Từ công ty niêm yết...
Ngoài những yếu tố về chất lượng hàng hóa trên sàn, tính thanh khoản, hệ thống công nghệ, trình độ quản lý..., có thể nói tính minh bạch là "linh hồn" của thị trường, và trong suốt 17 năm qua, yếu tố này luôn làm vướng bận tâm trí nhà đầu tư.
Chuyện về Công ty CP Dược Viễn Đông (HOSE: DVD) chắc hẳn vẫn còn nằm trong trí nhớ của các nhà đầu tư giai đoạn 2010 - 2011. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD là ông Lê Văn Dũng đã bị bắt vì liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán. DVD là nơi hội tụ khá đầy đủ các vụ việc tiêu cực nhất của TTCK Việt Nam trong giai đoạn đó, như làm giá cổ phiếu, lập báo cáo tài chính gian dối, lừa đảo nhà đầu tư.
Cùng thời điểm với DVD, cổ phiếu của Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (HNX: AAA) tăng gấp đôi trong thời gian ngắn, từ 45.000đ lên đến hơn 90.000 đồng/cổ phiếu kèm với nhiều thông tin tốt như dự báo lợi nhuận tăng mạnh, đối tác nước ngoài sẵn sàng đàm phán mua giá cao.
Nhưng sau đó, cổ phiếu này lao dốc không phanh, lúc đó trên TTCK đồn đoán nhiều cổ đông lớn của AAA đã sử dụng số cổ phiếu này để làm tài sản bảo đảm cho các hợp đồng margin tỷ lệ cao, sử dụng hợp đồng margin giao dịch mua ký quỹ chứng khoán đẩy giá lên rồi mua lại chính cổ phiếu AAA ở vùng giá cao, sau đó bắt buộc phải bán ra để trả nợ bảo lãnh, làm giá cổ phiếu rớt thảm hại.
Những cổ phiếu tăng giá gấp hai, ba, thậm chí nhiều lần trong thời gian ngắn thấp thoáng đằng sau có bàn tay "đội lái" luôn hấp dẫn những nhà đầu cơ lướt sóng ngắn hạn. Lòng tham lấn át lý trí, tâm lý mong muốn kiếm tiền nhanh trên thị trường của những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tiếp tay cho "đội lái" đẩy giá cổ phiếu tăng liên tục.
Chính lòng tham đó cũng khiến nhiều nhà đầu tư nếm trái đắng khi "đội lái" xả hàng, hàng triệu cổ phiếu bán giá sàn mà không thể khớp. Bi kịch diễn ra khi dùng đòn bẩy, vay ký quỹ để mua cổ phiếu, đến khi cổ phiếu giảm sàn liên tục, đến ngưỡng phải bán giải chấp hoặc đau đớn hơn là "cháy" tài khoản.
Thời gian gần đây, có nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, thị giá ở mức cao, sau đó bị bán mạnh như Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC), Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC), Công ty CP Tài nguyên (HOSE: TNT), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (HNX: BII)...
Điểm chung của các cổ phiếu này là đều không minh bạch về thông tin, công bố thông tin sai sự thật, đến khi bị phát hiện và thông tin xấu bị công bố ra thị trường thì giá cổ phiếu đồng loạt giảm, khiến cho nhà đầu tư trở tay không kịp.
Vụ việc gây chấn động TTCK Việt Nam trong năm qua là việc Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đột ngột báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II - 2016. Theo báo cáo được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, khoản mục "hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” của TTF lên tới 980 tỷ đồng, điều này có nghĩa gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho của TTF bỗng chốc "bay hơi".
Việc hàng tồn kho biến mất đã khiến chi phí giá vốn hàng bán tăng vọt lên 1.167 tỷ đồng trong quý II - 2016, kéo theo khoản lỗ khổng lồ của TTF. Hiện nay, TTF đang giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt do Báo cáo tài chính quý II - 2016 của Công ty ghi nhận khoản lỗ lớn và có nội dung điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty.
Rủi ro đến với cổ đông của TTF khi HOSE cảnh báo cổ phiếu TTF có thể bị hủy niêm yết bắt buộc. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá cổ phiếu TTF rơi từ vùng đỉnh 43.700 đồng/cổ phiếu xuống 8.900 đồng/cổ phiếu, và đến thời điểm cuối tháng 11/2016, TTF giao dịch quanh 4.000đ/cổ phiếu, nhiều cổ đông của TTF trở nên trắng tay sau sự kiện trên.
Tình trạng sai lệch thông tin về việc sử dụng vốn sau khi huy động đã xuất hiện ở Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật. Trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ: Công ty đã sử dụng khoản vốn chào bán cổ phiếu ra công chúng hồi tháng 1/2015 sai với kế hoạch sử dụng vốn sửa đổi đã được đại hội cổ đông thông qua.
Cụ thể, Công ty đã dùng khoản vốn này để chi trả cho một số hoạt động không nằm trong kế hoạch, như dùng 103,9 tỷ đồng nộp thuế các loại, 500 triệu đồng góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết. Công ty cũng chưa lập hồ sơ chi tiết về việc sử dụng khoản vốn này. Giá cổ phiếu JVC giảm mạnh sau khi thông tin trên được công bố.
Việc Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (UPCoM: MTM) bị dừng giao dịch chỉ sau 2 tháng lên sàn trong năm nay không xa lạ với giới đầu tư chứng khoán. Sự việc này khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu MTM rơi vào tình trạng "chôn tiền".
Thông tin mà MTM công bố vẫn là một dấu hỏi khi trụ sở chính của MTM là một quán phở bò, số điện thoại liên hệ với Công ty luôn trong tình trạng không liên lạc được và mã số thuế MTM đã ngừng hoạt động từ ngày 6/5/2016. Ngày 19/9/2016, Cơ quan An ninh điều tra (A92) thuộc Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Hữu Tiệp - Chủ tịch HĐQT MTM.
Tựu trung, những sai phạm trên chủ yếu xuất phát từ phía doanh nghiệp (DN), và chính điều đó đã làm giảm chất lượng hàng hóa trên thị trường, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm mất niềm tin của đại đa số nhà đầu tư trên thị trường. Tính minh bạch của các DN một lần nữa cần được đánh giá lại, qua đó có những biện pháp chế tài nghiêm khắc nhằm góp phần hạn chế những sai phạm mang tính hệ thống này.
...Đến công ty chứng khoán
Tình trạng công ty chứng khoán đột ngột dừng cấp margin cho một mã cổ phiếu, hoặc mã cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ bị cắt margin dẫn đến tình trạng "cháy tài khoản" của nhà đầu tư cũng thường xuyên xảy ra, nhất là khi cổ phiếu của DN đó dính tin đồn lãnh đạo bị bắt, truy cứu trách nhiệm, hay bị "lỗ khủng". Khi những tin xấu dồn dập xuất hiện, tình trạng dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu khiến cổ phiếu bị mất thanh khoản, nhà đầu tư không thể bán cổ phiếu, vì vậy sẽ dẫn đến thua lỗ nặng.
Trường hợp cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư là một ví dụ. Từ mức giá 23.000đ/cổ phiếu, cổ phiếu BII đã giảm về còn 2.500đ/cổ phiếu trong vòng 3 tháng. Trước tình trạng đó, Ban lãnh đạo BII đã đưa ra giải trình.
Theo bản công bố thông tin của BII trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty đã tìm hiểu và được biết, các nhà đầu tư đã sử dụng margin cao để đầu tư cổ phiếu BII, khi thị trường có những thông tin không được tốt về nhóm ngành khoáng sản, các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư sử dụng dịch vụ margin đầu tư cổ phiếu BII ngừng cung cấp margin hoặc đưa margin về tỷ lệ thấp đột ngột.
Nhiều nhà đầu tư chưa thể hạ thấp tỷ lệ margin, trong ngắn hạn, trong khi các công ty chứng khoán đã đặt lệnh bán, do đó cổ phiếu BII bị giảm sàn liên tục rất nhiều phiên. Theo BII, cổ phiếu của Công ty bị giảm sàn không phải vì sản xuất, kinh doanh lỗ, mà do sự biến động nhất thời của thị trường, khi các công ty chứng khoán đồng loạt cắt giảm margin và bán mạnh cổ phiếu.
Tình trạng trên xảy ra với nhiều DN niêm yết trên sàn trong thời gian gần đây, gây hiệu ứng tâm lý dây chuyền. Do đó, các công ty chứng khoán cần đặt câu hỏi liệu rằng các DN được cấp margin có thực sự "khỏe" và định giá đã hợp lý để cho vay ký quỹ hay chưa? Điều đó rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ đồng vốn đầu tư cho khách hàng.
Để thị trường phát triển và lớn mạnh, cần phải nâng cao tính minh bạch. Thị trường càng minh bạch thì càng chất lượng và hấp dẫn. Đây có thể xem là một "biến thể” của chuyện con gà hay quả trứng có trước. Một khi tính minh bạch của thị trường được nâng cao và khẳng định, những điểm yếu kể trên sẽ dần bị loại trừ, thay vào đó là sự cải thiện của thanh khoản, chất lượng hàng hóa, tính chuyên nghiệp của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.
Trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để nâng cao tính minh bạch của thị trường. Nhưng rõ ràng cần làm nhiều hơn nữa.
Để cạnh tranh trước tiên là với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia, và xa hơn là châu Âu, châu Mỹ trong việc thu hút vốn đầu tư, cần phải nhìn nhận thẳng thắn về những điểm yếu còn tồn tại - nằm ở tính minh bạch, và cần có chiến lược với những chính sách, khung pháp lý cụ thể để TTCK Việt Nam tuân theo các chuẩn mực quốc tế.
Doanh nhân Sài Gòn
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (04/02/2017)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (04/02/2017)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (04/02/2017)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (04/02/2017)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (04/02/2017)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (04/02/2017)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (04/02/2017)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (04/02/2017)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (04/02/2017)