Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khai về khối tài sản của mình
Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và đồng phạm sẽ bước sang phần tranh luận, đại diện VKS luận tội các bị cáo, tuy nhiên, phiên tòa đã lùi nội dung này sang ngày 26/7.
Ngày 25/7, theo kế hoạch, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bước vào phần tranh luận, đại diện VKS luận tội các bị cáo.
Tuy nhiên, sáng nay, với lý do để xem xét và ghi nhận đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX cho quay trở lại phần xét hỏi.
Đại diện VKS ghi nhận, tới thời điểm hiện tại, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nộp 200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS về phương án khắc phục tiếp theo, bị cáo Trịnh Văn Quyết trình bày: Tính đến ngày 25/7, bị cáo đã khắc phục khoảng 240 tỷ đồng.
Từ khi khởi tố, bị bắt tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán, khi bị cáo làm việc với CQĐT đã luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: CTV |
Bị cáo đã làm việc với luật sư vì mong muốn xin được dùng tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo, thu được 200 tỷ đồng, đã nộp số tiền này vào tài khoản của CQĐT để khắc phục.
Theo trình bày của bị cáo Trịnh Văn Quyết, tiền bán hãng hàng không còn 500 tỷ đồng chưa được thanh toán và bên mua cam kết chuyển về tài khoản của CQĐT để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả. Đối với số tiền này, bị cáo cho rằng đủ để trả hết thiệt hại bị quy kết ở tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Đến tháng 8/2022, bị cáo bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền bị quy kết đã chiếm đoạt là trên 3.000 tỷ đồng, bị cáo đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại FLC để bồi thường khắc phục hậu quả vụ án ở hành vi này.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, bị cáo nắm giữ 30% cổ phần tại FLC và cho rằng toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo vẫn luôn tìm mọi cách để khắc phục hậu quả nếu bị HĐXX tuyên bị cáo phải bồi thường.
Vẫn theo trình bày của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, tài sản của bị cáo đang bị phong tỏa ước tính khoảng 4.800 tỷ đồng – 5.000 tỷ đồng. Cộng thêm số tiền mà bên mua hãng hàng không Bamboo chưa trả, bị cáo ước tính, toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết mong HĐXX tạo điều kiện để bị cáo có thể bán tài sản nhằm đền bù thiệt hại trong vụ án, bao gồm cả cổ phần của bị cáo tại FLC. Bị cáo mong cơ quan tiến hành tố tụng cho bị cáo bán cổ phần FLC trước, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết.
Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, để phía VKS xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, HĐXX quyết định chiều mai (26/7) sẽ bước sang phần tranh luận, đại diện VKS sẽ tiến hành luận tội.
T.Nhung
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (25/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (25/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (25/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (25/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (25/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (25/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (25/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (25/07/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (25/07/2024)