Bamboo Airways lại "gieo sầu" cho SGN
CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với kết quả trái chiều. Mặc dù doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận của Công ty lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Vì sao lại có sự trái chiều này?
Trong quý 2/2024, ông trùm phục vụ mặt đất hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận doanh thu 380 tỷ đồng và lãi gộp 125 tỷ đồng, tăng tương ứng 4% và 10% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy sự hồi phục của hoạt động cốt lõi tại SGN.
Tuy vậy, Công ty lại ghi nhận chi phí quản lý tăng vọt 40% so với cùng kỳ, lên 51 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là phần tăng của chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi ở Bamboo Airways, từ 62 tỷ đồng (cuối quý 1/2024) lên 74 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 2 của SGN
|
Đây là lý do chính khiến SGN đi lùi 15% về lãi ròng trong quý 2/2024, ở mức 64 tỷ đồng. Dù vậy, nhìn về tình hình kinh doanh, ông lớn phục vụ mặt đất này còn rất tốt và triển vọng vẫn còn sáng trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và khách quốc tế đến ngày càng nhiều.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của SGN
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Về tổng thể bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm, SGN ghi nhận doanh thu thuần gần 750 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi ròng giảm 4%, đạt 125 tỷ đồng, chủ yếu do phải trích lập dự phòng nợ khó đòi.
Chuẩn bị cho "trận chiến" ở Long Thành
Hiện tại, bên cạnh hoạt động kinh doanh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ban lãnh đạo SGN còn phải chuẩn bị cho “trận đánh lớn” ở sân bay Long Thành - một dự án mà Chủ tịch Đặng Tuấn Tú cho là “sẽ quyết định tương lai của SGN”.
Bởi lẽ theo phương án nghiên cứu khả thi (FS), khi bắt đầu khai thác giai đoạn 1, 80% đường bay quốc tế sẽ chuyển về Long Thành. Với SGN, khách quốc tế mới là nguồn mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty. “Nếu không thắng thầu ở sân bay Long Thành, chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều khi các chuyến bay quốc tế ở Tân Sơn Nhất bị chuyển về Long Thành. Nói như thế để thấy sân bay Long Thành sẽ quyết định sự tồn tại của Công ty trong những năm tới”, ông Tú khẳng định tại cuộc họp thường niên 2024 diễn ra ngày 25/04.
Vị lãnh đạo SGN cũng hé lộ thêm Công ty sau này không chỉ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không.
“SGN sẽ liên kết các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái của ACV, chẳng hạn như hoạt động trong nhà ga, hoạt động hàng hoá. Như vậy, chúng ta mới phát triển mạnh mẽ ở Long Thành. Đây là các định hướng mới”, ông nhận định.
Nếu trúng thầu ở Long Thành, SGN sẽ chi gần 174 tỷ đồng, trong đó có 51 tỷ đồng cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (thiết bị sân đỗ, công nghệ thông tin và chuẩn bị cho Cảng HKQT Long Thành) và 123 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị tại Cảng HKQT Long Thành.
Tình hình tài chính lành mạnh, không đồng nợ vay
Cuối tháng 6/2023, SGN nắm giữ gần 1,190 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt và đầu tư ngắn hạn hơn 880 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn 290 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn gần 350 tỷ đồng, trong đó không có nợ vay tài chính ngắn hạn.
Vũ Hạo
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (23/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (23/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (23/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (23/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (23/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (23/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (23/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (23/07/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (23/07/2024)