Từ Hancorp, Vissan
Ngày hôm nay (21/10/2016), gần 81 triệu cổ phiếu Vissan chính thức được giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu là 67.000 đồng/cp.
Vissan là một thương hiệu nổi tiếng trong ngành thực phẩm với lịch sử hoạt động hơn 40 năm, hệ thống phân phối rộng lớn và thị phần chiếm ưu thế. Theo bản cáo bạch mới công bố, đối với thực phẩm chế biến khô, Vissan giữ 65% thị phần xúc xích tiệt trùng trong nước, 70% với sản phẩm lạp xưởng và 20% đồ hộp. Với thực phẩm chế biến mát – đông lạnh, Vissan giữ 40% thị phần đối với hàng đông lạnh, 10% thịt nguội và 30% các sản phẩm giò.
Đây cũng là doanh nghiệp được các “ông lớn” ngành thực phẩm tranh giành quyết liệt trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược trong quý 1 năm nay. Phiên IPO ngày 7/3 đã đầy gay cấn khi mức giá đấu thành công bình quân lên tới 80.000 đồng/cp. Còn sau đó, với mức giá 126.000 đồng/cp mà Anco đưa ra, công ty này trở thành NĐT chiến lược của Vissan.
Tất cả các mức giá này đều cao hơn nhiều so với giá tham chiếu 67.000 đồng nói trên.
Hôm qua (20/10), thị trường cũng đón nhận hơn 141 triệu cổ phiếu của một tân binh trên Upcom là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, mã: HAN) với giá tham chiếu 12.500 đồng. Là một Tổng công lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thi công xây lắp và đầu tư bất động sản nhưng với việc Bộ Xây dựng nắm tới 98,83% và báo cáo tài chính bị công ty kiểm toán ngoại trừ nhiều chi tiết liên quan đến công nợ, thì trong phiên giao dịch đầu tiên, thanh khoản của HAN bằng 0 và giá đóng cửa đứng tại tham chiếu.
Đến Sabeco, Novaland và Vietjet
HAN có thể chưa hấp dẫn nhà đầu tư nhưng theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, còn nhiều doanh nghiệp “khủng” sẽ lên sàn và làm náo động thị trường chứng khoán. Đó là Sabeco, Novaland, Vietjet.
Đầu năm 2008, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco đã chào bán hơn 128 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhưng chỉ có gần 78,4 triệu cổ phiếu được chào bán thành công với mức giá xấp xỉ 70.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến hiện tại, Bộ Công thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất, nắm 89,59% vốn điều lệ của Sabeco.
Dù vậy, với vị thế là một ông lớn trong một ngành kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ như bia, Sabeco rất được nhà đầu tư chào đón. Sau khi Bộ Công Thương có văn bản chính thức cho phép Sabeco niêm yết cổ phiếu trên HOSE, giá cổ phiếu này đã tăng vùn vụt trên sàn OTC và hiện đang được mua bán với giá từ 115.000 đồng/cp – 125.000 đồng/cp.
Ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco tiết lộ, Sabeco có thể niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới đây. Với mức giá 115.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá của Sabeco ước đạt gần 74.000 tỷ đồng. Như thế, ngoài việc những người muốn sở hữu Sabeco phải có tiềm lực tài chính không nhỏ, thì Sabeco chắc chắn lọt vào top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE và ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index.
Không chỉ Sabeco, một ông lớn trong ngành bất động sản là CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Novaland vừa bất ngờ công bố về kế hoạch niêm yết cổ phần, và thời gian cũng rất gần, dự kiến vào tháng 12/2016 dù công ty không tiến hành IPO. Theo công bố, trước khi niêm yết, Novaland sẽ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tài chính có uy tín và tiềm lực. Sau niêm yết, dự kiến tỷ lệ tự do chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp khoảng 20-25%.
Là một doanh nghiệp lớn trong phân khúc trung và cao cấp của ngành địa ốc, Novaland vẫn luôn là cái tên có phần bí ẩn. Vì vậy, với thông tin niêm yết, các con số tài chính của Novaland đang rất được nhà đầu tư quan tâm và đánh giá là một cơ hội đầu tư đáng để chờ đợi và săn đón.
Ông Phan Lê Hòa – Giám đốc thị trường vốn và quan hệ đầu tư Novaland cho biết vốn điều lệ của Tập đoàn hiện vào khoảng 5.520 tỷ đồng. Trước khi niêm yết, công ty dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức khoảng 6.000 tỷ đồng. Hiện những người sáng lập đang nắm giữ trên 51% cổ phần tại Novaland và dự kiến sau niêm yết, tỷ lệ nắm giữ của họ cũng sẽ không thấp hơn 51%.
Ông Hoà cũng cho biết thêm rằng Novaland đang được định giá vào từ 1,2 tỷ đến 1,4 tỷ USD.
Về phía Vietjet, công ty đã hoãn kế hoạch IPO ở Singapore hoặc Hồng Kông bởi những vấn đề liên quan tới thủ tục pháp lý và quyết định sẽ IPO tại thị trường Việt Nam trước, có thể là trong năm nay. Sau khi niêm yết tại Việt Nam mới xem xét khả năng niêm yết ra nước ngoài tuỳ vào diễn biến của thị trường.
Mặc dù hãng hàng không bikini chưa công bố một kế hoạch cụ thể cho việc IPO và lên sàn, nhưng độ nóng của thương hiệu này thừa sức để khiến cho nhà đầu tư phải chờ đợi.
Theo Trí thức trẻ
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 13/11: Thị trường diễn biến phân hóa (21/10/2016)
- Phong vũ biểu thị trường Tháng 11/2024: Công nghiệp và tiêu dùng thiết yếu có nhiều triển vọng (Kỳ 2) (21/10/2016)
- Nhịp đập Thị trường 13/11: Thận trọng đầu phiên (21/10/2016)
- Thị trường chứng quyền 13/11/2024: Đỏ lửa cùng thị trường cơ sở (21/10/2016)
- Chứng khoán phái sinh ngày 13/11/2024: Các tín hiệu trái chiều xuất hiện (21/10/2016)
- Vietstock Daily 13/11/2024: Rủi ro giảm điểm gia tăng (21/10/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 12/11: Thanh khoản sụt giảm đáng kể (21/10/2016)
- PLX - Đang ở mức định giá hợp lý cho nhà đầu tư dài hạn (21/10/2016)
- Ngày 12/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (21/10/2016)