Tổng Công ty Thép muốn thoái vốn VICASA với giá khởi điểm gấp hơn 2.5 lần thị giá, cổ phiếu kịch trần
Giá cổ phiếu của CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) tăng trần sau khi thông tin về thương vụ bán vốn được công bố. Cổ phiếu của Tổng Công ty Thép Việt Nam (UPCoM: TVN) cũng tăng 2.8% trong ngày thị trường đi ngang.
Trong công bố mới nhất ngày 27/11, Thép Việt Nam dự kiến thực hiện đấu giá công khai 65% vốn sở hữu tại VICASA với giá thấp nhất 24,158 đồng/cp. Giao dịch này bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm nay và chậm nhất hoàn thành trong quý đầu tiên năm sau, theo thông tin từ tờ trình đính kèm của Thép Việt Nam.
Bước đi trên phù hợp với đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Thép quốc doanh, đang làm dậy sóng cổ phiếu của cả 2 đơn vị liên quan. Phiên 28/11, mã VCA tăng trần lên mức 9,090 đồng/cp, trong khi TVN tăng 2.8% lên 7,300 đồng/cp.
Trụ sở VICASA tại số 9, KCN Biên Hòa 1, phường An Binh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
|
Theo các hợp đồng tư vấn đã ký, bên đảm nhiệm vai trò xác định giá trị phần vốn của Thép Việt Nam tại VICASA là Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE), trong khi việc xây dựng phương án chuyển nhượng và thực hiện bán vốn đầu tư được giao cho Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (HOSE: CTS).
Nghị quyết HĐQT công bố ngày 27/11 cho biết 2 đơn vị tư vấn đã hoàn hành các vai trò nêu trên.
Giá trị thực tế của phần vốn sở hữu bởi Thép Việt Nam tại VICASA được xác định gần 238.5 tỷ đồng, tương ứng 24,158 đồng/cp. Mức giá trị tính toán bởi đơn vị tư vấn bằng gần gấp đôi giá trị sổ sách và hơn 2.5 lần thị giá VCA trên sàn chứng khoán.
Mã VCA theo đó tăng kịch trần trong ngày 28/11, sau khi thông tin về thương vụ bán vốn được công bố, nhưng tổng khối lượng khớp lệnh khiêm tốn ở mức 15,400 cp - trị giá chỉ 139 triệu đồng, theo dữ liệu VietstockFinance.
Thanh khoản èo uột của mã này, một phần do quy mô nhỏ của doanh nghiệp và một phần do tỷ lệ sở hữu cô đặc với 1 cổ đông nắm quyền chi phối, khiến bên bán là Thép Việt Nam khó lựa chọn phương thức phân phối cổ phần VICASA qua khớp lệnh giao dịch trực tiếp trên sàn HOSE.
Điều này cũng đặt giữa bối cảnh thị trường chứng khoán dường như thiếu hào hứng với cổ phiếu ngành thép trong năm nay, do nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu khi lĩnh vực địa ốc nội địa gượng dậy chậm chạp và những rủi ro từ tình trạng dư cung thép của Trung Quốc, cùng áp lực bảo hộ thương mại toàn cầu nóng lên.
“Có thể thấy việc chuyển nhượng vốn thông qua bán đấu giá công khai theo lô có nhiều ưu điểm vượt trội hơn” - Tờ trình ngày 24/10 của Thép Việt Nam đánh giá.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, công ty mẹ sẽ đấu giá công khai 1 lô duy nhất đối với 65% cổ phần tại VICASA cho các nhà đầu tư nội địa quan tâm.
Trường hợp đấu giá không thành công, họ sẽ tiếp tục tiến hành chào bán cạnh tranh hoặc theo phương thức thỏa thuận, tùy thuộc vào tình hình.
Hiện, ngoài công ty mẹ Thép Việt Nam, VICASA còn 1 cổ đông lớn khác là CTCP Thép Đà Nẵng, với tỷ lệ sở hữu 7.14% cổ phần.
Thừa Vân
- Tân binh mới lên sàn muốn huy động thêm vốn (29/11/2024)
- Tổng Giám đốc DP1 rời Công ty sau gần 3 năm làm việc (29/11/2024)
- Số phận Sun City hậu chia tay Novaland (29/11/2024)
- WSB sắp tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 20% (29/11/2024)
- Bidiphar vào top 4 công ty dược phẩm uy tín nhất Việt Nam 2024 (29/11/2024)
- Một doanh nghiệp chế biến tôm lâu đời tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 110% (29/11/2024)
- Ngôi vương EPS 9 tháng 2024 thuộc về ai? (29/11/2024)
- TDH có Tổng Giám đốc thứ 2 từ nhiệm dưới thời Chủ tịch kín tiếng (29/11/2024)
- Handico6 đổi phương án chia cổ tức từ cổ phiếu sang tiền mặt (29/11/2024)