Trước khi bị bắt, bà chủ Quốc Cường Gia Lai nói gì về thương vụ ‘đất công’?
Trước khi bị khởi tố, bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết việc Quốc Cường Gia Lai mua vốn góp và tiến tới sở hữu khu đất trên đường Bến Vân Đồn, Q.4, TPHCM đều thông qua hai cá nhân.
Quốc Cường Gia Lai thu lợi gần 400 tỷ đồng
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đây động thái mới nhất trong quá trình Cơ quan CSĐT Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường… liên quan đến khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4, TPHCM.
Khu phức hợp được xây dựng trên khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4. Ảnh: A.V.N |
Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích hơn 6.200m2, hiện là khu phức hợp cao tầng gồm căn hộ, khu thương mại văn phòng, dịch vụ.
Về nguồn gốc, khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tháng 12/2009, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín), vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cao su Đồng Nai góp 4,32 tỷ đồng (72% vốn) và Công ty Cao su Bà Rịa góp 1,68 tỷ đồng.
Tháng 10/2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch. Một năm sau, cơ cấu cổ đông của Phú Việt Tín thay đổi lớn khi có sự xuất hiện của Công ty Retro Harvest Finance Ltd.
Tính đến tháng 4/2010, Công ty Retro Harvest Finance Ltd đã sở hữu 80% vốn của Phú Việt Tín. Tỷ lệ góp vốn của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa lần lượt chỉ còn 14,4% và 5,6%.
Sau khi được giao đất, Phú Việt Tín không triển khai dự án mà cơ cấu cổ đông liên tục thay đổi. Đến năm 2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) bất ngờ xuất hiện.
Tính đến tháng 9/2014, Quốc Cường Gia Lai đã nắm giữ 99,5% vốn tại Phú Việt Tín. Chỉ vài tháng sau, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan đã bán sạch vốn tại Phú Việt Tín cho hai doanh nghiệp và một cá nhân, thu về hơn 840 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ việc, trong thương vụ này, Quốc Cường Gia Lai đã bỏ ra số tiền 465 tỷ đồng để sở hữu gần như toàn bộ vốn tại Phú Việt Tín và sau đó bán lại, thu về khoản lợi nhuận 382 tỷ đồng.
‘Bà chủ’ Quốc Cường Gia Lai nói gì?
Trao đổi với PV VietNamNet vào thời điểm cuối tháng 5/2024, bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, xác nhận các thông tin Quốc Cường Gia Lai tham gia mua bán vốn tại Phú Việt Tín như nói trên.
Theo bà Loan, bà biết đến khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn vì mỗi ngày đến công ty đều đi ngang qua đây. Do muốn sở hữu khu đất nên bà đã hỏi nhân viên bảo vệ khu đất và người này đã cho số điện thoại của bà Lê Y Linh – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Việt Tín (Công ty Việt Tín).
Sau khi trao đổi qua điện thoại, bà Loan và bà Linh đã gặp nhau vài lần để bàn bạc việc mua bán khu đất. Quá trình đàm phán có sự tham gia của ông Đặng Phước Dừa – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Việt Tín (Công ty Đầu tư Việt Tín).
Bà Loan cho hay, bà Linh và ông Dừa cam kết sẽ đứng ra thu xếp để chuyển nhượng 100% vốn tại Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai. Sau khi thống nhất, hai bên đã ký hợp đồng hứa mua hứa bán.
Thời điểm Quốc Cường Gia Lai tham gia, 80% vốn của Phú Việt Tín thuộc sở hữu của Công ty Retro Harvest Finance Ltd. Doanh nghiệp này có uỷ quyền phần vốn góp 80% cho Công ty Việt Tín và Công ty Đầu tư Việt Tín.
Đối với 20% vốn góp còn lại của Phú Việt Tín, Tổng Công ty Cao su Việt Nam cũng có nghị quyết chuyển nhượng cho hai công ty của bà Linh và ông Dừa.
“Quốc Cường Gia Lai mua lại phần lớn vốn của Phú Việt Tín thông qua hai công ty của bà Linh và ông Dừa, chỉ 1% vốn mua trực tiếp từ Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa. Việc thanh toán tiền được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản, có đầy đủ chứng từ giao dịch”, bà Loan khẳng định.
Trước câu hỏi vì sao sau khi sở hữu Phú Việt Tín, đồng nghĩa với việc sở hữu khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đắc địa, nhưng Quốc Cường Gia Lai không đầu tư dự án mà chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác, bà Loan cho rằng vì lý do tài chính.
“Ban đầu, tôi tính xây dựng văn phòng công ty trên khu đất này và sẽ làm bến du thuyền. Đây sẽ là điểm đón khách hàng đến dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để tham quan, tìm hiểu dự án. Tuy nhiên, do không vay được tiền và không muốn đầu tư dàn trải nên dù tiếc đứt ruột cũng đành phải bán lại”, bà Loan chia sẻ.
Như vậy, tính đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 17 bị can liên quan đến vụ án này.
Anh Phương
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (20/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (20/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (20/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (20/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (20/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (20/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (20/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (20/07/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (20/07/2024)