Sản lượng container qua cảng tăng trong khi nhiều chi phí giảm, VGR lãi quý 2 gấp rưỡi cùng kỳ
CTCP Cảng Xanh Vip (UPCoM: VGR) công bố BCTC quý 2/2024 với lãi ròng gần 93 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bởi sản lượng container qua cảng tăng, đồng thời chi phí khấu hao và chi phí sửa chữa lớn đều giảm.
Quý 2/2024, VGR lần lượt ghi nhận doanh thu thuần gần 285 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vẫn đến từ hoạt động xếp dỡ container khi mang về gần 249 tỷ đồng, tăng 37%. Các hoạt động như lưu bãi, chạy lạnh, kiểm hóa, kiểm dịch và tàu lai cũng ghi nhận tăng trưởng.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của VGR
|
Sau cùng, VGR lãi ròng gần 93 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết sản lượng container qua cảng tăng gần 13% nên doanh thu có sự tăng trưởng. Ngoài ra, chi phí khấu hao giảm do tài sản cố định đã hết khấu hao. Đặc biệt, trong năm 2023 có sửa chữa lớn phương tiện thiết bị làm chi phí quý 2/2023 cao hơn so với quý 2/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VGR lãi trước thuế 210 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, thực hiện được 88% kế hoạch năm đề ra là 240 tỷ đồng. Lưu ý rằng, VGR đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 đi lùi 22% so với kết quả 2023. Năm trước, VGR lãi trước thuế hơn 307 tỷ đồng.
Sau khấu trừ thuế, VGR lãi ròng hơn 187 tỷ đồng, tăng 71%.
Kết quả kinh doanh quý 2 và lũy kế 6 tháng năm 2024 của VGR
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tại thời điểm 30/06/2024, tổng tài sản của VGR hơn 1,112 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Mức giảm chủ yếu đến từ quy mô các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 95%, từ hơn 424 tỷ đồng (tỷ trọng 34%) xuống chỉ còn hơn 21 tỷ đồng (tỷ trọng 2%).
Một khoản mục đáng chú ý khác cũng suy giảm là tài sản cố định, giảm 12% về còn gần 241 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản.
Chiều ngược lại, tiền và tương đương tiền tăng mạnh lên hơn 387 tỷ đồng, gấp 2.2 lần đầu năm. Bên cạnh đó, phải thu ngắn hạn cũng tăng đến 71% lên hơn 157 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, VGR có dư nợ phải trả hơn 140 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, do tăng gần 20 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn và phát sinh thêm 32 tỷ đồng dự phòng phải trả ngắn hạn chi phí nạo vét luồng.
Dù tăng mạnh nhưng nhìn chung, dư nợ phải trả vẫn thấp hơn nhiều so với quy mô gần 972 tỷ đồng của vốn chủ sở hữu, chiếm đến 87% tổng nguồn vốn.
Huy Khải
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (22/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (22/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (22/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (22/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (22/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (22/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (22/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (22/07/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (22/07/2024)