Rốt ráo siết nợ, đấu giá
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank mới đây đã thông tin về việc thu giữ tài sản đảm bảo tại dự án Tokyo Tower (tên cũ là Landmark 51 hoặc Vinafor), địa chỉ tại đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Toàn bộ tài sản bị thu giữ gồm quyền phải thu từ các hợp đồng bán căn hộ/sàn trung tâm thương mại đã ký bán/cho thuê; các căn hộ chưa bán/cho thuê và sàn trung tâm thương mại chưa bán/cho thuê.
Đồng thời, PVcomBank còn thu giữ toàn bộ tài sản là quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (chủ đầu tư).
Ảnh: ĐTCK.
Tokyo Tower là dự án tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho TTTM, dịch vụ. Đây là tòa nhà cao thứ ba tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center Kim Mã (65 tầng). Tổng số căn hộ thuộc dự án là 688. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào tháng 12/2017. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.
BIDV cũng thu giữ hàng loạt tài sản liên quan khoản vay của CTCP Sông Hồng Thăng Long. Tên tài sản gồm trụ sở công ty, các công trình phụ trợ và nhà giới thiệu sản phẩm tại Việt Trì - Phú Thọ.
Việc siết nợ của PVcomBank, BIDV là một trong những cách ngân hàng xử lý nợ xấu dịp cuối năm. Sau khi siết nợ, nhiều ngân hàng còn đồng loạt rao bán nhiều tài sản bất động sản.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán hàng loạt tài sản bất động sản của CTCP Thương mại Toàn Lực với số tiền nợ gốc, lãi và phí hơn 240 tỷ đồng. Các tài sản rao bán gồm nhiều miếng đất tại TP HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp và các cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) rao bán bất động sản tại số 61 và 63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 với tổng diện tích lên đến 817m2, giá khởi điểm hơn 689 tỷ đồng; khu đất rộng 6.382m2 tại quận Bình Thạnh hơn 447 tỷ đồng.
Hồi tháng 9, Sacombank cũng rao bán hơn 11 bất động sản tại TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu với giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Trong 11 tài sản đấu giá, dự án Khu công nghiệp Phong Phú có giá khởi điểm hơn 7.600 tỷ đồng. Đây là một dự án từng thuộc sở hữu của BCCI - doanh nghiệp bất động sản mà ông Trầm Bê từng là Phó Chủ tịch nhiều năm.
Không dễ bán
Khoản nợ xấu của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và nhóm 95 khách hàng được đem ra đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Giá trị khoản đấu giá sau 7 lần đã giảm 439 tỷ đồng, tương đương 36% so với giá khởi điểm, xuống còn 761,4 tỷ đồng.
Đây là khoản nợ thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng dư nợ tại ngày 30/6 là 2.378 tỷ đồng, được đảm bảo bằng trụ sở của Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại khu đất có diện tích 275m2 nằm trên đường Bùi Thị Xuân quận 1. Ngoài ra, tài sản còn 2 khu đất tại huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu Thuận Thảo.
Không chỉ khoản nợ xấu của Thuận Thảo Sài Gòn khó bán, VAMC rao bán dự án Saigon One Tower, quận 1, TP HCM với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng bất thành. Sau đó, VAMC phải hoãn thời điểm đấu giá hồi cuối năm, đến nay chưa có ngày đấu giá trở lại. 2 ngân hàng Maritime Bank và DongA Bank là chủ nợ, tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi (21/8/2017) trên 7.000 tỷ đồng.
Dự án Saigon One Tower bị hoãn đấu giá. Ảnh: Thu Thảo.
Việc các ngân hàng và VAMC rốt ráo xử lý nợ xấu là động thái thực hiện theo Nghị quyết 42 , đảm bảo xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho biết trong 10 tháng, nợ xấu trên toàn hệ thống đã giảm từ 3,82% xuống còn 2,9%. Trừ đi nợ xấu 3 ngân hàng 0 đồng, nợ xấu có thể chỉ còn 1,5%. Ông Minh cho biết NHNN sẽ kiểm soát tốt nợ xấu, kiềm chế ở mức tối đa 2,9% vào cuối năm hoặc có thể thấp hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi và đấu giá, xử lý nợ xấu cũng không hề dễ dàng khi có nhiều tài sản mà thị trường khó hấp thụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc bán nợ, xử lý nợ là cần thiết, khi Ngân hàng Nhà nước đang liên tục có biện pháp xử lý hiệu quả nợ và kiềm chế nợ, trong lộ trình đưa ngân hàng chuẩn Basel II đến năm 2020. Tuy nhiên nhiều tài sản trong quá trình cho vay được định giá quá cao, rao bán ở mức không tưởng, xa rời giá trị thực khiến tâm lý e ngại.
- Mặt bằng bán lẻ "ế ẩm” lâu ngày, Giám đốc Savills lý giải nguyên nhân (30/12/2018)
- Động thái “lạ” của nhà đầu tư có tiền (30/12/2018)
- Hai phó tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình (HBC) xin từ nhiệm, trong đó có 1 vị cũng từng đứng về phía đối lập ông Lê Viết Hải (30/12/2018)
- Một doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội và phát triển 20 khu công nghiệp (30/12/2018)
- Hải Dương tăng giá đất ở, nhiều nơi từ 76 triệu đồng/m2 tăng lên ngưỡng hơn 212 triệu đồng/m2 (30/12/2018)
- Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM (30/12/2018)
- Thị trường bất động sản và loạt thách thức hiện hữu (30/12/2018)
- Sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, nhà đầu tư địa ốc phải “trả giá”, chuyên gia bày chiến lược vay bao nhiêu để đầu tư lúc này? (30/12/2018)
- Phân khúc bất động sản nào sẽ “hút” dòng tiền mạnh nhất trong thời gian tới? (30/12/2018)