Bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, DIC giải trình ra sao?
Trước loạt vấn đề tồn tại trên BCTC riêng và hợp nhất năm 2023 được kiểm toán, dẫn đến đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (UPCoM: DIC) mới đây đã có giải trình cụ thể.
Trên BCTC kiểm toán năm 2023 của DIC, phía kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) đã từ chối đưa ra ý kiến. Cơ sở liên quan đến các khoản công nợ; khoản hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp; hàng tồn kho; khoản đầu tư vào CTCP Xi măng Yến Mao để thực hiện dự án xây dựng dây chuyền sản xuất clinker - xi măng; doanh thu cung cấp dịch vụ cho Công ty PT. Sumber Glober Energy TBK; phải thu, phải trả khác của Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản BMC.
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của DIC
|
Theo bản giải trình gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 20/06, đối với các khoản công nợ, DIC cho biết do kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của DIC và các đối tác, các khoản phải thu ngắn hạn gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến tình hình phải trả của Công ty.
Đối với khoản hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp, khoản đầu tư vào CTCP Xi măng Yến Mao và khoản đầu tư góp vốn theo hợp đồng từ năm 2014 đến nay mà các bên chưa hoàn thành đang tạm ngưng sẽ được công ty đối tác xem xét tình hình thực tế và thực hiện trong thời gian tới.
Về hàng tồn kho, do tình hình kinh doanh DIC gặp khó khăn nên hàng tồn kho lâu ngày chậm luân chuyển.
DIC giải trình thêm, trước tình hình an ninh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, mức độ tăng trưởng nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa phục hồi, mặt hàng kinh doanh chính gồm clinker, sắt thép, than… còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, DIC lại là Công ty đại chúng quy mô lớn, BCTC hợp nhất được tổng hợp từ BCTC các công ty con, các chi nhánh, các nhà máy hoạch toán phụ thuộc và các đơn vị này nằm ở nhiều địa điểm khác nhau. Việc tập hợp số liệu phục vụ công tác lập BCTC riêng và BCTC hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bị ảnh hưởng và kéo dài nên Công ty chưa cung cấp kịp thời và đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đúng hạn cho Công ty Kiểm toán.
Thực tế, việc chậm nộp BCTC kiểm toán 2023 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố theo quy định đã khiến cổ phiếu DIC tiếp tục bị HNX duy trì diện hạn chế giao dịch. Bên cạnh đó, một lý do hạn chế giao dịch khác là vốn chủ sở hữu âm trong BCTC xoát xét bán niên 2023 và tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2022.
Đáng nói, việc bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đã diễn ra từ BCTC năm 2019 của DIC, cũng liên quan đến loạt vấn đề nêu trên.
DIC cũng cập nhật liên quan đến vấn đề cần nhấn mạnh mà đơn vị kiểm toán đưa ra trên BCTC, cụ thể là khoản công nợ phải thu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 171.9 tỷ đồng chưa được xác nhận nợ tại ngày 31/12/2023. Đây là khoản công nợ liên quan đến hợp đồng cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
DIC cho biết đã làm đơn khởi kiện và gửi lên Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) để yêu cầu đơn vị mua hàng thanh toán khoản công nợ này. Theo đơn khởi kiện thì DIC đã yêu cầu đơn vị mua hàng hoàn trả tổng số tiền hơn 208 tỷ đồng. TAND tỉnh BR-VT đã thông báo thụ lý vụ án ngày 08/10/2019, triệu tập các bên tranh chấp để giải quyêt lần 1 ngày 02/12/2019, lần 2 ngày 06/05/2020. Đến hiện tại, DIC đã nhận được quyết định ngày 24/07/2023 của TAND tỉnh BR-VT về việc xét xử sơ thẩm vụ kiện trên nhưng do vụ án có yếu tố nước ngoài, cần thêm thời gian để bổ sung đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu nên vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý và chờ kết luận cuối cùng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, DIC mang về gần 1.1 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng đến 6,171% so với năm 2022 và lãi ròng hơn 587 triệu đồng, so với mức lỗ ròng hơn 107 tỷ đồng năm 2022.
Quý 1/2024, Công ty lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ gần 23 tỷ đồng cùng kỳ. Theo DIC, tình hình toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, mức độ tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa phục hồi. Mặt hàng kinh doanh chính như clinker, than… doanh thu tăng nhưng chi phí cao hơn nên lợi nhận chưa đạt như mong muốn.
Diễn biến lãi ròng hàng quý những năm qua của DIC | ||
Trên thị trường chứng khoán, việc bị hạn chế giao dịch khiến DIC chỉ được giao dịch vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Tính đến phiên gần nhất 21/06/2024, DIC chỉ có giá 1,200 đồng/cp, giảm hơn 29% trong 1 năm qua, thanh khoản bình quân gần 71 ngàn cp/ngày.
Diễn biến cổ phiếu DIC trong 1 năm qua | ||
Huy Khải
- PNJ bảo lãnh vay cho 2 công ty con (24/06/2024)
- Chứng khoán Công Thương phê duyệt vay hạn mức 800 tỷ (24/06/2024)
- Công ty TNHH MTV Ngân Tín Quy Nhơn trúng đấu giá dự án đô thị có tổng vốn gần 3,000 tỷ đồng tại Bình Định (24/06/2024)
- Ngày 3/12, tòa ra phán quyết cuối cùng với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm (24/06/2024)
- Nợ thuế, công ty do cá nhân 19 tuổi thành lập vẫn hút thêm 880 tỷ từ trái phiếu (24/06/2024)
- Quý 3: Nhựa xây dựng và nhựa gia dụng cùng khởi sắc (24/06/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (24/06/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (24/06/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (24/06/2024)