Vì đâu VND báo lãi sau thuế quý 1 tăng 340%?
CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Quý này, VND báo lãi ròng đạt 617 tỷ đồng, tăng 340% so với cùng kỳ.
Các mảng hoạt động đều tăng trong quý 1/2024
Lãi sau thuế quý 1 của VND bứt mạnh so với cùng kỳ, tăng 340% lên mức 617 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận này đến từ nhiều mảng hoạt động.
Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của VND
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở mảng tự doanh, dù lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 15% nhưng tổng khoản lỗ từ tài sản FVTPL quý này giảm tới hơn 70% còn 130 tỷ đồng. Theo đó, VND đạt lãi tự doanh hơn 524.5 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cùng kỳ. Công ty cho biết đà tăng trưởng chủ yếu đến từ danh mục đầu tư, kinh doanh mua bán chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Hoạt động mua bán trái phiếu đóng góp phần lớn vào mảng tự doanh của VND quý 1 năm nay. Công ty đạt lãi thuần 265 tỷ đồng từ mua bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết, tăng 32% so với cùng kỳ.
Lãi/Lỗ bán tài sản tài chính của VND
|
Nguồn: VND
|
Mảng môi giới và cho vay cũng tăng mạnh. Doanh thu môi giới đạt 228 tỷ đồng, tăng 56%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 27% lên 316 tỷ đồng. Hoạt động môi giới và cho vay tích cực do thanh khoản thị trường tăng trong quý 1.
Dư nợ cho vay của VND ghi nhận mức 9.9 ngàn tỷ đồng ở thời điểm cuối quý 1, giảm 3% so với đầu năm.
Nguồn thu từ tài sản nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng 46%, đạt 144 tỷ đồng. Công ty cho biết kết quả này đến từ việc tăng quy mô đầu tư hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn trong kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu bảo lãnh phát hành của Công ty đạt gần 25 tỷ đồng, tăng 225%.
Một điểm nhấn giúp lợi nhuận của VND tăng vọt nữa là chi phí tài chính giảm tới gần 61% còn 248 tỷ đồng khi lãi suát đi vay giảm mạnh so với quý 1/2023.
Tuy nhiên, trong quý 1, VND ghi nhận chi phí quản lý tăng mạnh lên mức 153 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Đáng chú ý là khoản chi phí dịch vụ mua ngoài lên tới gần 100 tỷ đồng.
Chi phí quản lý của VND
Nguồn: VND
|
Cơ cấu tài sản FVTPL có sự dịch chuyển
Cuối quý 1, quy mô danh mục tài sản FVTPL của VND không biến động nhiều so với đầu năm, ở mức 16.2 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, có sự chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm tài sản.
Chứng chỉ tiền gửi giảm 25% về còn hơn 4.5 ngàn tỷ đồng. Trái phiếu niêm yết giảm 95% về còn 28 tỷ đồng.
Ngược lại, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết được gia tăng. Số dư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết tăng 38% lên hơn 1.5 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị trái phiếu chưa niêm yết tăng 15% lên 8,698 tỷ đồng.
Đối với danh mục cổ phiếu (niêm yết và chưa niêm yết), VND đang nắm giữ một số mã nổi bật như VPB, HSG, ACB, C4G, LTG. So với đầu năm, Công ty đã gia tăng giá trị đầu tư vào các cổ phiếu khác, tăng từ 263 tỷ đồng lên 636 tỷ đồng.
Danh mục tài sản FVTPL của VND
Nguồn: VND
|
Tổng tài sản của VND tới 31/03/2024 đạt hơn 41.3 ngàn tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm.
Yến Chi
- Doanh nghiệp có vốn của VIMC lại thanh lý thêm tàu, đội tàu hùng hậu nay còn 4 chiếc (20/04/2024)
- Chủ tịch Saigon Ratings: Niềm tin nhà đầu tư còn phụ thuộc rất lớn vào tổ chức phát hành (20/04/2024)
- Tin Vay gia nhập “đường đua” hệ sinh thái fintech (20/04/2024)
- Công ty may sa thải hàng ngàn lao động mòn mỏi tìm đơn hàng (20/04/2024)
- TCBS muốn huy động thêm 5,000 tỷ đồng trái phiếu (20/04/2024)
- Cựu Chủ tịch ABR ngồi ghế Tổng Giám đốc Google Việt Nam (20/04/2024)
- SMB chuẩn bị tạm ứng cổ tức đợt 3/2024, đánh dấu năm chia cổ tức cao nhất lịch sử (20/04/2024)
- DNH chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 12% (20/04/2024)
- Trước khi về tay Nvidia, VinBrain có gì? (20/04/2024)