TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời: Hướng đến phát triển bền vững, mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào 2030
Theo ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), ngoài việc nâng cao chất lượng và phát triển hoạt động IR, hướng đến phát triển bền vững, Công ty còn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị 1 tỷ USD vào năm 2030.
* Lợi thế xuất khẩu của TNG trong ngành dệt may là gì, thưa ông? Điều gì sẽ làm nên sự khác biệt cho TNG?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời: TNG là công ty dệt may có quy mô lớn và lịch sử phát triển gần nửa thế kỷ, với đội ngũ công nhân tay nghề cao, hệ thống máy móc dây chuyền hiện đại… Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu sản xuất linh hoạt của các đối tác tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Công ty xác định ngành nghề kinh doanh cốt lõi là sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và sẽ tiếp tục mang lại sự ổn định, lợi nhuận cho TNG trong nhiều năm tới.
Với hệ thống chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt theo từng mốc giờ, cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, TNG đang có các khách hàng là nhà bán lẻ có thương hiệu lớn như Decathlon, Columbia TCP, H&M, The Children’s Place, Capital, Itochu, Cahard, John New York... Các khách hàng này đều cam kết đặt hàng lâu dài, ổn định và đề nghị Công ty tăng thêm sản lượng hàng năm. Đồng thời, TNG đảm bảo những điều kiện khắt khe nhất về chất lượng của khách hàng và được họ tin tưởng cho tự kiểm chất lượng 100%.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường chủ động cung cấp nguyên phụ liệu và chuyển dần sang làm mẫu phát triển để tăng giá trị lợi nhuận trên sản phẩm.
Mặt khác, hầu hết các nhà máy đều đóng tại Thái Nguyên - nơi tập trung các trường đại học lớn của khu vực và cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ 100km, cách cảng Hải Phòng 200km. Đây là cơ hội cho TNG tiếp cận nguồn nhân lực có chất lượng cao, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa.
Còn điều làm nên sự khác biệt của TNG chính là ngoài bề dày kinh nghiệm trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, đặc biệt những năm gần đây, Công ty còn khẳng định sự tiên phong đầu tư về nghiên cứu, cải tiến công nghệ, tự động hóa và ứng dụng AI trong ngành dệt may. TNG đã khẳng định sự bứt phá khi khối Công nghệ cao được đánh giá có những bước phát triển vượt bậc về việc cung ứng giải pháp toàn diện cho ngành may.
* Vì sao TNG lại quyết định đầu tư về ứng dụng công nghệ AI trong ngành dệt may? Điều này có phục vụ cho mục tiêu nào khác của Công ty ngoài việc cải thiện hiệu quả và tăng trưởng không?
- Tiên phong trong việc nghiên cứu phần mềm công nghệ phục vụ cho ngành dệt may, TNG nói chung và chi nhánh giải pháp công nghệ TRE đã không ngừng đầu tư, nghiên cứu các giải pháp quản trị và điều hành thông minh, nhằm tối ưu hóa nhân lực, vật lực, hướng đến tự động hóa ngành dệt may, nổi bật là giao việc tự động, đặt hàng tự động, App kiểm tra mác, dự án PM nhân sự mới, dự án quản lý tài sản…
Hơn 1 năm từ khi thành lập, đến nay chi nhánh TRE đã trở thành đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm cho 10 đối tác, khách hàng, với những sản phẩm về quản lý kho thông minh, phần mềm quản lý tài sản, giao việc tự động AI, văn phòng số… Bên cạnh đó, TNG tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn công nghệ trong mọi hoạt động của Công ty.
Những năm gần đây, ngoài việc tập trung đẩy mạnh nghiên cứu phần mềm, TNG còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị ngành may, nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, gia tăng năng suất sản xuất.
Cụ thể, ngày 09/01/2023, TNG Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa) được thành lập. Dù còn non trẻ, các sản phẩm TOT thực hiện đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm bớt chi phí nhân công, tiết kiệm chi phí đầu tư máy tự động bên ngoài. Thời gian tới, Chi nhánh TOT sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giải pháp và dịch vụ có tỷ trọng cao và có lợi thế cạnh tranh (AGV; robot, IoT; Bo mạch điều khiển…).
Mục tiêu trong tương lai, TNG sẽ trở thành đơn vị cung ứng phần mềm quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho các doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước, tích hợp các hệ thống IoT tự động hóa trong chính các máy móc do TNG sản xuất.
* Ở góc độ khách hàng, họ không chỉ quan tâm tới trải nghiệm mà còn quan tâm tới cả giá. TNG dung hòa 2 vấn đề này như thế nào?
- Ngành may Việt Nam hiện nay đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu hàng dệt may khác như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ... cả về chất lượng, chủng loại và giá cả. Tại TNG, chúng tôi cam kết với khách hàng sẽ đem lại cho họ chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh và giao hàng đúng thời hạn.
Để làm được việc đó, TNG tìm kiếm những nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, sản xuất tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi thuế quan, đồng thời kiểm soát kỹ khâu sản xuất từ lúc đặt hàng, nhập nguyên phụ liệu, sản xuất và xuất hàng đảm bảo tiến độ giao hàng đã cam kết với khách.
Hiện TNG đã và đang xây dựng hệ thống ERP để kiểm soát năng suất, tiến độ sản xuất giao hàng của từng mã hàng theo từng giờ, từng ngày; có những cảnh báo kịp thời nếu hàng có nguy cơ trễ hạn giao hàng.
* Kiên định mục tiêu vì một TNG tăng trưởng xanh và bền vững, Công ty đã và đang làm gì để hiện thực hóa mục tiêu trên?
- Chọn phát triển bền vững trên cơ sở vì người lao động, TNG theo đuổi phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, nghiên cứu và từng bước áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững đã được công nhận.
Nhằm hiện thực hóa sứ mệnh, các dự án nhà máy xanh theo tiêu chuẩn Leed, Lotus của TNG đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, các nhà máy xanh tạo môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả cho người lao động, đặc biệt góp phần tích cực để bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Các nhà máy được xây dựng sử dụng các sản phẩm, nguyên vật liệu có hàm lượng VOC và formaldehyde thấp, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động. Xung quanh không gian ngoài nhà máy trồng nhiều cây xanh, tạo bóng mát, không khí trong lành. Nhà xưởng được thiết kế theo hướng chú trọng tận dụng ánh sáng tự nhiên, tạo đối lưu không khí, giảm cường độ sử dụng điện; ứng dụng phần mềm theo dõi lượng điện hàng tháng, báo cáo tới người quản lý. Nhờ đó giúp quản lý đưa ra kế hoạch và phương án nhằm điều chỉnh tiêu thụ điện phù hợp. Công ty cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen để thực hành 5S cho người lao động.
Hiện TNG gần như đã thay thế toàn bộ các lò hơi đốt than sản sinh nhiều CO2 bằng các lò hơi điện thân thiện với môi trường. Hệ thống chiếu sáng của Công ty cũng được thay thế bóng điện sợi đốt bằng bóng huỳnh quang. Hệ thống điện chiếu sáng ngoài nhà được thay thế bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Năm 2024, Công ty đặt ra loạt mục tiêu, kế hoạch cho việc tăng trưởng xanh và bền vững như lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy Việt Đức, Việt Thái; lắp đặt hệ thống lò Biomas tại Chi nhánh Bao bì; 100% các nhà máy được lắp đặt các hệ thống quan trắc nước thải tự động.
* Đâu là kế hoạch trọng tâm của TNG lúc này? Công ty đánh giá thế nào về triển vọng phát triển và cơ hội của mình trong năm 2024?
- Xác định theo đuổi phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường” cùng với tôn chỉ “Đối diện thách thức, hòa chung trách nhiệm”, TNG cân nhắc cẩn trọng khi đặt trọng tâm vào các giải pháp duy trì doanh thu và lợi nhuận ở mức ổn định. Điều này sẽ đảm bảo sự cân bằng, hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, người lao động, Nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời tận dụng mọi cơ hội để giữ vững vị thế tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới môi trường trong chuỗi cung ứng; quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng chuyển đổi xanh là tất yếu và TNG mạnh dạn đi trước đón đầu để tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu.
Công ty đặt mục tiêu năm 2024 đem về doanh thu 7,900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, tuyển dụng 2,000 lao động - nâng tổng số lao động của TNG lên 20,000 người với thu nhập bình quân 9.5 triệu đồng/người/tháng và tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 16%, mức cổ tức duy trì trong hơn 10 năm qua. Bằng lợi thế, kinh nghiệm và những nỗ lực của ban lãnh đạo cùng tập thể người lao động, TNG tin tưởng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.
* Tốc độ phát triển của TNG ước tính trong 3-5 năm tới để tăng cường vị trí thế trong ngành dệt may?
- Trong kế hoạch 5 năm (2020-2025) và tầm nhìn 10 năm (2020-2030), HĐQT, Ban điều hành của TNG đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 5-10% mỗi năm. Hàng năm, Công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh cẩn trọng, qua nhiều bước để phù hợp với hoàn cảnh thị trường; đồng thời nắm bắt những thời cơ mới nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển của TNG và phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong các công ty có doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
* Hoạt động IR của các doanh nghiệp có xu hướng cải thiện trong những năm qua. Vậy tính hiệu quả và sự hưởng ứng của TNG liên quan đến các hoạt động IR như thế nào?
- Hoạt động IR ngày càng phát triển và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các công ty và đặc biệt là trong lộ trình nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam.
Tại TNG, hoạt động IR đã thể hiện rõ tính hiệu quả trong việc giúp Công ty tăng khả năng tiếp cận với các nguồn vốn giá rẻ hơn (trái phiếu), định giá Công ty hợp lý hơn, tối đa hóa giá trị của Công ty cũng như nâng cao mức độ thanh khoản của cổ phiếu TNG. Đây được xem là cầu nối rất hữu ích giữa Công ty và các nhà đầu tư; góp phần quan trọng vào việc giữ vững giá cổ phiếu của TNG được cân bằng, ổn định, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Nhận thấy vai trò quan trọng trên, ban lãnh đạo TNG luôn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng và phát triển hoạt động IR theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường tính tương tác giữa Công ty và các nhà đầu tư, cũng như sự minh bạch và kịp thời của các thông tin được truyền tải; đa dạng hóa các hình thức kết nối giữa nhà đầu tư với TNG.
Ban lãnh đạo TNG tin tưởng việc tập trung chú trọng đầu tư vào ESG, nâng cao hệ thống quản trị và hoạt động có trách nhiệm với xã hội và môi trường sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng trung và dài hạn cho TNG.
* Các tiêu chuẩn mà TNG đặt ra cho hoạt động IR trong việc nâng cao giá trị doanh nghiệp?
- “Minh bạch” - “Kịp thời” - “Đầy đủ” là những tiêu chí hàng đầu của TNG để gắn kết và tạo niềm tin cho cổ đông, khách hàng trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Phản ánh “đúng” - “đủ” - “không nói quá những gì mình đang có” là phương châm hành động của bộ phận Quan hệ nhà đầu tư TNG.
Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho TNG từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn). |
Thế Mạnh
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (01/08/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (01/08/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (01/08/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (01/08/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (01/08/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (01/08/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (01/08/2024)
- Tạm dừng chuyển nhượng các lô đất trong khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt, Danh Khôi ảnh hưởng ra sao? (01/08/2024)
- FIC, BMD và VNF bị phạt thuế (01/08/2024)