Một doanh nghiệp bất động sản sắp trả cổ tức "khủng" 120%, cổ phiếu phá đỉnh, tăng gần 100% từ đầu năm
CTCP Thiết bị (UPCoM: MA1) dự kiến chia cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 120%, gồm 30% bằng tiền và 90% bằng cổ phiếu, tương ứng cần chi 63.5 tỷ đồng, chiếm hơn 150% lãi ròng năm 2023.
MA1 vừa thông báo chốt ngày trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 30% bằng tiền (3,000 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/08. Với gần 5.3 triệu cp đang lưu hành, Doanh nghiệp cần chi gần 16 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán vào 04/09/2024.
Từ năm 2019, MA1 đều đặn trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, giữ nguyên tỷ lệ 10% trong ba năm 2019-2021, sau đó tăng lên 20% năm 2022 và 30% năm 2023, mức cao nhất từ trước đến nay.
Chưa hết, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, cổ đông MA1 thông qua việc phát hành thêm 4.76 triệu cp trả cổ tức năm 2023, tương đương tỷ lệ 90% (sở hữu 100 cp được nhận 90 cp mới). Thời gian thực hiện sau khi UBCKNN chấp thuận, dự kiến trong năm 2024 và ủy quyền HĐQT quyết định thời điểm cụ thể. Sau phát hành, vốn điều lệ Công ty sẽ nâng lên hơn 100.5 tỷ đồng.
Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của MA1 lên tới 120% (gồm 30% bằng tiền và 90% bằng cổ phiếu), tương ứng cần chi gần 63.5 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2010-2023, MA1 thu đều đặn hơn trăm tỷ đồng mỗi năm, ngoại trừ năm 2011 và 2021 không đạt mức này. Lãi ròng bình quân đạt 16 tỷ đồng/năm, mức cao nhất là 42 tỷ đồng năm 2023 (phá kỷ lục năm 2022 là 31 tỷ đồng).
Dễ hiểu MA1 quyết định chi đậm trả cổ tức 2023 sau một năm lãi kỷ lục. Sau khi trích quỹ và trả cổ tức, lãi sau thuế còn lại chưa phân phối của Công ty là 33 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh MA1 từ năm 2010-2023 | ||
CTCP Thiết bị (MA1) được thành lập từ năm 2006, kinh doanh chính trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, nhà xưởng, kho tàng và kinh doanh bán buôn thương mại một số mặt hàng. Trụ sở Công ty tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Tổng số nhân viên tại cuối năm 2023 là 39 người.
Vốn điều lệ của MA1 hiện gần 53 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông lớn có gia đình Tổng Giám đốc Vũ Thanh Tùng nắm giữ hơn 2.13 triệu cp (tỷ lệ 40.83%), riêng ông Tùng sở hữu 36.39% vốn MA1. Tiếp đó, Kế toán trưởng Hoàng Thị Liên Hồng nắm giữ 6.24%.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo MA1 cũng đang sở hữu từ vài ngàn đến vài chục, vài trăm ngàn cổ phần. Tiêu biểu là Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Kiếm sở hữu hơn 193 ngàn cp (tỷ lệ 3.64%), vợ ông Kiếm là bà Bạch Hồng Quế cũng đang nắm giữ 0.83% vốn MA1.
Hay như Trưởng BKS Nguyễn Hồng Trang nắm 2.36%, Chủ tịch HĐQT Vũ Tường Vân nắm 1.78%, Thành viên BKS Phạm Phương Lan nắm 0.52% và Thành viên BKS Phan Thị Thu Hương nắm 0.17%.
Nguyên nhân cơ cấu cổ đông có phần cô đặc khiến cổ phiếu MA1 trên thị trường gần như rơi vào tình trạng "trắng" thanh khoản, ngoại trừ hai phiên 30/07 và 15/05 khớp lệnh đột biến từ 22-25 ngàn cp. Từ cuối tháng 7, thị giá MA1 đứng yên tại mức 31,300 đồng/cp, mức cao nhất từ khi giao dịch trên UPCoM cuối năm 2020, tăng gần 96% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu MA1 từ đầu năm 2024 | ||
Thế Mạnh
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (10/08/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (10/08/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (10/08/2024)
- Tạm dừng chuyển nhượng các lô đất trong khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt, Danh Khôi ảnh hưởng ra sao? (10/08/2024)
- FIC, BMD và VNF bị phạt thuế (10/08/2024)
- THG sắp tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10%, vẫn còn 30% theo kế hoạch (10/08/2024)
- Lợi nhuận quý 3 ngành ô tô chưa thể tìm lại ánh hào quang? (10/08/2024)
- Tập đoàn C.E.O muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 3 công ty con (10/08/2024)
- Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại (10/08/2024)