Chứng khoán Tuần 23-27/04: Tiếp đà lao dốc, VN-Index mất gần 70 điểm
Áp lực bán tháo ở nhóm Large Cap đã kéo các chỉ số thị trường rớt mạnh trong tuần qua. Điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy đã hoạt động trở lại và giúp thị trường đón nhận phiên hồi phục về cuối tuần.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 23-27/04/2018
Giao dịch: Các chỉ số thị trường tiếp tục lao dốc trong tuần qua. Trong khi VN-Index kết thúc tuần giảm 6.21% còn 1,050.26 điểm; thì HNX-Index đóng cửa tuần giảm 7.5% dừng tại 122.64 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn có sự cải thiện. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 174 triệu đơn vị/phiên, tăng 15.16% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 56 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 16.87%.
Đà lao dốc của thị trường tiếp tục nối dài, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 1 năm qua khi mất gần 70 điểm. Mặc dù có phiên hồi phục nhẹ vào cuối tuần và giữ vững mốc 1,050 điểm nhưng với mức sụt giảm hơn 150 điểm đã khiến TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 04/2018.
Lực bán tháo mạnh tiếp tục gây sức ép lớn lên các chỉ số trong tuần qua. Biên độ dao động lớn theo chiều hướng giảm điểm cho thấy mong muốn thoát hàng đạt mức rất cao trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, việc bắt đáy thất bại trong các phiên qua cũng khiến áp lực cắt lỗ T+ gây sức ép lên thị trường.
Nhóm Large Cap và Bluechip VN30 tiếp tục là mục tiêu bán ròng của khối ngoại cũng như các nhà đầu tư trong nước. Sắc đỏ bao trùm lên hầu hết cổ phiếu trong các phiên giảm mạnh của tuần qua. Với việc khối ngoại bán ròng lên tới gần 900 tỷ đồng ở cả hai sàn cho thấy dòng tiền khối ngoại đang tháo chạy khỏi thị trường.
Các nhóm Mid Cap, Small Cap và Micro Cap vẫn bám theo xu hướng chung của thị trường. Mặc dù giảm điểm nhưng áp lực tại nhóm này vẫn không quá lớn do dòng tiền tại đây không có nhiều chuyển biến đáng kể.
Phiên cuối tuần, sự trở lại của dòng tiền bắt đáy đã giúp các chỉ số thị trường ghi nhận sự hồi phục khá tốt khi VN-Index lấy lại mốc 1,050 điểm. Dù vậy so với các phiên bán tháo giữa tuần thì mức hồi phục trên vẫn không quá mạnh. Điểm tích cực là khối ngoại đã mua ròng trở lại trong phiên hồi phục cuối tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng hơn 880 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 825 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 55 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là HHS tăng 14.1%, TCH tăng 7.2%. Trên sàn HNX, SMT tăng 16.25%.
HHS tăng 14.1%. Doanh thu thuần hợp nhất quý 01/2018 của HHS đạt 273 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận gộp lại đạt khoảng 24 tỷ đồng – cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 2,9 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 01/2018 của HHS tăng gấp 3 lần, đạt 38,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HHS còn đăng ký mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ. Tất cả những thông tin tích cực trên giúp giá HHS tăng tốt trong tuần qua bất chấp xu hướng giảm mạnh của thị trường.
TCH tăng 7.2%. Giá cổ phiếu tăng trần trong phiên cuối tuần nhờ việc công bố kết quả lợi nhuận khả quan. Dù doanh thu thuần quý 04/2018 của công ty giảm 32% so với cùng kỳ nhưng TCH lại ghi nhận mức lãi trước thuế khoảng 238 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
SMT tăng 16.25%. Cổ phiếu có tuần giao dịch khá sôi động khi công bố KQKD quý 01/2018. Doanh thu tăng 82.13% đạt hơn 103 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.8 tỷ đồng, tăng 78.6% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đang có kế hoạch phát triển thị trường miền Bắc khi xúc tiến việc thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Các đại diện giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHC giảm 23.65%, HAR giảm 21.43% và GAS giảm 16.79%. Trên sàn HNX, PVS giảm 15.74%.
VHC giảm 23.65%. Cổ phiếu có tới 3 phiên giảm sàn trong tuần qua. Hiện tại giá cổ phiếu đang điều chỉnh về vùng kháng cự mạnh cũ trước đây (55,000-60,000 đồng). Tuy giảm khá mạnh nhưng thanh khoản VHC lại duy trì ở mức cao.
HAR giảm 21.43%. Kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 03/2018, giá cổ phiếu HAR lao dốc không phanh, hiện tại đã giảm hơn 50% trong vòng hơn 2 tháng qua. Cổ phiếu cũng trải qua tuần giao dịch khá tồi tệ khi giảm tới 3 phiên sàn. Hiện tại cổ phiếu chưa có nhiều thông tin mới, thanh khoản của HAR cũng giảm sút đáng kể.
GAS giảm 16.79%. Giá cổ phiếu GAS cũng trải qua 3 phiên giảm sàn nhưng chủ yếu đến từ lực bán của khối ngoại. GAS cũng vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ 2018, trong đó cổ tức tiếp tục duy trì 40% tiền mặt, lợi nhuận quý 01 ước đạt 40% kế hoạch năm. Trong năm 2017, GAS thực hiện được 65,957 tỷ đồng tổng doanh thu, vượt 28% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 9,937 tỷ đồng, vượt tới 89% kế hoạch đề ra. Tuy vậy, việc PVN thoái vốn tại GAS nhiều khả năng không thể thực hiện trong năm 2018.
PVS tăng giảm 15.74%. Tương tự như GAS, cổ phiếu giảm mạnh trong tuần qua chủ yếu đến từ lực bán của khối ngoại. Do việc hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nên hiện nay chưa có nhiều thông tin mới. Nhìn chung, trong năm 2017, doanh thu và LNST giảm lần lượt 10% và 21% so với cùng kỳ. Tuy vậy nhiều khả năng thông tin trên đã được phản ánh vào giá và đà giảm mạnh của PVS trong tuần qua đến từ sự cộng hưởng với diễn biến chung của thị trường.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (27/04/2018)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (27/04/2018)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (27/04/2018)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (27/04/2018)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (27/04/2018)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (27/04/2018)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (27/04/2018)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (27/04/2018)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (27/04/2018)