Trong giai đoạn từ đầu những năm 1960 đến những năm 1990, 4 con hổ châu Á thường đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số. Cả một thế hệ xuất thân từ những người nông dân và người lao động chân tay đã có thể chứng kiến con cháu mình lọt vào nhóm những người có trình độ học vấn cao nhất thế giới. Khởi đầu từ sản xuất áo cotton, hoa nhựa và tóc giả, giờ họ sản xuất chip nhớ, laptop và thậm chí là cả chứng khoán phái sinh. Trên con đường phát triển, 4 con hổ châu Á cũng tạo ra 1 cuộc tranh luận nảy lửa trong giới hàn lâm về những nguyên nhân dẫn đến thành công. Một số cho rằng đó là do cách chèo lái của các chính phủ, lại có ý kiến cho rằng đó là do các thị trường cạnh tranh.
Nhưng sau đó thế giới đảo lộn. Khủng hoảng tài chính châu Á phá hủy sự huyền bí của họ. Trung Quốc trở thành ngôi sao mới. Những con hổ châu Á thất thế. Năm nay Mỹ đang trên đà ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cả 4 nền kinh tế này.
Cả 4 nền kinh tế đều có những căn bệnh kinh niên: tiền lương bị đình trệ ở Đài Loan, sự lũng đoạn của các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, nhóm những lao động nhập cư giá rẻ ở Singapore và ở Hồng Kông là 1 chính phủ không được lòng dân.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu bạn coi thường những "con hổ" này. Nhìn sâu vào các số liệu kinh tế cho thấy, đối lập với vẻ ảm đạm bên ngoài, các nền kinh tế này vẫn còn có nhiều thứ để tự hào. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tính theo phương pháp ngang giá sức mua vẫn rất ấn tượng. Họ cũng đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Và Hàn Quốc sẽ sớm cùng với các nền kinh tế còn lại vượt qua Nhật Bản. Singapore vượt Mỹ từ những năm 1990, Hồng Kông vượt Mỹ vào năm 2013 và 2 nền kinh tế còn lại đang thu hẹp khoảng cách. Thực tế là trong 5 năm qua (2013-18), GDP bình quân đầu người của Singapore và Hồng Kông đã tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Giờ đây câu chuyện được bàn đến nhiều nhất khi nói về những con hổ châu Á là họ đang gặp phải những vấn đề tương tự như các nền kinh tế phát triển ở phương Tây: làm sao để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, làm sao để tăng sản lượng, làm thế nào để đối phó với già hóa dân số và làm thế nào để cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Không có câu trả lời chung cho cả 4 nền kinh tế, nhưng họ có những điểm chung mà từ đó các nền kinh tế khác có thể rút ra nhiều bài học.
Thứ nhất, các vấn đề nảy sinh từ thành công chứ không phải là thất bại về kinh tế. Họ đã bảo vệ được tỷ trọng của mình trong kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong nhiều năm, bất chấp các chi phí từ nhân công đến đất đai đều tăng lên. Vấn đề của họ là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh hơn so với nhu cầu toàn cầu. Họ cũng đã đạt đến giới hạn về công nghệ trong nhiều ngành, do đó khó đạt được bước tiến hơn so với thời kỳ trước. Nhiệm vụ không còn là đuổi kịp thế giới mà còn phải tự mình sáng tạo lại các công nghệ.
Lý Quang Diệu, người được coi là "cha đẻ" của Singapore hiện đại, từng cho rằng hòa hợp và ổn định là những nhân tố quan trọng hàng đầu trong "các giá trị của châu Á". 4 con hổ của châu Á vẫn có 2 nhân tố này, nhưng nhiều công dân của họ đang cho rằng công bằng là tiền đề để đạt được chúng. Điều đó dẫn đến vấn đề thứ hai: nền chính trị.
Một số người quan niệm những nhiễu nhương trên chính trường Đài Loan và Hàn Quốc – đều có những vụ tham nhũng ở cấp cao nhất, khiến bộ máy lãnh đạo bị đảo lộn – đang làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng lịch sử không cho thấy như vậy. Thay vào đó, nếu như không có những vụ như vậy, sự bất mãn và thiếu niềm tin sẽ càng tăng lên.
Điểm chung của 4 nền kinh tế là hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân đã trở thành 1 lực cản trong quá trình phát triển. Trước đây các nhà lãnh đạo lo ngại nếu trợ cấp quá nhiều sẽ triệt tiêu động lực làm việc của dân chúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu đời sống không được đảm bảo thì người dân sẽ không hào hứng với các thay đổi công nghệ. Và khi mà dân số già hóa, áp lực phải tăng chi cho hệ thống y tế và lương hưu cũng tăng lên; trong khi gánh nặng kinh tế khiến người trẻ không muốn có con. Do đó cải thiện hệ sống an sinh xã hội nên là ưu tiên hàng đầu của các nước.
Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore giờ đã trở thành phong vũ biểu cho sức khỏe kinh tế thế giới. Họ chịu tác động mạnh một cách bất thường từ các chu kỳ toàn cầu, từ công nghệ, tài chính đến địa chính trị. Trong khi 2 nền kinh tế mạnh về sản xuất là Đài Loan và Hàn Quốc đã có được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, tập trung vào những công nghệ tối quan trọng đối với mạng 5G và quá trình xử lý dữ liệu lớn, Hồng Kông và Singapore tự định vị là cây cầu tài chính kết nối Trung Quốc với thế giới, do đó đặc biệt nhạy cảm với sức khỏe kinh tế Trung Quốc. Và cả 4 đều chịu tác động mạnh từ cuộc chạm trán giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kể cả chu kỳ lên cũng gây khó khăn cho họ. Ví dụ, thị trường tài chính và công nghệ bùng nổ sẽ khiến của cải tập trung vào tay một số ông trùm như các chaebol sản xuất chip của Seoul hay các tài phiệt bất động sản ở Hồng Kông. Còn khi thị trường đi xuống thì tác động càng tệ hơn. Trong thế kỷ vừa qua đã 2 lần những con hổ châu Á bị nhấn chìm trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính. Nhưng thách thức về địa chính trị mới là đáng lo ngại nhất: một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm chao đảo nền móng thịnh vượng và an ninh của 4 nền kinh tế.
4 nền kinh tế có dân số khác nhau, hệ thống chính trị khác nhau, có xương sống khác nhau nhưng lại có nhiều điểm chung. Họ đều nằm trong nhóm cởi mở nhất thế giới, có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, đều bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc và đều mắc phải những vấn đề xã hội phức tạp xuất phát từ chính tốc độ tăng trưởng như vũ bão trong 50 năm qua.
Không ai có thể dám chắc họ sẽ thành công hay thất bại trên con đường phía trước. Nhưng có 1 điều chắc chắn: câu chuyện về 4 con hổ của châu Á vẫn luôn hấp dẫn và rất đáng để dõi theo.
Tham khảo Economist
Bloomberg: Cái giá phải trả khi kinh tế Việt Nam ở trong nhóm "những con hổ châu Á"- Thế giới tài chính thời Trump 2.0 khác gì với năm 2016? (07/12/2019)
- Tăng hơn 300 điểm, Dow Jones vượt mốc 44,000 điểm (07/12/2019)
- Trump thắng cử, nhưng vẫn có lý do để lo đấy, Elon Musk! (07/12/2019)
- Chiến lược đầu tư dài hạn hậu bầu cử Mỹ: Cơ hội và thách thức (07/12/2019)
- Giới đầu tư săn tìm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách của Trump (07/12/2019)
- Cú bắt tay Musk-Trump đẩy vốn hóa Tesla vượt 1,000 tỷ USD (07/12/2019)
- Dow Jones chinh phục mốc 44,000 điểm, S&P 500 và Nasdaq lập kỷ lục mới (07/12/2019)
- S&P 500 và Nasdaq Composite nối dài đà tăng sau khi Fed hạ lãi suất (07/12/2019)
- Ngay cả Warren Buffett cũng nghĩ cổ phiếu Berkshire Hathaway quá đắt (07/12/2019)