Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tháng 11 giao dịch với sự bùng nổ ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VNM, SAB, VIC... và điều này giúp cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index bứt phá mạnh. Cụ thể, VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 ở 960,33 điểm, tăng 112,65 điểm (13,45%) so với tháng trước, còn HNX-Index tăng 9,56 điểm (9,09%) lên 115,49 điểm.
Sự bùng nổ của thị trường trong tháng 11 có sự đóng góp rất lớn từ giao dịch của khối ngoại. Khối ngoại có lẽ đã ghi nhận một tháng giao dịch mạnh nhất từ trước đến nay. Cụ thể, khối ngoại mua vào hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị 55.229 tỷ đồng, trong khi bán ra 714,8 triệu cổ phiếu, trị giá 44.460 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 285,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt 10.769 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại giao dịch đột biến tại sàn HOSE với việc mua ròng lên đến 10.410 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 268 triệu cổ phiếu.
Góp phần giúp giao dịch của khối ngoại đạt mức kỷ lục đến từ ba cổ phiếu VRE, VNM và DIG. Đáng kể nhất chúng ta phải kể đến VRE, cổ phiếu này trong tháng 11 đã được mua ròng trên 5.237,4 tỷ đồng (129 triệ cổ phiếu). Đáng chú ý, hầu hết giao dịch của khối ngoại đối với VRE đều được thực hiện trong phiên 7/11.
VRE đã có giao dịch thỏa thuận kỷ lục và khối ngoại phiên hôm đó mua ròng lên đến 136,3 triệu cổ phiếu này, tương ứng giá trị đạt 5.527,9 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý nữa trong giao dịch của VRE phiên hôm đó là khối ngoại thực hiện mua vào đến 396,6 triệu cổ phiếu (16.102 tỷ đồng) và bán ra 260,4 triệu cổ phiếu (10.574 tỷ đồng) và đều thông qua phương thức thỏa thuận.
Không chỉ VRE, VNM cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên bởi những giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn. Tâm điểm giao dịch của cổ phiếu VNM chính là phiên 10/11/2017, cổ phiếu này được khối ngoại bỏ hơn 1.098 tỷ đồng để mua ròng và hoàn toàn thông qua phương thức thỏa thuận (6,45 triệu cổ phiếu). Trong tháng 11, buổi đấu giá hơn 48,3 triệu cổ phần VNM do SCIC nắm giữ đã diễn ra. Kết quả, một nhà đầu tư trúng giá duy nhất và mua toàn bộ số lượng cổ phần VNM chào bán lần này của SCIC với giá trúng bình quân là 186.000 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 24% và cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 7%. Như vậy nhà đầu tư này sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của VNM (tương ứng 48,3 triệu cổ phiếu).
Tính chung cả tháng 11, VNM được khối ngoại mua ròng hơn 2.667 tỷ đồng.
Tiếp đến, DIG cũng là một điểm nhấn quan trọng trong giao dịch của khối ngoại. Cổ phiếu này đã được mua ròng hơn 1.014,7 tỷ đồng (52,3 triệu cổ phiếu). Giao dịch của khối ngoại đối với DIG hầu hết chỉ tập trung vào phiên 28/11. Trong phiên đó, cổ phiếu này bất ngờ giao dịch rất mạnh với hơn 128 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng tỷ lệ 53,92% vốn, trong đó khối ngoại mua vào hơn 56,4 triệu cổ phiếu (1.086 tỷ đồng). Đáng chú ý, toàn bộ giao dịch này đều được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh. Giao dịch của DIG diễn ra trong khoảng thời gian Bộ Xây dựng thoái toàn bộ 118,26 triệu cổ phiếu, tương đương 49,65% tại công ty này.
Còn ở chiều ngược lại, MSN dẫn đầu danh sách bán ròng với trên 632,5 tỷ đồng. VIC và CII cũng bị bán ròng rất mạnh, đạt lần lượt 545,6 tỷ đồng và 456 tỷ đồng.
Còn tại sàn HNX, khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 359 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 17,7 triệu cổ phiếu.
Tương tự sàn HOSE, khối ngoại tại HNX cũng tạo nên bất ngờ khi mua ròng trên 295 tỷ đồng cổ phiếu VPI. Hầu hết giao dịch của VPI được khối ngoại thực hiện trong phiên 29/11 và thông qua phương thức thỏa thuận.
Tiếp sau đó, VCG và SHB được mua ròng lần lượt 68,3 tỷ đồng và 45,8 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, VGC bị bán ròng mạnh nhất với trên 52,5 tỷ đồng. NTP và DHT bị bán ròng 25 tỷ đồng và 15,8 tỷ đồng.
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (01/12/2017)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (01/12/2017)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (01/12/2017)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (01/12/2017)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (01/12/2017)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (01/12/2017)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (01/12/2017)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (01/12/2017)
- Nhịp đập Thị trường 21/11: Giằng co đầu phiên, kịch bản nào sau phiên hồi phục? (01/12/2017)