, ngoại trừ mức đột biến của tháng 6, tiền huy động qua kênh này tăng trưởng đều đặn qua từng tháng.
Diễn biến giá trị TPDN từ đầu năm 2024 theo mệnh giá (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
TCB vượt lên dẫn đầu, STB lộ diện
Các ngân hàng thương mại trong tháng 9 thu khoảng 46 ngàn tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 80% tổng số tiền vay từ trái phiếu.
Việc phát hành liên tiếp 5 lô trái phiếu trị giá 9.7 ngàn tỷ đồng đã nâng tổng giá trị huy động của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) lên 31.7 ngàn tỷ đồng, đứng đầu thị trường, vượt mức 27.8 ngàn tỷ đồng của ACB. Các khoản vay mới của TCB phần lớn kéo dài 3 năm. Lãi suất ban đầu 5%/năm, giảm so với mức 5.3-5.4%/năm của các lô bán hồi tháng 6.
Tương tự, OCB và HDB cũng nhanh chóng lọt vào nhóm đầu. Tháng 9, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã huy động 7.4 ngàn tỷ đồng, đưa dư nợ trái phiếu từ đầu năm lên 20.8 ngàn tỷ đồng. Không thua kém, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: HDB) thu 7.5 ngàn tỷ đồng qua 6 lô trái phiếu, tổng số tiền đến nay chạm mốc 19.4 ngàn tỷ đồng.
Tháng 9 ghi nhận sự trở lại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) kể từ năm 2022. STB phát hành 2 lô trái phiếu trị giá 3.5 ngàn tỷ đồng, lãi suất 6%/năm trong vòng 2 năm. Các ngân hàng như VIB, TPB cũng có đợt chào bán số lượng lớn trong tháng, lần lượt đạt 6 ngàn tỷ đồng và 3.8 ngàn tỷ đồng.
Giá trị phát hành của các ngân hàng sau 9 tháng (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Hơn 1,000 tỷ đồng đi vào dự án Novaworld Phan Thiết?
Nhóm bất động sản có sự xuất hiện của các công ty liên quan đến một số “ông lớn” như Vinhomes hay Novagroup, huy động vốn nhằm góp vào các dự án, đặc biệt là Novaworld Phan Thiết.
Nổi bật về giá trị là khoản vay từ 2 công ty con của Vinhomes (HOSE: VHM), gồm: Đầu tư và phát triển bất động sản Phát Đạt và Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc, lần lượt 3.5 ngàn tỷ đồng và 1.9 ngàn tỷ đồng. Các trái phiếu đều trả lãi 12%/năm trong 12 tháng và được đảm bảo bằng tài sản, do Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lưu ký.
Công ty liên quan đến Novagroup - Đầu tư và Phát triển Residence huy động 660 tỷ đồng trái phiếu “3 không” trong 2 năm, với lãi suất ban đầu 11%/năm. Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm Saigon Ratings, Công ty Residence sẽ dùng số tiền này để hợp tác với Công ty TNHH Delta-Valley Bình Thuận - công ty con của Novaland, chủ đầu tư dự án tổ hợp khu du lịch Thung Lũng Đại Dương (tên thương mại là Novaworld Phan Thiết) - thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh để phát triển dự án Novaworld Phan Thiết trong quý 4 này.
Báo cáo của Saigon Ratings cho thấy, một doanh nghiệp khác là Phát triển Bất động sản Nhà Sài Gòn cũng có kế hoạch góp vốn 350 tỷ đồng vào Novaworld Phan Thiết. Lô trái phiếu duy nhất hiện nay giúp Công ty có được số tiền hơn 340 tỷ đồng trong 2 năm với lãi suất 11%/năm.
Trong tháng 9 ghi nhận một số cái tên bất động sản khác trả lãi ban đầu ở mức cao là Aqua City Hòa Bình - thành viên thuộc Lã Vọng Group của doanh nhân Lê Văn Vọng - thu 400 tỷ đồng qua lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm và được tổ chức tài chính bảo lãnh thanh toán. Còn chủ đầu tư dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại tỉnh Hòa Bình - Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn thu về 1.2 ngàn tỷ đồng từ trái chủ với lãi suất 12.5%/năm trong 5 năm.
Mảng bất động sản khu công nghiệp đón sự trở lại của Đầu tư TDG Global (HOSE: TDG) sau hơn 1 năm. Khoản vay mới 100 tỷ đồng, lãi suất 12.5%/năm, dự kiến được dùng để đầu tư, xây dựng dự án cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn do chính TDG làm chủ đầu tư.
Giá trị phát hành theo kỳ hạn của các doanh nghiệp từ đầu năm 2024 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Ở nhóm công ty “phi bất động sản và ngân hàng”, giá trị trái phiếu lớn nhất thuộc về Hàng không Vietjet (HOSE: VJC). Đây là lô thứ hai trong năm của VJC, thu 1 ngàn tỷ đồng với lãi suất 11%/năm, cao hơn mức 10.5%/năm của lô 2 ngàn tỷ đồng trước đó. Một số doanh nghiệp có lô trái phiếu thứ 2 trong năm nay như Nhiệt điện Thăng Long (900 tỷ đồng), Chứng khoán Bảo Minh (UPCoM: BMS) (150 tỷ đồng).
Sau 4 năm vắng bóng, DNP Holding (HNX: DNP) quay lại huy động 150 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ dưới 12 tháng với các ngân hàng. Lãi suất 10.5%/năm trong vòng 48 tháng. Phát hành lần đầu trong năm còn có Đầu tư Thành Thành Công của vợ chồng “vua mía đường” Đặng Văn Thành (200 tỷ đồng) và Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A của ông Hồ Xuân Năng (320 tỷ đồng).
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Tử Kính
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (14/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (14/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (14/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (14/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (14/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (14/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (14/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (14/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (14/10/2024)