Đạm Phú Mỹ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau 7 tháng
Sau một năm 2023 khó khăn, kết quả hoạt động nửa đầu năm cho thấy sự cải thiện đáng kể, vượt xa kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tới tháng 7, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo, HOSE: DPM) cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.
Tình hình tài chính đáng mơ ước
Trong bối cảnh thị trường diễn biến thuận lợi cùng với những nỗ lực tăng cường quản trị hệ thống, kết quả hoạt động của DPM nửa đầu năm 2024 đã vượt qua mong đợi và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 3,948 tỷ đồng và 236 tỷ đồng, tăng tương ứng 6.5% và 123% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng lũy kế đạt 503 tỷ đồng, tương đương 93% so với kế hoạch năm, và tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí góp phần giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên 15.8% so với mức 13.1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận ròng hàng quý của DPM | ||
Tình hình tài chính tiếp tục được duy trì lành mạnh với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 9,700 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng tài sản. Tính đến hết quý 2, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 15,700 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu tăng lên 12,000 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn hạn ở mức thấp 1,682 tỷ đồng.
Giá bán urea hồi phục nhẹ và sản lượng tiêu thụ cao hơn
Trong năm 2023, DPM đối mặt với nhiều khó khăn khi giá khí đầu vào tăng do giá dầu leo thang và cước phí vận chuyển cao, trong khi giá bán urea giảm mạnh do nhu cầu suy yếu tại các thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, giá phân bón urea đã có xu hướng hồi phục sau khi chạm đáy vào quý 2/2023. Sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu, cùng với việc một số nhà máy phải cắt giảm công suất do bảo trì và thiếu hụt nguồn khí.
Giá urea 6 tháng đầu năm 2024 tăng nhẹ so với giá trung bình năm 2023, vẫn ở mức tương đối thấp giúp nông dân có thể mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Nhờ vậy DPM đã gia tăng sản lượng tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nửa đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ urea của DPM đạt 501 ngàn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá và sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ tuy chỉ giúp doanh thu tăng nhẹ nhưng lại khiến lợi nhuận tăng mạnh.
NPK diễn biến tích cực nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm
Sản lượng kinh doanh NPK trong 6 tháng đầu năm đạt 87 ngàn tấn, hoàn thành 61% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Giá một số loại nông sản như gạo và cà phê được dự báo sẽ tăng cao, tạo động lực thúc đẩy hoạt động canh tác nông nghiệp và kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp và khả năng chi trả phân bón được cải thiện do giá phân bón thấp hơn cùng với dự báo giá gạo tăng. Sản lượng tiêu thụ NPK cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ các yếu tố như giá bán giảm thúc đẩy sức mua, tiềm năng tăng trưởng thị phần ở phân khúc NPK chất lượng cao, và nhà máy NPK sẽ vận hành với công suất cao hơn. Đồng thời, việc giá các loại nguyên liệu đầu vào giảm cũng góp phần cải thiện lợi nhuận của DPM.
Tình hình vĩ mô ổn định
Nhìn chung trong nửa đầu năm 2024, thị trường phân bón cả trong nước lẫn toàn cầu có sự phát triển ổn định, với giá cải thiện trong quý 2 sau một giai đoạn giảm sút tại quý 1. Giá bán trung bình urea tại thời điểm đầu tháng 7 hồi phục về mức 321 USD/tấn FoB so với mức 307.9 USD/tấn ở thời điểm cuối năm 2023 và tăng 14.4% so với cùng kỳ năm ngoái 280.6 USD/tấn.
Trong thời gian tới, thị trường chờ đợi kết quả phiên thầu mua hàng mới từ Ấn Độ để quyết định xu thế giá trong ngắn hạn. Sự hồi phục này phản ánh nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng tích cực, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu Urea và giảm công suất sản xuất tại một số khu vực khác. Thị trường trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực từ thị trường toàn cầu và sức mua cải thiện khi khu vực miền Nam bước vào mùa mưa sau một đợt nắng nóng kéo dài. Thêm vào đó, sự gia tăng liên tục của giá nông sản đã hỗ trợ một sự cải thiện đáng kể trong khả năng chi trả của nông dân.
Dự báo nửa cuối năm 2024
Sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho ngành phân bón nói chung và DPM nói riêng. Giá bán và sức mua vẫn trên đà phục hồi sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và sản lượng tiêu thụ. Giá bán nông sản cao, thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng, tạo điều kiện cho nông dân tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất.
Mặt khác, có những yếu tố nhất định cần lưu ý khi chi phí đầu vào có thể tăng cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước dẫn đến giá thành sản xuất cao. Áp lực tỷ giá ảnh hưởng đến giá mua nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất, hàng hóa…Chính sách thuế VAT chưa được điều chỉnh phù hợp dẫn đến nhiều bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước.
Để chủ động đối phó với những dự báo trên, DPM sẽ tích cực nâng cao uy tín thương hiệu Phân bón Phú Mỹ trên thị trường và mở rộng thêm hệ thống phân phối sâu rộng tới các vùng tiêu thụ trên cả nước.
Tái cấu trúc và đổi mới mô hình quản trị, kinh doanh
Gần đây, sau những thay đổi trong ban lãnh đạo, DPM tiếp tục tiến hành tái cấu trúc toàn diện bộ máy, cập nhật chiến lược phát triển, đổi mới mô hình quản trị, kinh doanh. Trong 6 tháng cuối năm 2024, ban lãnh đạo DPM đặt nhiệm vụ vận hành các nhà máy hiệu quả, an toàn và ổn định; ưu tiên hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty cũng chú trọng công tác theo dõi và dự báo thị trường để đưa ra các quyết định kinh doanh tối ưu; xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phân phối để phù hợp với bối cảnh thị trường. Đồng thời, DPM đặt mục tiêu tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu nhằm giảm áp lực dư cung từ thị trường nội địa.
Với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, DPM dự kiến tổ chức Hội nghị nhà đầu tư vào đầu quý 4 năm nay nhằm tạo dựng cầu nối trực tiếp giữa công ty và các nhà đầu tư.
Tiếp tục nỗ lực trở thành công ty hàng đầu trong ngành phân bón và hóa chất không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực, cũng như đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất hóa chất và năng lượng xanh tiên phong tại Việt Nam, DPM hiện đang chiếm 38% thị phần tiêu thụ urea trong nước và 11%/25% thị phần NPK/NH3. Bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, DPM cũng xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Philippines.
Thiên Vân
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (06/08/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (06/08/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (06/08/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (06/08/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (06/08/2024)
- Tạm dừng chuyển nhượng các lô đất trong khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt, Danh Khôi ảnh hưởng ra sao? (06/08/2024)
- FIC, BMD và VNF bị phạt thuế (06/08/2024)
- THG sắp tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10%, vẫn còn 30% theo kế hoạch (06/08/2024)
- Lợi nhuận quý 3 ngành ô tô chưa thể tìm lại ánh hào quang? (06/08/2024)