Doanh nghiệp TP HCM đang cạn kiệt dòng tiền
Báo cáo tình hình doanh nghiệp quý II-2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho thấy nhiều dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp quý II-2024 của HUBA cho thấy 57,1% doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tăng hơn 6% so với quý I-2024. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%. Lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34% và số dư nợ tăng mức 42%.
Đây là những dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước và tình trạng nợ đọng dây dưa đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng.
Đặc biệt, chỉ số lao động cho thấy khá nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%. Mặc dù đây là quyết định hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, nhưng sự khắc nghiệt của thị trường đã khiến một số chủ doanh nghiệp phải sử dụng đến các công cụ tiêu cực nhất.
Nhìn tổng thể, do thị trường chung bị suy giảm nên hầu hết doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn trong tình trạng khó khăn.
Người tiêu dùng TP HCM đang tiếp tục cắt giảm chi tiêu |
Đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, khó khăn phổ biến là tình trạng nợ dây dưa khó đòi, chiếm dụng vốn vẫn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá ngặt, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm 2024...
Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi bị chủ nợ vay hối thúc.
Áp lực của những khó khăn trên cùng với các vấn đề khác về thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc… khiến tỉ lệ doanh nghiệp âm thầm rời bỏ thị trường trên thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo thống kê.
"Trong hoạt động kinh doanh, vốn luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần bảo đảm. Tuy nhiên, với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo" - báo cáo của HUBA nhấn mạnh.
Do đó, theo HUBA, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền. Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho doanh nghiệp, giảm tối đa lãi suất vay vốn. Ngoài ra, việc áp dụng chính sách hỗ trợ một cách phổ biến cho tất cả các khoản vay trước năm 2023, các khoản vay tiêu dùng và vay cá nhân là hết sức cần thiết nhằm xử lý triệt để khối nợ đọng trong xã hội hiện nay.
Theo HUBA, hiện có đến 64% doanh nghiệp TP HCM cho biết gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% doanh nghiệp tại TP HCM khó khăn vì thiếu các đơn hàng mới, 29% doanh nghiệp khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn kinh doanh. Trước tình hình trên, 63% doanh nghiệp kiến nghị thành phố đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 63% doanh nghiệp đề xuất giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn; 45% doanh nghiệp kiến nghị thành phố hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất… và 46% doanh nghiệp yêu cầu nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp. |
Thanh Nhân
- Ngày 3/12, tòa ra phán quyết cuối cùng với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm (27/06/2024)
- Nợ thuế, công ty do cá nhân 19 tuổi thành lập vẫn hút thêm 880 tỷ từ trái phiếu (27/06/2024)
- Quý 3: Nhựa xây dựng và nhựa gia dụng cùng khởi sắc (27/06/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (27/06/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (27/06/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (27/06/2024)
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (27/06/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (27/06/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (27/06/2024)