Sau một thời gian dài được thị trường trông đợi, Thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW- Covered Warrant) đã chính thức được Bộ Tài chính ký ban hành (Thông tư số 107/2016/TT-BTC) ngày 29/6/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Theo đó, chứng quyền có bảo đảm (CW) đã có đủ cơ chế cho phép chào bán, niêm yết, tổ chức giao dịch và thanh toán trên TTCK, đem đến cho thị trường và công chúng đầu tư một sản phẩm mới mang hơi hướng của sản phẩm phái sinh gần giống hợp đồng quyền chọn cổ phiếu, được coi là sản phẩm “bước đệm” cho triển khai thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
Bài viết này xin tóm lược một số điểm chính của Thông tư.
Các sản phẩm chứng quyền
Chứng quyền có bảo đảm được chào bán và giao dịch gồm 2 loại:
- Chứng quyền mua là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua;
- Chứng quyền bán là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá (chỉ số) của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện (chỉ số thực hiện) tại thời điểm thực hiện.
Quy định tại Thông tư cũng cho phép CTCK được lựa chọn kiểu CW: (i) Kiểu Mỹ, người sở hữu chứng quyền được thực hiện quyền trước hoặc tại ngày đáo hạn; (ii) Kiểu châu Âu, người sở hữu chứng quyền chỉ được thực hiện quyền tại ngày đáo hạn.
Tài sản cơ sở của chứng quyền
Tài sản cơ sở của chứng quyền phải là chứng khoán trong danh sách chứng khoán đáp ứng điều kiện chào bán chứng quyền:
- Là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng tiêu chí về mức vốn hóa thị trường, mức độ thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở và các tiêu chí khác theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Chứng chỉ quỹ ETF niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
- Chỉ số chứng khoán do SGDCK tại Việt Nam xây dựng hoặc phối hợp xây dựng và quản lý cùng tổ chức quốc tế sau khi đã được UBCKNN chấp thuận;
Các chứng khoán cơ sở này không đang trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch, không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của SGDCK. Tổ chức phát hành không được chào bán chứng quyền dựa trên cổ phiếu của chính tổ chức phát hành và chứng khoán của tổ chức là người có liên quan của tổ chức phát hành theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Chào bán, niêm yết, giao dịch và thanh toán chứng quyền
Tổ chức chào bán chứng quyền là các công ty chứng khoán đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Để được chào bán chứng quyền, các CTCK này phải gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền lên UBCK để xin phép chấp thuận, trong hồ sơ chào bán, CTCK phải chuẩn bị Bản cáo bạch chào bán CW giống hồ sơ chào bán cổ phiếu.
CTCK phải đáp ứng các quy định về hạn mức chào bán như:
- Hạn mức về số lượng cổ phiếu quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành của tất cả tổ chức phát hành (kể cả chứng quyền dựa trên chứng chỉ quỹ ETF mà cổ phiếu đó là thành phần của chỉ số tham chiếu);
-Hạn mức về số lượng cổ phiếu quy đổi từ chứng quyền trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng;
- Hạn mức tổng giá trị chứng quyền đã phát hành và đăng ký phát hành của một tổ chức phát hành.
CTCK chỉ được chào bán bổ sung khi số lượng chứng quyền đang lưu hành vượt quá 80% số lượng chứng quyền đã phát hành và thời gian đến ngày đáo hạn lớn hơn 30 ngày. Sau khi hoàn tất chào bán, CTCK gửi hồ sơ đăng ký niêm yết tới SGDCK để xin niêm yết và chính thức giao dịch trên SGDCK.
Giao dịch chứng quyền trên SGDCK được thanh toán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) theo quy chế của TTLKCK.
Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện chứng quyền theo một trong các phương thức:
- Chuyển giao chứng khoán cơ sở.
- Hoặc thanh toán tiền. Trong đó, trường hợp chứng quyền phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở là chỉ số chứng khoán; hoặc khi việc thực hiện chứng quyền theo hình thức chuyển giao chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với chứng khoán cơ sở thì phương thức thanh toán bằng tiền phải được thực hiện.
Nhà đầu tư nước ngoài được mua bán chứng quyền không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu.
Hoạt động tạo lập thị trường của tổ chức phát hành chứng quyền
Theo quy định tại Thông tư, tổ chức phát hành chứng quyền (CTCK) có trách nhiệm thực hiện hoạt động tạo lập thị trường để tạo thanh khoản cho chứng quyền mà tổ chức đó phát hành. Giao dịch tạo lập thị trường thực hiện trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán. Chứng quyền trong tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành dùng cho hoạt động tạo lập thị trường không được sử dụng để cầm cố, thế chấp, ký quỹ, cho vay hoặc làm tài sản đảm bảo.
Quy định về quản trị rủi ro
Nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, Thông tư quy định, tổ chức phát hành chứng quyền sau khi được cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền phải ký quỹ bảo đảm thanh toán tại ngân hàng lưu ký hoặc có văn bản xác nhận bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký.
Giá trị tài sản bảo đảm ban đầu tối thiểu là 50% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán. Đối với chứng quyền đang lưu hành, tổ chức phát hành phải đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán cơ sở theo các phương án phòng ngừa rủi ro quy định tại Thông tư.
Giao dịch phòng ngừa rủi ro thực hiện trên một tài khoản giao dịch độc lập chỉ dành riêng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro hoặc trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành. Hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành bao gồm các giao dịch mua, bán, vay và các giao dịch khác phù hợp với quy định pháp luật.
Theo Trí thức trẻ
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (29/09/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 22/11: Xuất hiện trạng thái phân hóa (29/09/2016)
- Tương lai Bitcoin (Kỳ 1): “Kỷ nguyên tiền điện tử” xuất hiện? (29/09/2016)
- Nhịp đập Thị trường 22/11: Xanh nhẹ đầu phiên (29/09/2016)
- Thị trường chứng quyền 22/11/2024: Tâm lý nhà đầu tư đang dần cải thiện (29/09/2016)
- Chứng khoán phái sinh ngày 22/11/2024: Phe Long lên tiếng (29/09/2016)
- Vietstock Daily 22/11/2024: Tiếp nối đà tăng? (29/09/2016)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 21/11: Tâm lý phân vân bao trùm thị trường (29/09/2016)
- Ngày 21/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (29/09/2016)