Garmex đang làm tất cả mọi cách để bán được tài sản
Để thanh lý tài sản không sử dụng, CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã tìm tất cả nguồn lực thân quen, thân hữu, sẵn sàng chi trả "hoa hồng" cho môi giới... nhưng nhiều lần đem bán tỷ lệ thành công thấp.
Nỗi niềm trên được ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn giãi bày tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra ngày 27/06.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Garmex tổ chức sáng 27/06 tại Vũng Tàu - Ảnh: Thế Mạnh
|
Không tái cấu trúc có thể lỗ gấp đôi
Phân trần khoản lỗ ròng 52 tỷ đồng năm 2023, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Garmex nhấn mạnh nếu không tái cấu trúc Công ty có thể lỗ gấp đôi. Đến gần cuối quý 1/2023 Công ty mới tiến hành tái cấu trúc, lỗ chủ yếu do chi phí liên quan tái cấu trúc như hỗ trợ người lao động, chi phí khấu hao thiết bị máy móc... nhưng năm 2024 phần chi phí này sẽ đỡ hơn nhiều.
Theo ông Cường, Garmex sẽ quyết liệt thực hiện 2 nhiệm vụ chính gồm thanh lý tài sản không sử dụng và thu hồi công nợ với đối tác. Nếu thị trường thuận lợi Công ty thanh lý tài sản thành công, chuyển thành tiền và tạo ra nguồn lực rất lớn. Bên cạnh đó, dự án bất động sản cũng bắt đầu bán hàng kỳ vọng năm 2024 "hái trái", mang lại dòng tiền hiệu quả.
Trước đó, khoản đầu tư duy nhất của Garmex năm 2023 là thực hiện tăng vốn góp tại CTCP Phú Mỹ từ hơn 4 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng, tương ứng 32.47% vốn. Hiện, Phú Mỹ đang thực hiện 2 dự án gồm khu nhà ở thương mại Phú Mỹ và khu nhà ở thương mại Tân Mỹ.
Lãnh đạo Garmex cho biết, dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ đã hoàn thành xong cơ sở hạ tầng, sổ đỏ đã được cấp, có thể thực hiện bán hàng thu tiền. Điều này cũng thể hiện việc đầu tư ngoài lĩnh vực may mặc bắt đầu có hiệu quả.
Riêng với dự án Tân Mỹ, Garmex đề xuất thanh lý biên bản thỏa thuận với giá trị cả tiền mua đất và công trình trên đất là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phú Mỹ xác nhận giá trị thanh lý chỉ còn 11 tỷ đồng. Do chênh lệch lớn, cổ đông GMC đã không thông qua tờ trình thanh lý biên bản thỏa thuận trên.
Nói về tình hình thu hồi công nợ với đối tác, ông Cường cho biết: "Chúng tôi đòi nợ ròng rã một năm rưỡi, qua cuộc họp gần nhất vào tháng 6 đã thấy hướng đi, hy vọng ba tháng tới sẽ thu được một nửa số nợ, thậm chí có thể đòi hơn”, ông Cường nói và cho biết tiếp tục theo tiến độ sẽ giải quyết trong quý 3-4/2024.
Năm 2024, Garmex đề ra mục tiêu doanh thu 50.5 tỷ đồng và lãi ròng 40 tỷ đồng. Quý đầu năm, Công ty lãi trên 1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng, qua đó giảm lỗ lũy kế tại ngày 31/03/2024 còn hơn 72 tỷ đồng.
Lãnh đạo Garmex khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch được ĐHĐCĐ 2022-2023 giao để đưa Công ty sang một trang mới, khi có đầy đủ vốn để đầu tư mới, thực hiện ngành nghề mới đã đề ra như logistics, kinh doanh bán lẻ, bất động sản...
"Đang làm tất cả mọi cách" để bán được tài sản
Liên quan đến hoạt động thanh lý tài sản chưa đạt hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Việt Cường giãi bày đã tìm tất cả nguồn lực thân quen, thân hữu, bạn bè, mở đấu giá công khai, sẵn sàng chi trả "hoa hồng" cho môi giới... nhưng để thanh lý tài sản lớn như đất đai, nhà xưởng vô cùng khó khăn, nhiều lần đem bán tỷ lệ thành công thấp.
Theo ông Cường thị trường giai đoạn này không ủng hộ dù Garmex có năng lực định giá, tìm kiếm khách hàng... tất cả đều đã làm hết, thậm chí chào cả bên ngoài ngành như logistics, kho bãi nhưng không ai muốn làm, ngay cả các doanh nghiệp dệt may cũng từ chối. Dù vậy, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện quá trình thanh lý tài sản và không có gì thay đổi kế hoạch so với năm trước.
Hồi đầu năm, Garmex lên kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thửa đất 2.6ha tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Công ty TNHH May Tân Mỹ (Vũng Tàu), công ty con do Garmex sở hữu 100% vốn - Ảnh: Thế Mạnh
|
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng không được thuận lợi như kế hoạch. Đối với khu đất 2.6ha, Công ty dự kiến bán với giá khởi điểm 156 tỷ đồng nhưng bất thành. Tài sản này được đem ra đấu giá lần 2 giá khởi điểm giữ nguyên so với lần đầu. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá chậm nhất đến 17h ngày 18/06/2024 nhưng cũng chưa có kết quả.
*Garmex Sài Gòn sa thải hàng ngàn nhân viên, ròng rã mở bán loạt tài sản vẫn ế
Cố chấp giữ công nhân có thể tiêu tốn 100 tỷ/năm
Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Việt Cường, nếu tiếp tục khôi phục ngành nghề may mặc truyền thống, hầu như cơ hội hiện nay chưa rõ ràng, các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn kể cả những doanh nghiệp lớn.
Trước đó tại ĐHĐCĐ 2022-2023, cổ đông Garmex đã từ chối phương án giữ công nhân vì việc này có thể tiêu tốn một năm khoảng 100 tỷ đồng. “Nếu bất chấp giữ công nhân để chờ cơ hội thì chúng tôi không có nguồn lực bởi trước đó Công ty liên tục chia cổ tức, thậm chí đợt chia gần nhất 50% bằng tiền cho năm 2021”, ông Cường thông tin và cho biết nguồn tiền để lại của Garmex không đủ để nuôi công nhân một năm trong khi đơn hàng không đáp ứng.
Việc cắt giảm lao động đã được Garmex tính toán từ trước khi trích lập dự phòng trợ cấp mất việc hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022. Nhờ trích lập từ trước, khoản lỗ của Công ty trong năm 2023 cải thiện 39%. Tại thời điểm cuối năm 2023, Garmex chỉ còn 35 nhân sự, giảm hơn 1,800 người so với cuối năm 2022 và hơn 3,700 người so với cuối 2021.
Làn sóng dịch chuyển ngành may mặc ra Bắc
Bày tỏ hoài nghi việc Garmex đang dần buông ngành may mặc, đại diện CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) - cổ đông lớn sở hữu trên 10% vốn GMC - chất vấn đoàn chủ tọa làm sao để khôi phục lại khi đã thanh lý hết máy móc, cho công nhân nghỉ hết.
Đại diện Giditex phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thế Mạnh
|
Chủ tịch Nguyễn Việt Cường nhắc lại cuộc họp ĐHĐCĐ 2020-2021 khi tình hình gia công may gặp khó khăn khách hàng rời đi, thời điểm đó Garmex đã báo cáo cổ đông đang gặp trục trặc, khách hàng đi ra ngoài Bắc hết.
“Hầu như chúng tôi thấy làn sóng dịch chuyển của ngành may mặc ra Bắc rõ ràng, đặc biệt trong và sau COVID-19. Để vượt tình trạng phải đa dạng hóa ngành nghề thêm, cổ đông lớn, chiến lược cùng chung tay đưa Công ty vượt khó”, ông Cường chia sẻ.
Vị Chủ tịch cũng nhấn mạnh việc Công ty thanh lý tài sản, nhà máy không có nhu cầu sử dụng, còn những nhà máy có nhu cầu sử dụng vẫn được giữ lại. Bất kỳ tình huống dệt may phía Nam thuận lợi, chúng ta vẫn có hai nhà máy chủ lực ở TPHCM là An Nhơn và An Phú sẽ hoạt động lại bình thường.
“Trước đến nay chỉ có hai nhà máy An Nhơn và An Phú mới tạo ra lợi nhuận, năng lực sản xuất mạnh nhất vẫn ở TPHCM”, ông Cường thông tin và cho biết hai nhà máy ở Quảng Nam và Tân Mỹ (Vũng Tàu) Garmex chỉ tận dụng tăng thêm công suất, từ đó giờ không mang lại lợi nhuận cho Công ty dù hoạt động bình thường, thậm chí cả thời đỉnh cao..
Lãnh đạo Garmex lần nữa khẳng định ngành may mặc truyền thống vẫn làm nhưng sẽ làm với đối tác mạnh, để đảm bảo thời gian cam kết với nhau đi được lâu, khi đó có thể xây dựng lại lực lượng lao động, có lợi nhuận, tiến hành cải cách... Khó khăn còn nhiều nhưng cơ hội vẫn lớn, Công ty sẽ chừa nguồn lực tốt nhất để chờ thị trường quay lại.
Đầu tư xanh tốn tiền nhưng chưa chắc có khách?
|
Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ với người viết, Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cho biết cơ hội quay lại ngành may mặc vẫn có với điều kiện kết nối hạ tầng, chính sách lương các miền gần như nhau, không tạo sự chênh lệch... Vị Chủ tịch cũng nhận thấy ngành may mặc đang đi dần vào vòng xoáy đào thảo, cùng với yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ.
Liên quan đến các điều kiện xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp, lãnh đạo Garmex cho rằng để đạt xanh mất 12 tháng, sau đó chờ 6 tháng để đánh giá. Đầu tư nhà máy xanh mất thời gian như vậy trong khi cần tốn 1.5 triệu USD, làm xong cũng chưa chắc khách đã vào.
“Chúng ta đi quá chậm, để bắt đầu làm quá muộn và cần trả lời câu hỏi đầu tư xanh tốn nhiều tiền nếu không có khách thì sao?”, ông Cường cho hay.
Những gương mặt mới trong ban lãnh đạo Garmex ĐHĐCĐ Garmex đã bầu ra 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029. Cơ cấu HĐQT có 4 thành viên kế thừa từ nhiệm kỳ cũ gồm ông Nguyễn Việt Cường, ông Bùi Minh Tuấn, ông Lê Văn Hùng và ông Nguyễn Trần Anh Minh, 1 thành viên mới trúng cử là bà Nguyễn Thị Diễm My (do Giditex giới thiệu và đề cử). Ngược lại, ông Trần Vũ không tái đắc cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Bà Nguyễn Thị Diễm My sinh năm 1989, nguyên quán Cà Mau, trình độ chuyên môn Tài chính Kế toán. Bà gia nhập Giditex từ năm 2022 và hiện đang giữ chức Kế toán trưởng. Bà My từng giữ chức Thành viên HĐQT CTCP Giày da và May mặc Xuất Khẩu (Legamex, UPCoM: LGM), trước khi từ nhiệm tháng 1/2024 ngay thời điểm Giditex rút toàn bộ vốn khỏi Legamex. Trước đó, tháng 6/2023, Giditex cũng đã giới thiệu bà Nguyễn Thị Diễm My tham gia vào HĐQT CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) nhưng kết quả không trúng cử. Đến tháng 7, Giditex báo cáo đã bán toàn bộ 35% vốn BBT, sau lần 1 bất thành vào giữa tháng 5/2023 do giá không đạt kỳ vọng.
Về các thành viên trong Ban Kiểm soát, ĐHĐCĐ Garmex đã bầu ba thành viên gồm ông Mai Thanh Tol, ông Từ Vũ Trí và bà Trần Thị Thu Yến. Riêng ông Trí là thành viên kế thừa duy nhất từ nhiệm kỳ cũ, còn lại hai nhân sự do nhóm cổ đông lớn giới thiệu. Về kế hoạch trả thù lao năm 2024, Chủ tịch HĐQT Garmex dự kiến nhận 6 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT nhận 5 triệu đồng/người/tháng. Ban Kiểm soát gồm Trưởng ban sẽ nhận 4 triệu đồng/tháng trong khi thành viên nhận 2.4 triệu đồng/người/tháng. |
Thế Mạnh
- Nợ thuế, công ty do cá nhân 19 tuổi thành lập vẫn hút thêm 880 tỷ từ trái phiếu (28/06/2024)
- Quý 3: Nhựa xây dựng và nhựa gia dụng cùng khởi sắc (28/06/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (28/06/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (28/06/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (28/06/2024)
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (28/06/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (28/06/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (28/06/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (28/06/2024)