TTCK Việt Nam vừa trải qua tháng “cô hồn” khá êm đềm khi cả 2 chỉ số chứng khoán đều tăng điểm tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn tháng 7 âm lịch (từ 3/8 – 31/8), chỉ số VnIndex tăng 6,07% lên 674,63 điểm; Hnx-Index cũng tăng 3,22% lên 84,38 điểm.
Mặc dù thị trường chung ghi nhận những tín hiệu khả quan nhưng không ít cổ phiếu đã “gặp nạn” trong tháng 7 âm lịch và giảm rất mạnh, thậm chí “bay hơi” hơn một nửa giá trị.
TNT – CTCP Tài Nguyên (Giảm 62,5%)
Với 14 phiên liên tiếp giảm sàn, TNT đã “bay hơi” 62,5% giá trị trong tháng “cô hồn” và là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên 2 sàn niêm yết. Đóng cửa phiên giao dịch 31/8, thị giá TNT đạt 11.300đ, vốn hóa thị trường doanh nghiệp tương ứng 288,15 tỷ đồng.
Không có nhiều thông tin lý giải cho đà “lao dốc” của TNT. Ngay trước khi xảy ra đợt điều chỉnh mạnh này khoảng 2 tuần, một cá nhân đã bị phạt hơn 1 tỷ đồng vì sử dụng 26 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu TNT.
Những ngày gần đây, một số cá nhân, bao gồm cả Thành viên HĐQT, TGĐ, Phó TGĐ TNT đã liên tục mua vào lượng lớn cổ phiếu TNT khi cổ phiếu giảm sàn.
Theo báo cáo KQKD bán niên năm 2016, TNT đạt 2,19 tỷ đồng LNST, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
TNT giảm sàn 14 phiên liên tiếp
DRH – Dream House (Giảm 60,6%)
DRH cũng là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong tháng vừa qua. Trong 21 phiên giao dịch của tháng “cô hồn” thì DRH giảm sàn tới 15 phiên và điều này khiến thị giá cổ phiếu từ mức trên 50.000đ chỉ còn dưới 20.000đ.
Việc DRH giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua do nhà đầu tư lo ngại những biến cố tại Gỗ Trường Thành (TTF) sẽ ảnh hưởng tới hoạt động DRH. Mặc dù công ty đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư nhưng cổ phiếu vẫn không ngừng lao dốc.
Mới đây, Bà Võ Diệp Cẩm Vân, con gái ông Võ Trường Thành, cựu Chủ tịch HĐQT của Gỗ Trường Thành cũng đã từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của DRH.
Trong quý 2 vừa qua, DRH đạt 12,12 tỷ đồng LNST, tăng mạnh so với mức gần 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, lợi nhuận DRH có được chủ yếu đến từ việc thanh lý tài sản với giá trị ghi nhận là 17,6 tỷ đồng.
DRH giảm một mạch từ trên 50.000đ xuống dưới 20.000đ sau biến cố tại TTF
HKB – Hakinvest (Giảm 39,3%)
Trong tháng vừa qua, cổ phiếu HKB đã giảm 39,3% từ mức 14.500đ xuống còn 8.800đ và là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất trên toàn thị trường. Trước khi có đợt sụt giảm này, HKB đã có nhịp tăng vọt từ 18.600đ lên 32.900đ chỉ trong nửa đầu tháng 7.
Những ngày gần đây, trong khi cổ phiếu HKB giảm mạnh nhưng vợ chồng thành viên HĐQT Trần Minh Tuấn lại đăng ký bán ra khoảng 9 triệu cổ phiếu HKB. Trước đó, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát cũng bán ra 2,34 triệu cổ phiếu HKB trong tháng 5 và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Trong quý 2, doanh thu HKB tăng mạnh 251% lên 207 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận doanh nghiệp thu về chưa đến 600 triệu đồng.
Lãnh đạo HKB liên tục đăng ký bán ra trong giai đoạn gần đây
PNC – Văn hóa Phương Nam (Giảm 38,4%)
Tính tới hết phiên giao dịch 31/8, thị giá PNC chỉ còn 9.800đ, tương ứng mức giảm 38,4% trong tháng “cô hồn”.
Khó có thể giải thích cho đà giảm giá của PNC, tuy nhiên có một số thông tin đáng chú ý là việc CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh mới đây đã mua vào 3,5 triệu cổ phiếu PNC.
Trường Phát là doanh nghiệp do ông Nguyễn Tuấn Quỳnh làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng là Phó Chủ tịch của PNC. Trong khi đó, CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh do ông Phạm Uyên Nguyên làm Chủ tịch. Ông Phạm Uyên Nguyên cũng là thành viên HĐQT của PNC hiện sở hữu trên 1,13 triệu cổ phiếu này (tỷ lệ 10,52%).
PNC mới được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát đặc biệt sau một tháng bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm công bố thông tin. Không những thế, cổ phiếu PNC thường có khối lượng giao dịch mỗi phiên rất ít. Hiện tại, PNC đang nắm 20% cổ phần tại Công ty TNHH CJ CGV (Megastar).
PNC giảm mạnh trong giai đoạn Trường Phát, Thành Vinh mua cổ phiếu
ATA – NTACO (Giảm 33,3%)
Đà giảm của ATA thực ra đã bắt đầu từ cuối tháng 5 sau khi cổ phiếu đạt đỉnh tại mức giá 7.100đ. Tuy vậy, nếu chỉ tính riêng trong tháng 7 âm lịch thì cổ phiếu này chỉ giảm 33,3% và hiện dừng tại mức giá 1.800đ.
Mới đây, ATA đã tạo ra một cú sốc lớn cho nhà đầu tư khi dự thảo BCTC kiểm toán năm 2015 của doanh nghiệp này được công bố với khoản lỗ 426 tỷ đồng dù rằng báo cáo tự lập trước đó công ty báo lãi hơn 30 tỷ đồng.
Nguyên nhân khoản lỗ bất thường này do số dư hàng tồn kho 365 tỷ đồng trong năm 2015 của công ty đã “bay hơi” hoàn toàn. Bên cạnh đó, công ty cũng trích lập dự phòng công nợ gần 100 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, lỗ lũy kế của ATA đã lên tới 420,87 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 30/6/2016 là 421,29 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ công ty (gần 120 tỷ đồng). Nếu không có gì thay đổi ở báo cáo kiểm toán chính thức, ATA sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
ATA lao dốc sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5
TTF – Gỗ Trường Thành (Giảm 33%)
Từ một cổ phiếu “hot” trên thị trường với mức giá trên 40.000đ, TTF rơi một mạch xuống dưới 10.000đ chỉ trong hơn 1 tháng. Những ngày gần đây, TTF đã tăng trần liên tiếp 8 phiên, qua đó giúp giá cổ phiếu leo lên mốc 13.400đ (ngày 31/8). Tuy vậy, nếu tính riêng trong tháng “cô hồn” thì cổ phiếu này vẫn giảm tới 33%.
Việc TTF giảm mạnh có nguyên nhân từ việc công ty báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 nửa đầu năm 2016. Báo cáo soát xét do công ty kiểm toán E&Y đưa ra cho thấy tình hình tài chính của Gỗ Trường Thành rất tệ hại, hơn 1000 tỷ hàng tồn kho “bốc hơi”, 520 tỷ doanh thu không xác định được là có thật hay không, và bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng Vingroup sẽ không thực hiện chuyển đổi ra cổ phần của khoản trái phiếu chuyển đổi 1.200 tỷ đã cung cấp cho Gỗ Trường Thành. Hiện tại, vụ việc Gỗ Trường Thành đang được chuyển sang cơ quan điều tra xem xét.
Ông Võ Trường Thành – người sáng lập ra công ty đã từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành và ông Thành cũng đã bị bán giải chấp gần 7 triệu cổ phiếu TTF ở vùng giá đáy.
Quá nhiều biến cố đến với TTF trong thời gian gần đây
Theo Trí thức trẻ
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (01/09/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (01/09/2016)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (01/09/2016)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (01/09/2016)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (01/09/2016)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (01/09/2016)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (01/09/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (01/09/2016)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (01/09/2016)