TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Nafoods: Hành trình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
Nhằm thực hiện được những mục tiêu, chiến lược hướng đến trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp số hóa, xanh và bền vững, CTCP Nafoods Group (Nafoods, HOSE: NAF) rất cần sự đồng hành của các cổ đông chiến lược; trong đó, công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) luôn được chú trọng, bà Điền Thị Lan Phương - Chủ tịch HĐQT Nafoods chia sẻ.
Năm 2023, Nafoods đạt kết quả kinh doanh kỷ lục và cũng là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Bà có thể cho biết chiến lược kinh doanh khác biệt nào đã giúp Công ty đạt được kết quả đó?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Năm 2023 vừa qua, Nafoods đạt kết quả kinh doanh kỷ lục và cũng là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận. Để đạt được kết quả đó, trong năm 2023, Công ty đã xây dựng một cơ chế quản trị dựa trên việc thiết lập hệ thống các quy trình SOP cho các chức năng/bộ phận quan trọng.
Cụ thể, chúng tôi đã rà soát toàn bộ hệ thống quy trình, chức năng nhiệm vụ, hệ thống mô tả và hướng dẫn công việc để đảm bảo tính phối hợp, tuân thủ, phân quyền và kiểm soát rõ ràng. Kết quả, trong năm 2023, 83 quy trình SOP mới đã được ban hành và cập nhật, giúp cải thiện hiệu quả vận hành, nâng cao năng suất, hiệu suất làm việc và giảm thiểu sai sót, lãng phí.
Hệ thống quản trị tài chính của Công ty năm qua được hoàn thiện với các công cụ dự báo và phân tích tài chính tiên tiến, giúp quản lý ngân sách, theo dõi và tối ưu hóa lợi nhuận. Công ty cũng đã thiết lập các quy trình chặt chẽ để quản lý dự báo và thực hiện các phân tích rủi ro tài chính, qua đó cải thiện sự chính xác trong các quyết định đầu tư và chi tiêu. Kết quả, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty năm qua cải thiện rõ rệt, đạt 11.1%, tăng 2.2% so với năm trước.
Trong công tác quản trị đầu tư và thực hiện dự án, Công ty đã hoàn tất thiết lập quy trình đầu tư và thực hiện dự án chặt chẽ, từ việc đánh giá, lựa chọn dự án, phân bổ nguồn lực đến giám sát và đánh giá hiệu quả. Quy trình này giúp tối ưu việc sử dụng vốn và tài nguyên, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của mỗi dự án.
Năm qua, Công ty đã hoàn tất đầu tư và đưa vào hoạt động tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao Tây Nguyên (từ tháng 6/2023), giúp nâng cao công suất xử lý nguyên liệu trái chanh leo, với mục tiêu trở thành trung tâm chanh leo của châu Á.
Trong công tác quản trị nguồn vốn, bằng cách tối ưu hóa vòng quay vốn lưu động và tăng cường quản lý chặt chẽ các khoản phải thu (AR) và phải trả (AP), Công ty đã giảm thiểu thời gian chờ đợi trong chu kỳ thu chi, từ đó tăng cường khả năng thanh khoản. Việc này nhờ có hệ thống kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động, chỉ số tài chính.
Ngoài ra, việc thiết lập các hạn mức vốn phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo không mắc phải tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa vốn không cần thiết. Điều này không chỉ giúp Công ty giảm bớt chi phí vốn mà còn tạo ra nguồn lực tài chính dồi dào để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Nhờ quản lý nguồn vốn chặt chẽ, Nafoods đã duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác, làm việc với hơn 10 ngân hàng, tổ chức tín dụng, nâng hạn mức tín dụng lên 1,200 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với năm trước. Chỉ số nợ vay trên EBITDA được kiểm soát ở mức an toàn 3.25 lần, giảm so với mức gần 4 lần của năm trước.
Về nguồn nhân lực, Công ty đã bổ sung nhiều nhân sự mới trong năm qua cho các vị trí chuyên môn quan trọng, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo và phát triển kỹ năng, nhấn mạnh vào giá trị cốt lõi và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân. Điều này đã tạo ra một đội ngũ nhân viên có năng lực cao, gắn kết và đóng góp lớn vào sự phát triển của Công ty.
Cùng với việc tăng nguồn lực nhân sự, Nafoods đã đầu tư và nâng cấp hệ thống hạ tầng IT để tăng cường bảo mật và hiệu suất hệ thống thông tin. Việc này không chỉ hỗ trợ cho quá trình quản lý và vận hành mà còn mở ra cơ hội mới trong việc phát triển sản phẩm và dịch vụ.
Với tầm nhìn là trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp số hóa, xanh và bền vững, Nafoods đặt những kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn ra sao để đạt được tầm nhìn này, đặc biệt là việc “xanh hóa” chuỗi sản xuất?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Năm 2024, dựa trên những nền tảng đã thiết lập được trong năm trước, Công ty chủ trương tập trung cải thiện hiệu quả và tốc độ của hệ thống quản trị, bằng việc xây dựng hệ thống data warehouse, hệ thống các báo cáo quản trị tự động, giảm công việc mang tính thủ công (manual), tăng cường hiệu suất làm việc; đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức đội ngũ thông qua tăng cường các khóa đào tạo; tăng cường hệ thống bảo mật thông tin.
Với những chủ trương trên, Nafoods đặt mục tiêu duy trì và củng cố vị thế Top 3 nhà xuất khẩu trái cây tại Việt Nam quản lý theo hướng bền vững; Top 1 thị phần cây giống chanh leo tại Việt Nam; Top 1 về diện tích và khả năng quản lý vùng trồng trái cây tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn Global Gap.
Về mặt tài chính, Công ty đặt kế hoạch kết quả năm 2024 sẽ tiếp đà tăng trưởng lên 7 năm liên tiếp với doanh thu thuần có thể đạt 2,200 tỷ đồng và lãi sau thuế 129 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 17% so với năm 2023.
Kế hoạch dài hạn, giai đoạn 2024-2025, Công ty sẽ tập trung cải thiện hiệu quả vận hành thông qua các giải pháp phát triển vùng trồng và lực lượng tư vấn kỹ thuật; Đầu tư hoạt động R&D cho các sản phẩm chiến lược; Xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả; Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, phần mềm quản trị doanh nghiệp; Nâng cao năng lực M&A, đón đầu các cơ hội mua bán và sáp nhập; Nâng cao các chỉ số hoạt động hiệu quả của các nhà máy.
Giai đoạn 2026-2028 được xác định là thời điểm nắm bắt các cơ hội tăng trưởng và phát triển. Các chiến lược thực hiện bao gồm Hợp đồng chiến lược với các nhà phân phối quan trọng tại các thị trường; Danh mục sản phẩm đa dạng đáp ứng nhiều phân khúc thị trường, khách hàng; Thực hiện M&A các dự án tiềm năng cùng việc tối ưu nội lực để tăng trưởng doanh số và độ phủ; Tập trung tăng trưởng lợi nhuận nhưng vẫn duy trì chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bà có thể chia sẻ chi tiết hơn về các chiến lược ưu tiên mà Nafoods sẽ thực hiện đến năm 2028?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Trong các năm tiếp theo, Nafoods xây dựng chiến lược dài hạn dựa trên 6 ưu tiên chính, gồm: công tác R&D, phát triển vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ và tiêu chuẩn ESG.
Đối với công tác R&D, Công ty sẽ cải tiến liên tục chất lượng giống chanh leo và các cây giống khác để giữ vững vị thế trên thị trường; chuẩn hóa và triển khai các chương trình kỹ thuật canh tác cho đội ngũ tư vấn vùng trồng; nghiên cứu các chế phẩm sinh học hỗ trợ canh tác và các giống cây trồng có khả năng sinh trưởng tốt, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất và tài nguyên nước.
Đối với vùng nguyên liệu, Công ty hướng đến xây dựng vùng canh tác bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, tạo vị thế cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong sản xuất, Nafoods hướng đến tối ưu hóa hiệu suất và công suất máy nhằm tăng năng lực sản xuất và đa dạng các sản phẩm. Thông qua áp dụng công nghệ để giảm giá vốn, tăng tính cạnh tranh và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, từ giai đoạn gieo trồng đến thu hoạch và chế biến.
Về chuỗi cung ứng, Công ty thực hiện quản lý từ vùng trồng đến sản phẩm chế biến đầu ra; xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống nhà cung cấp có hợp đồng chiến lược và hợp đồng dài hạn, đảm bảo nguồn vốn chi phí thấp, linh hoạt cung ứng cho hoạt động của chuỗi. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tăng năng lực hệ thống kho và logistics tiêu chuẩn.
Về công tác phát triển thị trường, Nafoods sẽ tập trung phát triển phân khúc thị trường trung và cao cấp, bên cạnh thị trường truyền thống; xây dựng và phát triển tệp khách hàng chiến lược và tăng độ phủ trên các kênh phân phối cho sản phẩm tiêu dùng nội địa.
Liên quan đến vấn đề ESG, ban lãnh đạo Nafoods chủ trương tìm kiếm và ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong sản xuất nông nghiệp, cắt giảm lượng khí thải ra môi trường. Nghiên cứu và phát triển các phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất tổng hợp nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động trong ngành nông nghiệp và bà con nông dân, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.
Các nhà máy của Nafoods hiện nay đã đạt được những chứng chỉ gì để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Các chứng chỉ chất lượng mà Nafoods đang theo đuổi để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp bao gồm: ISO 22000; Kosher, BRC, Halal, FSMA, FDA, FSSC2000, Smeta, HACCP CODEX để thực hành và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng này, ngoài các vấn đề về đầu tư chi phí cố định, tuân thủ yêu cầu dây chuyền, kỹ thuật, nguyên liệu, Nafoods còn đầu tư các chi phí nhằm nâng cao tay nghề, trình độ, tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ CB-CNV làm công tác kiểm soát chất lượng và trực tiếp sản xuất.
Được biết, mảng kinh doanh tiêu dùng nội địa của Nafoods đang nhận được sự quan tâm của cổ đông chiến lược và nhà đầu tư tiềm năng. Công ty có kế hoạch gì để phát triển mảng kinh doanh này trong thời gian tới?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Trong thời gian tới, đối với mảng kinh doanh tiêu dùng nội địa, Nafoods sẽ tập trung nguồn lực mở rộng và phát triển kênh MT để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; xây dựng 160 điểm bán tiêu chuẩn toàn quốc, trong đó mỗi nhân viên kinh doanh quản lý 150 khách hàng cửa hàng tiện lợi, mang sản phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Nafoods có kế hoạch mở rộng chuỗi giá trị cho các sản phẩm khác không? Việc phát triển chuỗi giá trị tạo ra năng lực cạnh tranh của NAF so với các đối thủ cùng ngành khác biệt như thế nào?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Nafoods Group tự hào về việc hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín cho sản phẩm chanh leo. Bắt đầu từ nghiên cứu và phát triển các loại cây giống và các chế phẩm sinh học hỗ trợ canh tác; đến sản xuất và kinh doanh cây giống và các vật tư nguyên liệu đầu vào; cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đầu vào và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho người nông dân để đảm bảo năng suất và chất lượng tốt nhất; thu mua sản lượng quả sau thu hoạch từ người nông dân với giá cạnh tranh; đưa nguyên liệu quả về chế biến sản phẩm tại các nhà máy và phân phối sản phẩm đến tay khách hàng.
Trong tương lai, Nafoods sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị cho các loại trái khác như thanh long, xoài, dứa, đu đủ, sầu riêng... nhằm quản lý và kiểm soát cả về sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân; từ đó quản trị được chuỗi cung ứng, tối ưu hiệu quả vận hành.
Người tiêu dùng ngày càng chú trọng tới sức khỏe cũng như việc Chính phủ siết chặt các quy định đối với các loại thức uống như bia, rượu, nước ngọt có đường… mặt hàng nước ép trái cây của Công ty trong thời gian tới có đặt ra chiến lược phát triển nào nhằm nâng cao giá trị cũng như thị phần trong nước?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Để nâng cao giá trị cũng như thị phần trong nước đối với sản phẩm nước ép trái cây, Nafoods tập trung tăng cường truyền thông về lợi ích sức khỏe của các sản phẩm từ thành phần trái cây tự nhiên, không chứa chất bảo quản, không chất tạo màu hay hương liệu nhân tạo; phát triển các dòng sản phẩm mới từ trái cây vốn là những nguyên liệu chúng tôi đã xuất khẩu gần 30 năm nay.
Thứ hai, đảm bảo sản phẩm đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn an toàn khác.
Thứ ba, sử dụng bao bì có thể tái chế, thân thiện với môi trường để thu hút người tiêu dùng quan tâm đến phát triển bền vững; tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với hình ảnh tươi mới, trẻ trung và tốt cho sức khỏe.
Thứ tư, đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, website và ứng dụng di động.
Thứ năm, mở rộng phân phối sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán cà phê; tăng cường bán hàng qua các kênh thương mại điện tử.
Cuối cùng là định giá sản phẩm hợp lý để cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường.
Công ty có dự định sẽ tìm kiếm cổ đông chiến lược mới hoặc quỹ đầu tư? Vai trò của hoạt động IR sẽ được phát huy ra sao trong việc giúp Công ty tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Trong tương lai gần, chúng tôi có thể tìm kiếm các cổ đông chiến lược mới có tiềm năng đầu tư lâu dài và mang lại giá trị bổ sung như kinh nghiệm quản lý, công nghệ mới hoặc mạng lưới phân phối. Đó có thể là các tập đoàn thực phẩm quốc tế, các quỹ đầu tư có chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm hoặc các tổ chức tài chính quốc tế khác.
Chúng tôi có kế hoạch tìm kiếm sự đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, đặc biệt là những quỹ có chiến lược đầu tư vào nông nghiệp bền vững, vì việc hợp tác với các quỹ đầu tư không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn giúp Nafoods tận dụng kiến thức và kinh nghiệm quản lý từ các nhà quản lý quỹ.
Trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, vai trò của hoạt động IR là khá lớn. Hoạt động IR cần đảm bảo thông tin về hoạt động kinh doanh, chiến lược phát triển và tình hình tài chính của Nafoods được công bố minh bạch và chính xác. Điều này giúp tăng niềm tin và sự quan tâm từ các nhà đầu tư tiềm năng.
Bộ phận IR sẽ tổ chức các buổi hội thảo và roadshow để trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các nhà đầu tư tiềm năng; tạo cơ hội cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Nafoods và các cơ hội đầu tư; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, đảm bảo họ nhận được thông tin kịp thời và hỗ trợ mọi thắc mắc, từ đó xây dựng sự tin tưởng và hợp tác lâu dài.
Hoạt động IR cần thu thập phản hồi từ các nhà đầu tư để hiểu rõ những mối quan tâm và kỳ vọng của họ, từ đó cải thiện chiến lược kinh doanh và quản trị công ty theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư.
Mức độ thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua thay đổi ra sao?
Chủ tịch Điền Thị Lan Phương: Hiện tại, Nafoods đã và đang duy trì bản tin IR song ngữ định kỳ. Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng bản tin song ngữ nhằm chú trọng và quan tâm thông tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như truyền thông nước ngoài.
Sự thay đổi này sẽ giúp Nafoods minh bạch thông tin hơn với các nhà đầu tư, tạo dựng uy tín và niềm tin, tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm và đầu tư, giúp doanh nghiệp được đánh giá cao hơn trên thị trường quốc tế.
Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho Nafoods Group (HOSE: NAF) từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn) |
Hà Lễ
Thiết kế: Tuấn Trần
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (02/08/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (02/08/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (02/08/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (02/08/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (02/08/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (02/08/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (02/08/2024)
- Tạm dừng chuyển nhượng các lô đất trong khu kinh tế Nhơn Hội, Phát Đạt, Danh Khôi ảnh hưởng ra sao? (02/08/2024)
- FIC, BMD và VNF bị phạt thuế (02/08/2024)