Về tay T&T Group, một công ty điện gió chi gần ngàn tỷ trả sạch nợ trái phiếu dù liên tiếp thua lỗ
Trong ngày 20/06/2024, Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 đã chi gần 1 ngàn tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành. Hai năm gần đây công ty đều kinh doanh thua lỗ.
Cụ thể trước ngày 20/06, Phước Hữu – Duyên Hải 1 còn 14 lô trái phiếu đang lưu hành, với tổng giá trị 955 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều được phát hành vào năm 2021, gồm PHDCH2124003 (15 tỷ đồng), PHDCH2125004 (40 tỷ đồng), PHDCH2126005 (50 tỷ đồng), PHDCH2127006 (60 tỷ đồng), PHDCH2128007 (60 tỷ đồng), PHDCH2129008 (60 tỷ đồng), PHDCH2130009 (70 tỷ đồng), PHDCH2131010 (70 tỷ đồng), PHDCH2132011 (70 tỷ đồng), PHDCH2133012 (80 tỷ đồng), PHDCH2134013 (80 tỷ đồng), PHDCH2135014 (100 tỷ đồng), PHDCH2136015 (100 tỷ đồng) và PHDCH2137016 (100 tỷ đồng).
Trong đó chỉ 1 lô trái phiếu sắp đáo hạn vào tháng 08/2024 (lô PHDCH2124003), với giá trị 15 tỷ đồng. Lô này cũng được Doanh nghiệp, mua lại một lần vào giữa tháng 2/2024, giá trị 15 tỷ đồng. Các lô khác còn thời hạn khá dài, có lô tới năm 2036 (lô 6015) hoặc 2033 (lô 3012). Với việc mạnh tay chi gần 1 ngàn tỷ đồng, Doanh nghiệp chính thức sạch nợ trái phiếu.
Liên tiếp thua lỗ, tiền đâu trả nợ?
Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 tại Bình Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.3 ngàn tỷ đồng, công suất 30 MW.
Dự án điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1
|
Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp điện gió này đã trải qua 2 năm thua lỗ liên tiếp. Theo công bố tài chính định kỳ trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 kết năm 2023 với khoản lỗ hơn 60 tỷ đồng, năm trước lỗ hơn 84 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Phước Hữu - Duyên Hải 1 trong năm 2023
Nguồn: HNX
|
Vốn chủ sở hữu thời điểm cuối năm 2023 ghi nhận 254 tỷ đồng, hơn đầu năm 53%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ giảm từ 6.28 lần còn 4.22 lần, tương ứng tổng dư nợ thời điểm này là gần 1.1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu thời điểm này là 975 tỷ đồng, tương đương hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ 3.97 lần.
Câu hỏi đặt ra là với tình hình kinh doanh như vậy, Doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để mạnh tay trả sạch nợ trái phiếu?
Được biết, Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 ban đầu được thành lập dưới dạng công ty cổ phần với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Hưng Tín (Gia Lai) chiếm 95%; ông Lê Trung Tín (trú tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nắm 4%; và Nguyễn Thái Hà (Ba Đình, Hà Nội) nắm 1%. Đại diện pháp luật là ông Lê Trung Tín, kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Tháng 10/2020, doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH. Các cổ đông chuyển sang làm thành viên góp vốn. Đến tháng 12/2020, vốn điều lệ tăng lên hơn 71 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên không đổi.
Đầu năm 2021, đại diện pháp luật được chuyển sang ông Trần Đức Việt, Tổng Giám đốc, và được duy trì vai trò tới nay. Đến tháng 09/2021, Công ty Hưng Tín đã rời khỏi danh sách thành viên. Số vốn góp của Hưng Tín chuyển sang cho ông Trịnh Văn Quang (Thanh Hóa). Ngoài ra, bổ sung thành viên mới là Nguyễn Thị Kiều trang (Hoàng Mai, Hà Nội), nắm giữ 1% vốn góp. Ngay sau đó, Doanh nghiệp tiến hành tăng vốn điều lệ lên 260 tỷ đồng. Trong đó, ông Quang và ông Việt mỗi người nắm 45%, còn bà Trang góp 10%.
Cuối năm 2021, bà Kiều Trang rời danh sách, số vốn góp chuyển sang cho cá nhân Nguyễn Phong Mai (Sơn Tây, Hà Nội). Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 310 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ của ông Quang và ông Việt hạ xuống còn gần 38% mỗi người, còn Mai tăng lên 24.5%.
Giữa năm 2023, cơ cấu thành viên của Doanh nghiệp có biến động đáng chú ý với sự tham gia của Quỹ Đầu tư Tăng trưởng BVIM nắm hơn 16.4% vốn; bà Mai giảm còn 8%; ông Quang và ông Việt giữ nguyên 38%.
Diễn biến gần nhất, vào tháng 01/2024, cơ cấu của Phước Hữu – Duyên Hải 1 chỉ còn 2 thành viên, gồm BVIM (16.4%) và thành viên mới là CTCP Thái Sơn – Long An (83.6%). Phong Mai và ông Trần Đức Việt trở thành hai thành viên ủy quyền đại diện cho số vốn góp của Thái Sơn – Long An.
Như vậy, có thể nói công ty điện gió này đã “đổi chủ”, về tay của CTCP Thái Sơn – Long An - là một thành viên của T&T Group - từ đầu tháng 1/2024, không lâu trước thời điểm Doanh nghiệp tiến hành mua lại một phần của lô trái phiếu mã PHDCH2124003 (giá trị mua lại 15 tỷ đồng tại ngày 15/02/2024).
Về Thái Sơn – Long An, đây là doanh nghiệp có tiếng trong mảng bất động sản, thành lập từ năm 2009, hiện do ông Đỗ Hoàng Việt làm đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án T&T Millenial City tại Long An.
Phối cảnh dự án T&T Millenial City tại Long An
|
Theo báo cáo tình hình tài chính định kỳ trên HNX, Thái Sơn Long An lãi gần 58 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 27% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 2.8 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 3%. ROE giảm từ 2.68% còn 2.02%.
Các chỉ tiêu tài chính của Thái Sơn - Long An trong năm 2023
Nguồn: HNX
|
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ trong năm 2023 giảm mạnh từ 9.13 lần còn 3.91 lần, tương ứng dư nợ khoảng hơn 11 ngàn tỷ đồng. Phần lớn trong đó là nợ trái phiếu (khoảng 8.7 ngàn tỷ đồng, tương đương 78%.
Hiện tại, Thái Sơn – Long An còn lưu hành 2 lô trái phiếu được phát hành từ năm 2021, có mã TSLCH2129001 (4.6 ngàn tỷ đồng) và TSLCH2129002 (4.1 ngàn tỷ đồng). Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và có tài sản đảm bảo. Mục đích phát hành nhằm thực hiện đầu tư dự án khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với quy mô 267 ha – chính là T&T Millenial City.
Tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu nêu trên là toàn bộ quyền sử dụng đất tại khu đất Dự án và tài sản hình thành trên đất trong tương lai, ngoại trừ 877 căn nhà ở thuộc giai đoạn 1 có tổng diện tích đất hơn 11.3ha. Dự án nằm tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc được định giá hơn 41 ngàn tỷ đồng, theo chứng thư thẩm định giá số 984/2021/CTTĐG-VFA VIETNAM ngày 05/11/2021 do Công ty TNHH Thẩm định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam ban hành.
Châu An
- Ngày 3/12, tòa ra phán quyết cuối cùng với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm (26/06/2024)
- Nợ thuế, công ty do cá nhân 19 tuổi thành lập vẫn hút thêm 880 tỷ từ trái phiếu (26/06/2024)
- Quý 3: Nhựa xây dựng và nhựa gia dụng cùng khởi sắc (26/06/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (26/06/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (26/06/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (26/06/2024)
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (26/06/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (26/06/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (26/06/2024)