Tháng 11, 12 hay tiếp tục hoãn?
Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu có thể gây ra bất ngờ cho thị trường. Thí dụ như vào ngày 4-10, Chủ tịch FED tại bang Cleveland ông Loretta J. Mester nói: “Kịch bản tăng lãi suất trong tháng 11 khá cao. Bởi biện minh của phái diều hâu cho rằng FED tiên đoán khả năng lạm phát sẽ nhanh chóng vượt mục tiêu 2% vào năm 2017, nên cần phải hành động sớm”. Theo hãng tin CNBC, một số nhà phân tích thị trường cho rằng FED sẽ nói thẳng thắn trong cuộc họp tháng 11, giống như đã xảy ra vào tháng 10 năm ngoái khi FED cung cấp cho thị trường thời điểm khả dĩ nhất để nâng lãi suất. Trong trường hợp FED phát ra thông điệp rõ về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12, TTCK vẫn có thể giảm điểm mạnh.
Các cú sốc về chính trị ảnh hưởng khá lớn đến thị trường buộc NĐT phải thận trọng. Trong năm 2016, TTCK Hoa Kỳ đã giảm 4% vì sự kiện Brexit, nên sẽ không thừa nếu NĐT tránh đầu tư lớn vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều biến cố Thiên nga đen như hiện nay.
Trong khi đó, có ý kiến phân tích FED sẽ không muốn thay đổi hiện trạng, tức sẽ bình luận úp mở về khả năng tăng lãi suất, vì cuộc họp của FED chỉ diễn ra trước 6 ngày so với ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ (ngày 8-11), điều có thể làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Thậm chí, FED chẳng tăng lãi suất trong năm 2016 nếu như họ thấy cần thiết để bảo vệ thị trường trong ngắn hạn. Thực sự, hiện nay cũng không ai tin tưởng vào tuyên bố của FED về số lần tăng lãi suất như là điều buộc phải làm, vì nó có thể thay đổi giống như họ đã làm trong năm 2016 (điều chỉnh số lần tăng lãi suất từ 4 lần xuống kỳ vọng còn 1 lần). Trong cuộc họp tháng 9 (cuộc họp gần đây nhất), có 3 trong 12 thành viên Ủy ban thị trường mở của FED (FOMC) không đồng ý với kịch bản tăng lãi suất trong năm 2016. Tất nhiên, TTCK sẽ hưởng lợi nếu như FED hoãn tăng lãi suất.
Do đó, các NĐT sẽ quan sát thông điệp FED muốn đề cập trong cuộc họp tháng 11, tức vẫn có những yếu tố gây bất ngờ. Lưu ý, dữ liệu tài chính cho thấy các NĐT đang nằm im quan sát thị trường kể từ sau sự kiện Brexit ở Anh. Theo LPL Financial, chỉ số SP500 đã biến động trong một biên độ hẹp lâu một cách bất thường. Theo đó, SP500 chỉ đóng cửa nằm trong biên độ 3% so với đỉnh cao nhất của thị trường từ sau sự kiện Brexit trong gần 4 tháng qua, điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 đến nay. Vì vậy, bất cứ một tín hiệu nhỏ nào cho thấy sự bất ổn, ngay lập tức cả thị trường sẽ bị bán tháo. Đây là điều các nhà phân tích kỹ thuật đang cảnh báo, theo sau giai đoạn đi ngang của thị trường luôn là các đợt tăng hoặc giảm rất mạnh.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ảnh hưởng gì đến TTCK?
Ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Hilary Clinton đã giành chiến thắng trong cả 3 vòng tranh luận trước ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump. Kết thúc vòng 3, tỷ lệ ủng hộ cho bà Hilary Clinton lần đầu tiên vượt Donal Trump trên 2 con số. Tuy nhiên, việc cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra 6 ngày sau phiên họp tháng 11 của FED đang tạo nên những ẩn số khó đoán cho cả 2 sự kiện. Nếu muốn ủng hộ cho đảng Dân chủ, FED sẽ không phát ra bất cứ thông điệp nào cho việc tăng lãi suất trong tháng 11 và thậm chí cả tháng 12. Các dữ liệu thống kê cho biết có khả năng 80% ứng cử viên của đảng cầm quyền (tức đảng Dân chủ hiện tại) sẽ giành chiến thắng nếu TTCK đạt được tỷ suất sinh lợi dương từ ngày 31-7 đến 31-10. Ngược lại, nếu tỷ suất sinh lợi âm, thị trường sẽ kỳ vọng ứng cử viên của đảng đối lập (tức đảng Cộng hòa) sẽ giành thắng lợi.
Với dữ liệu chỉ số SP500 bị âm 1,8% trong khoảng thời gian từ 1-8-2016 đến 31-10-2016, TTCK đang tạo nên một kịch bản về khả năng chiến thắng của Donald Trump. Theo CNBC, các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), vốn đã dự báo chính xác 3 cuộc bầu cử gần đây, đang đặt cược vào khả năng thắng lợi của Donald Trump bất kể ông đã thất bại trong cả 3 vòng tranh luận trước bầu cử. Hệ thống AI cho biết kịch bản gần giống như năm 2008. TTCK sụt giảm mạnh trước bầu cử tổng thống, điều sẽ ủng hộ cho ứng cử viên được đánh giá thấp hơn, giống như ông Obama năm 2008 có dự báo khả năng trúng cử chỉ 25%.
Điều này đồng nghĩa sẽ là một kịch bản gây thảm họa cho TTCK, vì việc Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ chẳng khác nào một biến cố Thiên nga đen giống như Brexit vừa diễn ra. Trump được xem là “rủi ro chính sách” với những quan điểm dị thường: Vừa ủng hộ cắt giảm thuế và giảm bớt quy định, nhưng lại chống đối tự do thương mại. Theo Wall Street Journal, các nhà dự báo vĩ mô tiên lượng khả năng SP500 giảm 7% nếu như Trump thắng và sẽ tăng 4% nếu bà Clinton giành chiến thắng”.
Vào phiên giao dịch ngày 28-10-2016, hầu hết các chỉ số CK Hoa Kỳ đều giảm điểm trước việc Cục điều tra Liên bang FBI bất ngờ thông báo họ đang điều tra những vấn đề khả nghi về các email mới liên quan đến ứng cử viên Hilary Clinton. Art Cashin, Giám đốc UBS tại sàn NYSE, nói: “Việc giá dầu sụt giảm mạnh và những vấn đề liên quan đến bà Hilary Clinton khi chỉ còn 11 ngày nữa đến bầu cử khiến thị trường lo lắng. Có điều gì bất thường buộc FBI phải mở lại cuộc điều tra về sự cố email của bà Clinton khi chỉ còn ít ngày nữa đến cuộc bầu cử”.
Rõ ràng, các dữ liệu thị trường đang gây bất lợi cho bà Clinton, nếu FED muốn giữ ổn định thị trường, họ sẽ phải có những bình luận thận trọng trong cuộc họp tháng 11. Liệu FED có phải hoãn tăng lãi suất trong năm 2016? Hay sẽ giữ cam kết tăng lãi suất vào năm nay hoặc tháng 11, hoặc tháng 12? Hoặc FED sẽ bất ngờ đổi ý ủng hộ Donal Trump bằng việc tăng lãi suất ngay tháng 11? Có quá nhiều ẩn số cho cả 2 sự kiện quan trọng diễn ra vào đầu tháng 11 khiến NĐT phải thận trọng.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (31/10/2016)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (31/10/2016)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (31/10/2016)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (31/10/2016)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (31/10/2016)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (31/10/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (31/10/2016)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (31/10/2016)
- Nhịp đập Thị trường 21/11: Giằng co đầu phiên, kịch bản nào sau phiên hồi phục? (31/10/2016)