8h tối, anh K, một môi giới chứng khoán đến nhà khách hàng để ký hợp đồng mở tài khoản. Những ngày này, số lượng khách hàng mở tài khoản mới và active tài khoản cũ tăng đột biến. Sức nóng của thị trường chứng khoán đã len lỏi trong câu chuyện của dân văn phòng cho đến quán trà đá không kém bitcoin. Vn-Index năm qua tăng 48% trong khi tiền gửi tiết kiệm cao nhất chỉ được 8,5% đã khiến dòng tiền nhàn rỗi thực sự bị kích hoạt. Rút 1 tỷ đồng tiết kiệm từ ngân hàng chuyển sang tài khoản chứng khoán, khách hàng của anh K cho rằng không cần thiết phải “đua trần”, mua lấy được bất kỳ cổ phiếu nào mà hãy chọn cổ phiếu có cơ bản tốt, lãnh đạo minh bạch để giải ngân, mức lợi nhuận kỳ vọng của anh chỉ cần 20%/năm là được!
Nhìn số lượng khách hàng nộp tiền mới vào thị trường, mức trung bình tại công ty chứng khoán nơi anh K đang làm việc khoảng 100 – 200 tỷ mỗi ngày. Đó chưa phải là mức cao nhất. Tại các công ty chứng khoán trong top đầu, số tiền nộp ròng vào còn nhiều hơn. Con số này có thể được nhìn thấy ngay trên bảng điện tử giao dịch hàng ngày với số tiền được chuyển nhượng qua 3 sàn Hose, HNX và Upcom lên tới 12.500 tỷ trong phiên giao dịch cuối tuần. Kể từ đầu năm, giá trị giao dịch cũng xấp xỉ 10.000 tỷ mỗi phiên, gấp đôi giá trị giao dịch của năm 2016.
Vai trò của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đã rõ ràng hơn rất nhiều. Các cổ phiếu được kéo giá trần, bất chấp lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường rất lớn. Ba năm rồi cổ đông Hòa Phát mới nhìn thấy sắc tím tại cổ phiếu HPG, nhóm cổ phiếu ngân hàng như SHB, HDBank tím lịm, thậm chí HDBank còn trắng bảng bên bán, PLX đã chạm mốc 9x, SSI, VJC tăng 4-5%/phiên, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, PVD, PVS tăng gấp đôi chỉ trong 2 tháng.
Vn-Index đã tìm lại mốc 1.000 điểm sau 11 năm, nhưng thời điểm hiện tại đã khác xưa cả về chất và lượng. Không còn cảnh tranh mua trên tất cả các mã, tất cả các ngành, thị trường có xanh, đỏ, cổ phiếu tăng giảm và điều chỉnh cho thấy dòng tiền đã bền vững hơn rất nhiều. Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, hàng không đang chiếm ưu thế hơn các ngành khác.
Không thể phủ nhận dòng vốn nước ngoài, đã đóng góp không nhỏ cho mốc lịch sử 1.000 điểm của VN-Index. Trong 2 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 6.000 tỷ (tính riêng trên sàn HoSE), trung bình 3 tuần gần đây mua ròng hơn 1.000 tỷ mỗi phiên trong đó tập trung mua VIC và HDBank. “Tân binh” mới chào sàn Hose được 1 tuần nhưng đã tăng liền 6 phiên liên tiếp với mức tăng 42%, khối lượng giao dịch lên tới 18 triệu cổ phiếu/phiên trong đó khối ngoại đều đặn mỗi phiên mua ròng trung bình 5,7 triệu cổ phiếu suốt kể từ lúc HDB niêm yết.
Trải qua một thời kỳ đau thương trích lập dự phòng để “sửa sai” cho thời gian trước, nhóm ngành ngân hàng đang báo lãi tưng bừng. VCB lãi cao nhất lịch sử với hơn 11.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, BIDV dự kiến lãi trước thuế 8.800 tỷ, Vietinbank ước trên 9.000 tỷ, MBB hơn 5.350 tỷ, tăng 44%, VPBank không dưới 7.500 tỷ, HDBank 2.430 tỷ gấp đôi cùng kỳ năm trước, SHB khả năng vượt mốc 2.000, ACB lợi nhuận 2017 bắt đầu nhẹ bước và tăng tốc trở lại trong năm 2018 sau khi đã giải quyết được gần hết các tồn dư của thời kỳ trước. Nhóm cổ phiếu vua đã truyền lửa cho thị trường, bên cạnh nhóm dầu khí và chứng khoán.
Một dấu hiệu nữa cho thấy dòng tiền đổ về chứng khoán đó là phiên IPO của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Con số đăng ký mua hơn 650 triệu cổ phần, gấp 2,7 lần lượng chào bán trong đó có gần 4.000 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 248 triệu cổ phần (bình quân mỗi lệnh mua đăng ký 62.600 cổ phần) cho thấy các đợt IPO đã không chỉ thu hút nhà đầu tư tổ chức mà các cá nhân đã muốn gom mua cổ phần ngay từ thượng nguồn.
Nếu cùng thời điểm năm ngoái, các chuyên gia khá thận trọng trong việc nhận định thị trường. Nhưng sang năm 2018, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, khả năng vượt đỉnh lịch sử của Vn-Index sẽ không còn xa, thậm chí chỉ số này có thể chạm mốc 1.300 điểm trong năm nay. Điều này không hẳn là không có lý.
Tại hội thảo Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018, các chuyên gia quốc tế và đông đảo giới đầu tư, phân tích đều nhận ra rằng Chính phủ kiến tạo với mong muốn giữ đà tăng trưởng như hiện tại nhưng không vội vã và đặt cao vấn đề bền vững. Chính phủ với tinh thần cầu thị cao, muốn lắng nghe những góp ý của các chuyên gia quốc tế từ ADB, World Bank, IFC, các doanh nghiệp và cộng đồng trong nước và quốc tế để Việt Nam có thể trở thành con hổ mới của Châu Á. Điều này củng cố niềm tin của nhà đầu tư rằng: Chúng ta đang đi trên những bước đi vững chãi, với dự trữ ngoại hối 54 tỷ USD cao nhất lịch sử, ổn định đồng tiền, giảm lãi suất và tăng cường tính minh bạch trên mọi phương diện. Đó là điều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng ở Chính phủ Việt Nam, và dòng vốn quốc tế sẽ tìm về đây như một địa điểm đầu tư lý tưởng.
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (12/01/2018)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (12/01/2018)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (12/01/2018)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (12/01/2018)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (12/01/2018)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (12/01/2018)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (12/01/2018)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (12/01/2018)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (12/01/2018)