Vĩnh Sơn - Sông Hinh lãi gấp 3 cùng kỳ nhưng không phải nhờ thủy điện
Quý 3/2024, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, mức tăng này không đến từ hoạt động kinh doanh thủy điện cốt lõi.
Các chỉ tiêu kinh doanh của VSH trong quý 3/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 3, VSH đạt 396 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 4% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng 7%, lên 238 tỷ đồng. Sau khấu trừ, Doanh nghiệp lãi gộp 158 tỷ đồng, lùi nhẹ 1%.
Bất chấp nhiều doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi nhờ thủy văn thuận lợi, việc doanh thu chỉ tăng nhẹ so với mức nền thấp cùng kỳ cho thấy hoạt động thủy điện của VSH chưa phục hồi. Tuy nhiên, Doanh nghiệp được bù đắp bằng khoản doanh thu tài chính tăng mạnh lên 6.1 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ; đồng thời chi phí tài chính giảm mạnh còn 65 tỷ đồng. Nhờ vậy, Doanh nghiệp lãi ròng 78 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
VSH giải thích doanh thu tài chính tăng lên nhờ phát sinh doanh thu từ hợp đồng tiền gửi cao hơn so với cùng kỳ. Đồng thời, tại quý 3/2024, VSH đã tái cấu trúc nợ vay tại các ngân hàng có lãi suất cao, trong khi lãi vay theo thị trường của các ngân hàng trong nước cũng hạ nhiệt.
Quý 3 tăng trưởng mạnh không giúp tình hình lũy kế của VSH sáng hơn. Sau 9 tháng đầu năm, Doanh nghiệp mới đạt gần 1.2 ngàn tỷ đồng doanh thu, đi lùi 40% so với cùng kỳ; lãi ròng giảm sâu tới 81%, chỉ đạt 147 tỷ đồng. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2024 thông qua, Doanh nghiệp thực hiện được 59% kế hoạch doanh thu và mới đáp ứng được 29% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thời điểm cuối tháng 9, giá trị tổng tài sản của VSH đạt gần 8.6 ngàn tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, 948 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, giảm 35%. Lượng tiền mặt và tiền gửi tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng, gấp 2.4 lần đầu năm. Giá trị hàng tồn kho đi ngang, ghi nhận hơn 107 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng còn 423 tỷ đồng, bằng hơn 1/3 đầu năm, hầu hết là từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN.
Bên nguồn vốn, nợ ngắn hạn giảm mạnh về 277 tỷ đồng (đầu năm gần 1.2 ngàn tỷ đồng). Sức khỏe tài chính ở mức rất tốt với các hệ số thanh toán đều vượt 3 lần. Nợ vay ngắn hạn cuối kỳ giảm mạnh về 45 tỷ đồng (đầu năm hơn 196 tỷ đồng), là nợ vay dài hạn tới hạn trả.
Về nợ vay dài hạn, Doanh nghiệp còn hơn 3.4 ngàn tỷ đồng nợ vay tại các ngân hàng TMCP, giảm 8% so với đầu năm.
Với tình hình tài chính ở mức tốt sau khi EVN thanh toán tiền điện, VSH đã tiến hành thanh toán nốt cổ tức đợt 2/2023 còn nợ cổ đông ngay trong tháng 9/2024, thay vì tháng 10 như thông báo trước đó. Tỷ lệ thực hiện 20% (2,000 đồng/cp), tương ứng số tiền chi trả khoảng 472 tỷ đồng.
Thực tế, số cổ tức trên đến tay cổ đông chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch. Việc này từng được VSH giải thích tại ĐHĐCĐ 2024, chủ yếu do tình hình tài chính khó khăn của EVN dẫn đến thu nợ tiền điện bị chậm so với kế hoạch và Công ty chưa cân đối được nguồn tài chính.
Châu An
- Cổ tức tuần 25-29/11: Cao nhất 35%, một doanh nghiệp thủy điện sắp chi hàng trăm tỷ đồng (25/10/2024)
- Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét (25/10/2024)
- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn 911 đột ngột qua đời (25/10/2024)
- Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN (25/10/2024)
- Thanh tra Chính phủ tại Bộ GTVT chỉ sai phạm dự án của Novaland, Trung Thủy (25/10/2024)
- QHD sắp chia cổ tức, mỗi cổ phiếu nhận 2,000 đồng (25/10/2024)
- Chứng khoán KAFI sẽ dùng 2,500 tỷ sắp huy động để làm gì? (25/10/2024)
- Ngành thép quý 3: Hòa Phát và Nam Kim nổi bật giữa bức tranh ảm đạm (25/10/2024)
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu (25/10/2024)