Doanh nghiệp điện mặt trời chậm tiền mua lại 2 tỷ đồng trong lô trái phiếu hơn 2 ngàn tỷ
Theo công bố ngày 26/06, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã không thể mua lại một phần của lô trái phiếu mã TT.BOND.2020, với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.
Cụ thể, lô trái phiếu TT.BOND.2020 là trái phiếu dài hạn, được CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (gọi tắt là Năng lượng Ninh Thuận) phát hành vào ngày 25/12/2020, kỳ hạn 17 năm. Lô này gồm 2.2 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng, tổng huy động 2.2 ngàn tỷ đồng. Lãi suất áp dụng là 10.75%/năm.
Trong năm 2022 và 2023, Doanh nghiệp đã có 4 lần thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu này, mỗi lần 30,000 trái phiếu (tương đương 30 tỷ đồng). Tuy nhiên trong lần mua lại thứ 5 (theo kế hoạch vào ngày 25/06/2024), Năng lượng Ninh Thuận đã không thể thực hiện dù chỉ mua 2,000 trái phiếu (tương ứng 2 tỷ đồng), vì chưa thu xếp kịp nguồn vốn thanh toán.
Nguồn: HNX
|
Trước đó vào năm 2023, Năng lượng Ninh Thuận đã có một lần chậm trả lãi cho lô trái phiếu này với số tiền hơn 149 tỷ đồng, cũng vì lý do chưa thu xếp kịp nguồn. Đó là kỳ trả lãi thứ 5 (từ 25/06-25/12/2023). Theo kế hoạch, ngày thanh toán là 25/12, nhưng Doanh nghiệp đã thực hiện vào 29/12.
Về tình hình kinh doanh, tính đến giữa năm 2021, Doanh nghiệp vẫn có lời, nhưng từ 2022 thì liên tục thua lỗ. Kết năm 2023, Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận lỗ gần 242 tỷ đồng (năm trước lỗ 106 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu giảm 22%, còn gần 880 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 2.38 lần lên 2.93 lần, tương đương tổng nợ vay 2.6 ngàn tỷ đồng, với hơn 2 ngàn tỷ đồng là nợ trái phiếu.
Một số chỉ tiêu tài chính của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận trong năm 2023
Nguồn: HNX
|
Được biết, Năng lượng Ninh Thuận thành lập vào tháng 2/2017, trụ sở tại Ninh Thuận, hoạt động chính trong mảng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Vốn điều lệ thời điểm này là 360 tỷ đồng, do 5 cổ đông trong nước nắm giữ. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Vinh (sinh năm 1959) và bà Nguyễn Thu Mai nắm phần lớn, mỗi người 30% (tương đương 10.8 triệu cp); ông Lê Anh Đức nắm 20% (tương đương 7.2 triệu cp); ông Trần Đại Phong nắm 15% (tương đương 5.4 triệu cp); và ông lê Nguyên Hoàng nắm 5% (tương đương 1.8 triệu cp).
Tháng 5/2018, vai trò người đại diện pháp luật của Công ty chuyển sang cho ông Phạm Công Đoàn (sinh năm 1960) – lúc này đang là Tổng Giám đốc Doanh nghiệp. Cơ cấu cổ đông có sự thay đổi mạnh, khi gần như toàn bộ các cổ đông sáng lập không còn giữ cổ phần, ngoại trừ ông Nguyễn Quốc Vinh nắm 5% - tương đương 1.8 triệu cp.
Đến tháng 6/2019, cơ cấu ban lãnh đạo của Năng lượng Ninh Thuận tiếp tục xáo trộn. Ông Đoàn trở thành Chủ tịch HĐQT, còn vị trí Tổng Giám đốc chuyển sang cho ông Đặng Hoàng Tùng (sinh năm 1969). Ông Tùng cũng trở thành người đại diện pháp luật Công ty lúc này.
Tháng 11/2020, Năng lượng Ninh Thuận nâng vốn điều lệ lên hơn 1.23 ngàn tỷ đồng (khoảng 123 triệu cp), toàn bộ là vốn tư nhân. Các cổ đông sáng lập không còn nắm giữ cổ phiếu nào. Ông Đặng Hoàng Tùng vẫn là đại diện pháp luật, nhưng lúc này kiêm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và Tổng Giám đốc.
Đến tháng 5/2022, ông Lê Mạnh Hà trở thành Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Doanh nghiệp. Ông Hà còn là người đại diện pháp luật của 2 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận, và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Sản xuất Kinh doanh Ninh Thuận.
Theo thông tin đăng tải của T&T vào năm 2020, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 do CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, thành viên của Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư và đều do IPC làm tổng thầu thi công. Nhà máy Thiên Tân 1.2 nằm tại xã Phước Hà, xuyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 100 MWp. Nhà máy Thiên Tân 1.3 nằm tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50MWp. Cả hai nhà máy đều đã hoà vào lưới diện quốc gia vào cuối năm 2020.
Thời điểm hiện tại, trong danh sách đơn vị thành viên trên website của T&T Group đã không còn nhắc đến Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận nữa.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh - dự án do Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận làm chủ đầu tư
|
Tháng 6/2020, T&T Group cùng Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã khánh thành dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (do Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận làm chủ đầu tư), với tổng mức đầu tư hơn 1,000 tỷ đồng, công suất 45 MW, hòa lưới từ 10/06/2020, sản lượng điện cung cấp ước tính khoảng 75 triệu kWh/năm.
Hải Âu
- Nợ thuế, công ty do cá nhân 19 tuổi thành lập vẫn hút thêm 880 tỷ từ trái phiếu (01/07/2024)
- Quý 3: Nhựa xây dựng và nhựa gia dụng cùng khởi sắc (01/07/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (01/07/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (01/07/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (01/07/2024)
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (01/07/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (01/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (01/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (01/07/2024)