TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Hành trình “lột xác” của Viettel Construction
2023 đánh dấu năm phát hành báo cáo phát triển bền vững đầu tiên của Viettel Construction.
Cụm từ “phát triển bền vững” đã được Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: CTR) nhắc tới nhiều năm nay, thông qua các báo cáo thường niên, nhưng 2023 mới là năm đầu tiên Doanh nghiệp ra mắt một báo cáo riêng biệt, bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Sau thay đổi về nhận diện thương hiệu và tên doanh nghiệp, bước đi này tiếp tục cho thấy sự quyết tâm và nghiêm túc của Ban Lãnh đạo trong chặng đường dài hơi đưa CTR tiến về phía trước chứ không chỉ dừng lại ở những con số báo cáo đơn thuần.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện CTR cho hay, trong năm 2023, Công ty xây dựng và ban hành báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI 2016 (Global Reporting Initiative - Bộ chuẩn mực chung được chấp nhận rộng rãi toàn cầu).
“Đây là cam kết của doanh nghiệp đối với việc thực thi các hoạt động phát triển bền vững. Chúng tôi xác định tiêu chí phát triển bền vững gắn liền với chiến lược và làm thay đổi về “chất” của doanh nghiệp.
Phát triển bền vững không phải chỉ cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới mà còn cho chính Công ty để phát triển lâu dài; đồng thời đây còn là việc tuân thủ quy định của Nhà nước. CTR cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư quốc tế và quỹ đầu tư toàn cầu chú ý tới.
Bên cạnh đó, việc phát hành báo cáo riêng biệt bằng 2 thứ tiếng là nỗ lực lớn từ phía đội ngũ IR, PR của Công ty. Hàng năm, chúng tôi đều rút kinh nghiệm từ các năm trước và học hỏi từ các báo cáo của những đơn vị hàng đầu để hoàn thiện sản phẩm của mình; từ đó, cung cấp cho nhà đầu tư những bức tranh, thông tin minh bạch, chính xác nhất, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về CTR” - đại diện Doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ.
Ngoài ra, các hoạt động của Công ty trong báo cáo phát triển bền vững cũng gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. CTR cho biết, đang từng bước đặt ra chiến lược riêng, mục tiêu riêng phù hợp với hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo tinh thần của 17 mục tiêu này.
Năm ngoái, CTR đã chính thức khởi động dự án tích hợp ESG (Environmental, Social & Governance - môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược phát triển bền vững của Công ty, được kỳ vọng sẽ giúp Doanh nghiệp hiện thực hóa mốc doanh thu tỷ đô vào năm 2030.
Chặng đường phát triển bền vững của một doanh nghiệp chắc chắn không thể thiếu hoạt động IR (Investor Relationship - quan hệ nhà đầu tư), đặc biệt đối với một doanh nghiệp như CTR.
Đại diện Doanh nghiệp cho biết, những năm qua và nhất là sau khi chuyển sàn (từ UPCoM lên HOSE), hoạt động IR đang được đầu tư chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Công ty vẫn liên tục triển khai các hoạt động quan hệ công chúng thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời giúp khách hàng, đối tác, cổ đông, báo chí, cơ quan nhà nước tin tưởng và tín nhiệm.
Một trong số đó là hoạt động gặp mặt nhà đầu tư. Trong năm 2023, CTR tiếp tục tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo Công ty với đại diện các quỹ trong và ngoài nước, bao gồm cả công ty chứng khoán.
Qua việc giải đáp các thắc mắc cho nhà đầu tư, buổi họp mặt tạo điều kiện giúp CTR cung cấp, làm rõ thêm về bức tranh sản xuất kinh doanh đang diễn ra tại Doanh nghiệp; cũng như chiến lược, kế hoạch và mục tiêu đầu tư các dự án trong tương lai.
Không chỉ dừng lại ở công bố thông tin đầy đủ theo quy định, trong gần 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp hạ tầng viễn thông còn hướng đến các cổ đông và nhà đầu tư nhiều hơn, thông qua bản tin cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh định kỳ.
Chuyên nghiệp hơn, từ năm 2022, Công ty cập nhật chi tiết đến từng tháng; bao gồm kết quả kinh doanh chung và riêng cho từng lĩnh vực, theo từng thời điểm và lũy kế, thể hiện bằng đồ thị trực quan.
“Chúng tôi cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng và bình đẳng tới các cổ đông cá nhân, quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán.
Hoạt động IR đã góp phần giúp các nhà đầu tư hiểu hơn về CTR cũng như có được bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp kịp thời; qua đó giúp các quỹ đầu tư, nhà đầu tư vững tin hơn để đầu tư vào Công ty” - đại diện CTR nói, đồng thời cho biết việc kịp thời, minh bạch trong công bố thông tin đã giúp Doanh nghiệp giảm thiểu nhiều rủi ro về danh tiếng và truyền thông.
Tại CTR, Ban Kiểm soát, ngoài việc giám sát HĐQT và Ban Điều hành, còn có trách nhiệm giám sát lợi ích của các cổ đông và những người có liên quan thông qua các hợp đồng giao dịch, bán đấu giá.
Bản tin kết quả kinh doanh định kỳ của CTR có hình ảnh, đồ thị trực quan - Nguồn: CTR
Một chuyển động khác, dù không quá nổi bật nhưng phần nào thể hiện nỗ lực nâng cao trách nhiệm đối với cổ đông mà công ty con của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã làm trong thời gian qua là việc CTR bổ sung chi tiết các phương thức gửi thông báo mời họp cho cổ đông vào Quy chế nội bộ về quản trị công ty, cụ thể là bổ sung nội dung “chuyển tận tay hoặc gửi qua bưu điện bằng phương thức bảo đảm tới địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức, địa chỉ thường trú hoặc nơi làm việc mà cổ đông cá nhân đã đăng ký; gửi thư điện tử (email) hoặc gửi tin nhắn qua số điện thoại liên lạc tới địa chỉ liên lạc của cổ đông do Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán cung cấp hoặc đã đăng ký với Công ty…
Trường hợp cổ đông là người làm việc trong Công ty, thông báo mời họp có thể được gửi tận tay tại nơi làm việc hoặc gửi đến địa chỉ thư điện tử của cổ đông đó”.
CTR cho biết, việc này nhằm cụ thể hóa các phương thức gửi thư/thông báo mời họp tới cổ đông; thực hiện chuyển đổi số, số hóa các hoạt động quản trị và thực hành ESG trong công tác quản trị doanh nghiệp như tiết kiệm và hạn chế chất thải ra môi trường.
Về hoạt động kinh doanh sau nửa đầu năm, CTR ghi nhận lũy kế hơn 5.6 ngàn tỷ đồng doanh thu và 305 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng lần lượt 11% và 5% so với cùng kỳ.
Mảng vận hành khai thác vẫn là nguồn thu chính khi đóng góp một nửa tổng doanh thu, đạt gần 2.9 ngàn tỷ đồng và cải thiện nhẹ 2%. Đáng kể nhất là mức tăng đến 39% của mảng xây lắp (chiếm tỷ trọng 30%), ghi nhận 1.7 ngàn tỷ đồng. Giải pháp & dịch vụ kỹ thuật (717 tỷ đồng) và hạ tầng cho thuê (282 tỷ đồng) cũng tăng mạnh, lần lượt 35% và 39%.
Kết quả này tiếp tục giúp Công ty chinh phục cột mốc mới về doanh thu và lợi nhuận sau 6 tháng, qua đó hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Nguồn: CTR
Diễn biến kết quả kinh doanh nửa đầu năm trong 10 năm qua của CTR
Nguồn: Người viết tổng hợp
Ở mảng xây dựng dân dụng, nguồn việc từ khách hàng doanh nghiệp ước tính mang về cho CTR hơn 1 ngàn tỷ đồng. Riêng trong tháng 6 vừa qua, Công ty ký kết 3 dự án nổi bật gồm: Aqua City Hòa Bình - Trung Minh B (188 tỷ đồng), Casa Del Rio - Trung Minh A (158 tỷ đồng) và Đất Xanh Group - Gem Sky World (68.3 tỷ đồng).
Còn nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ, cá nhân đóng góp gần 1.2 ngàn tỷ đồng, trong đó có 709 công trình nhà dân. Công ty con của Viettel còn trúng thầu 200 tỷ đồng các dự án xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công.
Ngoài những khó khăn còn tồn tại của nền kinh tế chung, triển vọng tăng trưởng cho năm 2024 được lãnh đạo CTR đặt ra dựa trên các chính sách tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản của Chính phủ; cơ hội đầu tư cáp ngầm dọc cao tốc sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận Viettel triển khai thực hiện các tuyến ngầm dọc cao tốc Bắc - Nam.
Tập đoàn mẹ Viettel sẽ đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ gắn liền với hộ gia đình, bổ sung hạ tầng mạng lưới sẵn sàng tắt 2G và triển khai dịch vụ 5G, mang đến cơ hội bổ sung nguồn việc cho mảng vận hành khai thác, xây lắp viễn thông và đầu tư hạ tầng của CTR.
Theo đại diện Doanh nghiệp, dịch vụ 5G sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho Công ty, bởi 5G yêu cầu mắt lưới mạng nhiều hơn để đảm bảo tốc độ truyền tốt hơn.
Và để làm được điều này, các nhà mạng cần hạ tầng nhiều hơn, thông qua việc tự đầu tư hoặc thuê lại từ thị trường TowerCo - nơi CTR đang hướng đến duy trì vị thế số 1.
Do vậy, khi 5G được triển khai diện rộng, sẽ giúp các trạm BTS (Base Transceiver Station - trạm thu phát sóng di động) của CTR có nhiều đối tác thuê hơn. Công ty có thêm nguồn việc từ xây lắp trạm cho các nhà mạng và đi kèm với số lượng trạm tăng lên là nguồn việc từ mảng vận hành khai thác cũng tăng theo.
Năm nay, CTR nhắm đến con số 4,000 trạm xã hội hóa, bám chặt vào chiến lược 5G và nghiên cứu, đánh giá để đưa ra các đề xuất, tư vấn cho Tập đoàn về phương án triển khai đầu tư, nâng cấp, điều chỉnh thiết kế loại trạm phù hợp với xu hướng của thế giới.
“Chúng tôi đã và đang đầu tư xây dựng 5,000 trạm BTS, thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Với lộ trình này, dự kiến chúng tôi sẽ nâng sở hữu số trạm BTS lên đến 9,975 trạm trong năm 2024, giữ vững vị trí TowerCo số 1 Việt Nam; đưa CTR lọt Top 10 TowerCo ASEAN và Top 30 TowerCo thế giới. Trong giai đoạn 2025-2030, mỗi năm sẽ xây dựng thêm 2,000 trạm BTS” - đại diện CTR thông tin.
Đầu năm 2024, CTR thông báo trúng gói thầu vận hành khai thác viễn thông trị giá gần 16 ngàn tỷ đồng và trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ vận hành khai thác nhà trạm, ứng cứu thông tin lớp mạng truy nhập, kênh truyền chính cho Tập đoàn Viettel, giai đoạn năm 2024-2026.
Gói thầu thực hiện tại 62 tỉnh, thuộc các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ (trừ TPHCM) và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đại diện CTR, việc nằm trong hệ sinh thái của Viettel đã là một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Nguồn việc từ Viettel mang lại cho Công ty hàng năm cũng đang chiếm tỷ trọng cao.
“Thương hiệu Viettel rất lớn, giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn; nằm trong hệ sinh thái của Viettel cũng giúp CTR có nền tảng công nghệ, nền tảng số và nền tảng quản lý tốt nhất” – vị này cho biết.
Ngoài ra, lợi thế cạnh tranh của CTR còn đến từ nguồn lực nhân sự hơn 10,000 người; là kỹ sư điện tử, kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư trình độ cao.
“Sẽ không có đơn vị thứ 2 ở Việt Nam có nguồn lực như vậy. Chúng tôi có mạng lưới rộng khắp với 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Bên cạnh đó, mạng lưới CTR còn phủ đến các xã/phường và đây cũng là lợi thế giúp chúng tôi hơn các đối thủ” – người đại diện cho hay.
CTR đang là đơn vị tiên phong triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ - những nơi mà Viettel đầu tư kinh doanh - với sứ mệnh xây dựng nhanh nhất hạ tầng viễn thông để Tập đoàn mẹ đưa vào sử dụng.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh, các công ty tại các thị trường này sẽ giải thể để đảm bảo hiệu quả. Hiện CTR còn lại 2 công ty con ở thị trường Myanmar và Campuchia.
Nói về định hướng mở rộng kinh doanh ra nước ngoài (GoGlobal), CTR kỳ vọng sẽ sớm đặt chân tới Úc, châu Âu,… - những nơi mà ngành nghề vận hành kỹ thuật và xây dựng của Công ty có lợi thế cạnh tranh, không chỉ đơn thuần tham gia tại các thị trường có Viettel đầu tư như hiện nay.
Hiện CTR chưa triển khai kinh doanh mảng công nghệ thông tin, bởi mảng này đang là bộ phận hỗ trợ kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số cho Doanh nghiệp.
“Tương lai không xa, chúng tôi sẽ mang những sản phẩm đang phục vụ chính mình ra ngoài kinh doanh” - đại diện CTR chốt lại.
Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho CTR từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn). |
Tử Kính
TK: TM
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (02/08/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (02/08/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (02/08/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (02/08/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (02/08/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (02/08/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (02/08/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (02/08/2024)
- Tạm dừng chuyển nhượng các lô đất trong khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt, Danh Khôi ảnh hưởng ra sao? (02/08/2024)